Những bài học từ ông nội...
Tâm sự 23/03/2024 10:45
Ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh An Giang, ông có hai câu thơ thật ấn tượng trong làng văn là: “Văn chương chuyện ấy hỡi ơi/ Tấc lòng roi lại ngàn đời dễ đâu”.
Dù ông đã mất cách đây hơn 14 năm, nhưng tôi luôn nhớ về ông, nhớ những câu chuyện, giai thoại mà tôi có dịp nghe ông kể, nghe ông dạy dỗ và chứng kiến tận mắt.
Quê ông ở vùng Cù lao ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Lúc bấy giờ, ông có rất nhiều bạn bè, bằng hữu là các giáo viên, nhà báo, văn nghệ sĩ… Đặc biệt, ông có 3 người bạn rất thân ở xã Kiến Thành, Nhơn Mỹ và thị trấn Mỹ Luông. Bốn người thường hay họp mặt, đàm đạo chuyện văn chương, thơ phú… Trong lúc trà dư tửu hậu, ông thường kể những câu chuyện rất vui và những câu đố tục, giảng thanh…
Hồi nhỏ, tôi thường lẽo đẽo theo ông nên còn nhớ như in không ít mẩu chuyện. Ví như câu đối rất hay từ 2 địa danh “Thủ Đức” và “Gò Công: Trai Thủ Đức năm canh thức đủ/ Gái Gò Công vừa gồng, vừa co”. Có lần, vào dịp Tết Nguyên đán, ông nói chuyện vui vẻ với 3 người bạn thân rằng: “Tôi chơi thân với các ông bởi những lí do rất đơn giản: Ông này quê ở xã Mỹ Luông, thân với ông thì đến Mỹ Luông được tặng muỗng li; còn ông này ở xã Kiến Thành thì tôi không lo bởi Dân Kiến Thành không có thành kiến. Riêng ông anh ở xã Nhơn Mỹ thì rất hay bởi đến Nhơn Mỹ thì sẽ ngắm được nhiều mĩ nhơn…
Hài hước, dí dỏm, nhưng ông tôi là người rất nghiêm khắc, luôn dạy dỗ các con, cháu phải học hành tới nơi tới chốn; khi tìm hiểu chuyện gì thì phải tìm hiểu rõ ngọn ngành, thấu đáo… Ví như: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Đó là 2 câu đầu của diễn ca “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào năm 1942. Bài diễn ca gồm 210 câu ca ngợi những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, các anh hùng tiêu biểu… từ thời Hồng Bàng dựng nước đến năm 1942 khi tác phẩm ra đời.
Theo ông, một trong những điều giúp cho học trò khó quên về những trang sử vàng đấu tranh của dân tộc là ở mỗi bài đều có câu ấn tượng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc và khắc ghi trong tâm trí lâu dài hơn. Ví như: Ngồi đan sọt mà lo việc nước thì nhớ ngay là Phạm Ngũ Lão; hay Cờ lau tập trận là Đinh Bộ Lĩnh; Dâng sớ chém đầu 7 nịnh thần là Chu Văn An; Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc biết ngay là Trần Bình Trọng; Phá cường địch báo hoàng ân là Trần Quốc Toản; Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây biết ngay là Nguyễn Trung Trực…
Những trang sử vàng đấu tranh chói lọi của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh cùng nhiều nhân vật lịch sử được đưa vào giảng dạy trong trường học. Cụ thể những câu nói bất hủ làm học sinh liên tưởng đến các danh nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”; Bế Văn Đàn “lấy thân mình làm giá súng”; Phan Đình Giót “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”; Nguyễn Viết Xuân “nhằm thẳng quân thù mà bắn”… Hay những tác phẩm văn học “Sống như anh” là Nguyễn Văn Trỗi; “Hòn đất” là chị Sứ - Phan Thị Ràng; tác phẩm “Người con gái Đất đỏ” là Võ Thị Sáu; “Còn cái lai quần cũng đánh” là chị Út Tịch …
Ông chỉ rõ việc dạy và học Lịch sử ngày nay nên kết hợp với các tác phẩm văn học nghệ thuật như truyện, tiểu thuyết, kí sự văn học… để tăng thêm tính hấp dẫn, sinh động, nhưng vẫn không làm sai lệch đi chính sử. Ví dụ: “Ngay sau khi chiến thắng trong trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã cho người lập tức mang cành đào bích trở về Phú Xuân báo tin chiến thắng cho Công chúa Ngọc Hân”. Hình ảnh quá đẹp đã đi vào nhiều giai thoại văn học thơ ca Việt Nam. Có thể chi tiết này là hư cấu. Bởi, lúc bấy giờ quân lính di chuyển trên đường bộ bằng chiến mã, mà từ Thăng Long phi ngựa vượt cả ngàn cây số mang cành đào về Phú Xuân có khi mất cả tháng trời. Như vậy, hoa và cành đào làm sao còn “tươi thắm”. Nhưng, chi tiết hư cấu này thật quá ấn tượng và mang giá trị đẹp đẽ nên mọi người đều chấp nhận.
Để thu hút học trò quan tâm học tập và tự hào về những trang sử vàng đấu tranh của dân tộc thì việc dạy và học môn Lịch sử không nên bị gò bó trong những số liệu về ngày, tháng, năm mà phải ghi chép chính xác tên tác giả, những sự kiện quan trọng đã diễn ra… và có chút “hư cấu” hấp dẫn, sinh động… nhưng không sai lệch chính sử!
Xin nhắc lại những câu chuyện, giai thoại mà tôi có dịp nghe ông kể, nghe ông dạy dỗ và chứng kiến tận mắt thực tế… cũng là một nén tâm hương kính cẩn thương nhớ về ông.