Những “điểm mờ” của vụ kiện cần làm rõ
Pháp luật - Bạn đọc 13/10/2021 19:01
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2015 đến 2017, bà Hiền vay bà Trâm 9 tỉ đồng. Do bà Hiền không có điều kiện trả cả gốc và lãi, bà Trâm khởi kiện bà Hiền ra Tòa.
Bản án dân sự sơ thẩm số 56/2018/DS-ST ngày 3/10/2018 của TAND TP Long Xuyên, xử buộc bà Hiền và ông Nguyên phải liên đới chịu trách nhiệm trả cho bà Trâm 11 tỉ đồng, trong đó có 9 tỉ đồng tiền nợ gốc.
Còn Bản án dân sự phúc thẩm số 51/2019/DS-PT ngày 10/4/2019 của TAND tỉnh An Giang, có nội dung: Những diễn biến tại phiên tòa cũng như những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thẩm phán Quách Tố Giang đề nghị đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm d, Khoản 1, Điều 192, Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS). Tuy nhiên, việc vay tiền giữa bà Hiền với bà Trâm là có căn cứ nên TAND tỉnh An Giang tuyên buộc bà Hiền phải có nghĩa vụ trả số tiền gốc và lãi cho bà Trâm là hơn 10 tỉ đồng.
Về nghĩa vụ liên đới của vợ chồng ông Nguyên, TAND tỉnh An Giang nhận định, căn cứ Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014. Mặc dù đây là khoản nợ do bà Hiền xác lập trong thời kì hôn nhân, nhưng biên nhận ghi ngày 1/11/2016, không ghi rõ mục đích vay. Qua lời khai, chứng cứ tại phiên tòa, nguyên đơn không chứng minh được bị đơn vay 9 tỉ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại Điều 24, 25, 26 của Luật HN&GĐ năm 2014. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc trách nhiệm liên đới của ông Nguyên là không có căn cứ.
Ông Lê Minh Nguyên trình bày sự việc. |
Mặt khác, các điều kiện khởi kiện của nguyên đơn cũng cần được xác định rõ. Các khoản nợ (từ năm 2014 đến 2017), các bên cho vay bằng miệng không có giấy biên nhận. Những chứng cứ nguyên đơn nộp cho Tòa án chỉ có 2 giấy biên nhận. Đối với giấy biên nhận ngày 1/11/2016, đây là quan hệ hợp đồng cho vay mới. Không lãi, không thời hạn. Theo quy định, có thể đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo thời gian hợp lí. Tòa án nhận định, việc nguyên đơn không có tin nhắn nào đòi số tiền 9 tỉ đồng đối với bị đơn, cũng như thông báo cho bị đơn biết trước thời hạn trả nợ. Do đó, nguyên đơn chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Quyết định số 108/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 29/7/2019, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Long Xuyên, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 14/10/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ra Quyết định Giám đốc thẩm số 195/2019/DS-GĐT: Chấp nhận một phần Kháng nghị số 108/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 29/7/2019 của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 51/2019/DS-PT ngày 10/4/2019 của TAND tỉnh An Giang; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 56/2018/DS-ST ngày 3/10/2018 của TAND TP Long Xuyên giữa nguyên đơn là bà Trần Bích Trâm với bị đơn là ông Lê Minh Nguyên và bà Võ Thúy Hiền.
Áp dụng sai luật, vi phạm tố tụng
Việc TAND TP Long Xuyên áp dụng Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014, buộc ông Lê Minh Nguyên là “bị đơn” là người liên đới trách nhiệm về khoản vay 9 tỉ đồng riêng của bà Hiền là thể hiện dấu hiệu áp dụng sai điều luật và vi phạm tố tụng dân sự.
Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:“Vợ chồng chịu trách nhiệm liên đới với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24,25 và 26 của luật này”.
Khoản 1, Điều 30 quy định: Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Bà Trâm cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Nguyên ủy quyền cho bà Hiền, đại diện ông Nguyên thực hiện giao dịch vay tiền của bà Trâm thay cho ông Nguyên.
Thế nhưng những chứng cứ và những “điểm mờ” mà Bản án sơ thẩm chưa làm rõ: Mục đích vay của bà Hiền là để làm gì? Nguồn tiền bà Trâm cho vay là từ đâu? Khi cho vay thì ai là người giao nhận tiền? Việc cho vay tiền này có ai chứng kiến hay không? Từ năm 2014 cho đến khi khởi kiện, bà Trâm đã thu tiền lãi của bà Hiền là bao nhiêu?.
Việc Tòa xác định quan hệ tranh chấp là Hợp đồng vay tài sản giữa bà Trâm và bà Hiền thì cần phải làm rõ: Bà Hiền vay bà Trâm 9 tỉ đồng với mục đích gì? Số tiền 9 tỉ đồng này được bà Hiền vay về để góp vốn vào phục vụ cho hoạt động kinh doanh chung của gia đình, hay phục vụ cho mục đích cá nhân của bà Hiền để làm căn cứ xác định có hay không việc “liên đới” của ông Nguyên?
Nếu bà Trâm cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Nguyên ủy quyền cho bà Hiền đại diện mình thực hiện giao dịch vay tiền của bà Trâm, khi đó mới có thể xác định rõ về trách nhiệm liên đới của ông Nguyên. Đồng thời, việc vay nợ giữa bà Hiền và bà Trâm là vay có lãi suất. Tòa án cần làm rõ mức lãi suất như thế nào, có phù hợp với quy định pháp luật dân sự hay không?
Thẩm phán Phạm Thị Minh Châu xác định, ông Nguyên là bị đơn là không đúng quy định và thẩm quyền của Tòa án được quy định tại Điều 26, 27, 28 của Bộ luật TTDS năm 2015. Do, không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Nguyên có kí hợp đồng vay tiền của bà Trâm.
TAND TP Long Xuyên triệu tập ông Nguyên tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa người cho vay là bà Trâm, bên vay là bà Hiền là thiếu cơ sở. Điều 27 Luật HN&GĐ cũng quy định vợ chồng chỉ có trách nhiệm “liên đới”, chứ không phải tư cách là bị đơn.
Như vậy, thẩm phán Phạm Thị Minh Châu căn cứ vào quan hệ tranh chấp nào và quy định pháp luật nào để xác định ông Nguyên là bị đơn trong vụ án dân sự trên? Quan hệ pháp luật vay tiền giữa bà Hiền và bà Trâm là tách biệt mà ông Nguyên chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có).
Việc TAND TP Long Xuyên xác định và triệu tập ông Lê Minh Nguyên tham gia tố tụng với tư cách là “bị đơn” là thể hiện có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. (Còn nữa)