Nhớ ông thợ cắt tóc
Tâm sự 16/01/2024 09:38
Ở làng tôi, ông Ngàu là thợ cắt tóc lâu đời, khéo tay, rất thân thiết với tất cả các tầng lớp người dân. Người làng tôi không gọi tên ông mà gọi bằng cái tên rất đặc trưng nhưng cũng vô cùng trìu mến “Người nhặt tiền lẻ”. Bọn trẻ chúng tôi coi ông như người ông ruột thịt. Ông chỉ cắt tóc cho đàn ông và dường như chỉ biết cắt có mỗi một kiểu tóc rất đơn giản, gọn nhẹ, không mất nhiều thời giờ để chải chuốt. Chúng tôi gọi nôm na là “trắng mai, trắng gáy”.
Thời ấy cứ đến chiều 27, 28 Tết, bố tôi lại sai tôi ra đầu ngõ đứng đón ông. Mắt phải tinh mới phát hiện được ông nhô ra từ một con ngõ nào đó rồi chạy nhanh đến dắt tay ông về nhà mình. Đón được ông vào nhà, tôi hớn hở như vừa làm được một việc quan trọng. Đến nhà tôi, ông ngồi ngay xuống cái chiếu trải sẵn trên hiên nhà, hút điếu thuốc lào, uống bát chè tươi với bố tôi rồi liên tục bắt tay vào công việc. Ông cắt tóc cho người nhà tôi rồi đến những nhà lân cận.
Con rể ông Ngàu. |
Ông làm việc rất cần mẫn, rất tập trung nhưng không vội vã và rất khéo léo. Khéo từ khi kê cái ghế cho khách ngồi, đưa chiếc lược chải tóc đến việc trao chiếc gương nhỏ cho khách quan sát mái tóc đang được cắt của mình. Đặc biệt là khi ông vừa cúi cong lưng vừa nghiêng đầu để tỉa những sợi tóc mai. Ông vừa làm, vừa trò chuyện với bố tôi như hai người bạn. Tôi rất thích nghe tiếng cười khà khà của hai ông bật lên giữa tiếng kéo lách cách. Tuy vậy tôi thích nhất là được ngắm cái thùng đồ nghề của ông, ở đó có cái nhỏ nhất là cái nhíp bé tí xíu dùng nhổ lông quặm, cái kéo to, kéo bé ông để rất đúng vị trí. Hễ cần là lấy được ngay, không mất thời gian lục tìm. Qua câu chuyện ông kể tôi biết tính ngăn nắp, gọn gàng của con người phải được rèn luyện từ nhỏ.
Tôi không biết ai là khách hàng cuối cùng của ông, chỉ nghe nói ông bận đến tận Giao thừa. Tối 30 Tết, sau khi đã phục vụ cả làng ông mới về nhà cắt cho 3 người con trai của mình. Trong lúc ấy bà vợ ông đun nồi nước lá thơm để con ông gội đầu sau khi đã được cắt tóc. Chỉ được nghe kể tôi đã cảm thấy một sự ấm cúng mê hồn.
Hồi ấy, hễ nghĩ đến ông thợ cắt tóc, tôi lại tự hỏi: “Ông cắt tóc cho cả làng, vậy ai cắt tóc cho ông, mà lúc nào cũng thấy đầu ông có mái tóc gọn ghẽ. Sau này mới biết, ông soi gương tự cắt tóc cho mình. Chỗ khó ông hướng dẫn vợ, nhiều lần thành quen.
Ngày Tết, người ta chúc ông: “Làm ăn phát đạt, tiền vào như nước”. Chúc vậy thôi chứ ai cũng biết suốt đời ông đi nhặt tiền lẻ thì giàu có làm sao được.
Đến bây giờ tôi mới hiểu cái sự chẳng giàu có của ông không hẳn là một nỗi buồn. Ông cắt tóc cho cả làng, xã, không phân biệt người đó là ai, sang hay hèn, lúc nào ông cũng rất vui, được mọi người quý mến. Ông cắt tóc chắt chiu từng đồng bạc lẻ, nuôi được các con khôn lớn. Hai người con trai phục vụ trong quân ngũ, một người là cán bộ kiểm lâm, người con gái út ở nhà làm ăn lương thiện và rất tốt bụng. Như thế chẳng phải là sự thành công của cuộc đời sao?
Bao mùa Xuân trôi qua, chúng tôi lớn lên, mỗi người một công việc. Nhiều người đi làm ăn xa. Làng tôi giờ đã đổi mới có phần nhuốm màu phố thị. Dọc trục đường chính của làng có tới vài ba hiệu cắt tóc, gội đầu, nhuộm tóc sang trọng. Thỉnh thoảng ở thành phố về thăm quê, tôi lại sửng sốt khi nhìn thấy mấy thanh niên choai choai với cái đầu bờm xờm nhuộm xanh, đỏ đi xe máy lượn vòng vo hết xóm này đến xóm khác. Bất giác tôi nhớ ông thợ cắt tóc, mặc dù ông đã trở thành “người thiên cổ”. Đồ dùng cắt tóc của ông được người con rể giữ gìn cẩn thận như vật gia bảo, thỉnh thoảng mang ra khoe với con cháu để chúng nhớ lại một thời ông ngoại của mình từng đi nhặt tiền lẻ nuôi các bác ăn học...
Biết bao sự thay đổi, nhưng kí ức về những con người bình dị, không chức vị, không khoa trương, cũng chẳng ồn ào, cả đời chỉ cặm cụi kiếm từng đồng bạc lẻ bằng sức lao động của mình như ông thợ cắt tóc vẫn sống mãi trong tâm trí tôi, giúp tôi tìm thấy bến bờ để neo đậu mỗi khi nhớ làng.