Nhớ bà nội kính yêu của tôi
Tâm sự 10/01/2024 09:40
Ngày ấy, bà nội tôi mới 25 tuổi, sống trong cảnh mẹ goá con côi, cũng có một vài ông nhờ người dạm hỏi, nhưng vì thương con bà quyết định đứng vậy nuôi con. Gia cảnh nhà bấy giờ cũng không có gì, ruộng vườn phải làm rẽ cho địa chủ để sinh sống.
Năm 1954, hoà bình lập lại, ngày đi làm, tối bà đến lớp bình dân học vụ, thanh toán nạn mù chữ, bà đã biết đọc, biết viết. Bố tôi cũng được cắp sách tới trường. Nhà nước quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, bà tôi được nhận vào làm cửa hàng mua bán của xã. Bấy giờ, bà tham gia các công tác xã hội và được bầu vào Hội đồng Nhân dân xã.
Năm 1968, bố mẹ tôi lấy nhau và sinh ra tôi. Có cháu rồi, bà tôi vui lắm, bà xin nghỉ làm ở cửa hàng để về trông cháu.
Bố mẹ tôi đều làm công nhân Xí nghiệp sứ Bát Tràng, bố tôi làm ở phân xưởng cơ điện, còn mẹ tôi làm ở phân xưởng sản xuất gốm sứ.
Giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Quyết tâm bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, mỗi người làm việc bằng hai, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Bố tôi là Trung đội trưởng dân quân, tổ trưởng tổ điện máy, thư kí công đoàn phân xưởng cơ điện. Bố tôi cùng các chú trong phân xưởng thường xuyên đi làm ngày 2 ca, thay phiên nhau trực chiến.
Năm 1973, bố tôi được bầu là chiến sĩ thi đua dân quân tự vệ cấp thành phố. Mẹ tôi là thợ dấn men. Ngoài 8 giờ làm việc ban ngày, tối đến lại thêm giờ từ 19 đến 22 giờ để kịp hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao cho trước thời hạn. Cuối năm bố mẹ đều được bình bầu là lao động tiên tiến.
Bố mẹ tôi đạt được những thành tích trên phần lớn là nhờ vào công lao của bà nội. Bà là chỗ dựa vững chắc của bố mẹ. Bà chăm sóc chị em tôi rất chu đáo về mọi mặt. Bà là trụ cột trong nhà, mọi công việc đều do bà quán xuyến và quyết định nên bố mẹ tôi yên tâm làm việc. Bà tôi cho chặt cả một bụi tre để đóng hầm Cồn Cỏ rất chắc chắn, cứ mỗi lần báo động bà tôi lại nhanh chóng dắt hai chị em tôi xuống hầm trú ẩn.
Hà Nội 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” (cuối tháng 12/1972), giặc Mỹ cho máy bay B52 liên tục bắn phá Hà Nội cả ngày lẫn đêm. Mẹ tôi và hai chị em tôi tối nào cũng phải ngủ dưới hầm, mình bà tôi ở trong nhà. Bố tôi suốt ngày đêm bận trực chiến và làm việc ở xí nghiệp, chỉ đoảng về ăn cơm rồi lại đi ngay.
Tôi nhớ rất rõ vào một buổi tối trời rét đậm, mẹ con tôi đang ôm nhau năm ngủ dưới hầm thì nghe còi báo động réo lên một hồi dài. Bà tôi vội vã chạy ra hầm vừa xuống được hầm thì ầm ầm tiếng B52 Mỹ, tiếng đạn réo, tên lửa pháo cao xạ của bộ đội ta đang quần nhau trên không làm rung chuyển cả bầu trời Hà Nội. B52 bốc cháy, giặc lái Mỹ ngảy dù rơi xuống làng tôi, cách nhà tôi tầm 200m, tiểu đội du kích nhanh chóng bao vây bắt sống giặc lái. Cuối cùng Mỹ đã thua và ra lệnh ngừng bắn Hà Nội và miền Bắc.
Gia đình công nhân thời bao cấp đều được phát tem phiếu thực phẩm, rổ gạo và bìa mua hàng. Bà nội tôi đảm nhiệm luôn cả khâu mua thực phẩm, cách vài hôm bà lại dậy thật sớm đi xếp hàng. Có hôm bà cho cả tôi đi theo để xếp hàng mua dầu đun và xà phòng. Cửa hàng bán thực phẩm đông nhất, hai dãy dài. Bà đi từ 5 giờ sáng đến 9 giờ mới đến lượt. Bà mua đủ thứ thịt, đậu, cá, nước mắm, mì chính,… tôi đi theo gánh đỡ bà chục lít dầu và bốn bánh xà phòng.
Về sau, các phân xưởng sản xuất đã cử một người đi nhận thực phẩm về phân cho công nhân, ai mua gì đăng kí trước. Bà tôi đỡ mất công đi mua.
Sau này bố mẹ tôi sinh thêm hai em trai. Bà nội tôi trông nom tất cả bốn đứa cháu. Mọi người cứ khen bà ăn ở hiền lành tốt bụng nên mới có con độc cháu đàn.
Lại nói về gạo mậu dịch thời bấy giờ, phân phối 30% gạo, 70% bột mì, có tháng ăn mì hạt. Bà nội tôi hay làm, lại khéo, bà chế biến bột mì đủ kiểu, bữa làm bánh bao nhân su hào, cà rốt gọi là có ít thịt, bữa thì tráng bánh cuốn hoặc bánh mì áp chảo lá chuối. Hôm nào có mỡ lại rán cho cả nhà bữa bánh rán, còn bao nhiêu bột mì bà cán thành mì sợi để thổi lẫn với cơm hoặc nấu với rau, miễn sao cả nhà ăn ngon miệng.
Chị em tôi lớn lên lần lượt cắp sách tới trường. Bà đỡ vất vả nhưng vẫn giữ cái tính hay lam hay làm, làm luôn chân luôn tay, cứ rảnh một tí là lôi quần áo của các cháu ra khâu vá. Thích nhất là những ngày bà đi chợ, chị em tôi lại nóng ruột ngóng bà về để bà cho quà, hôm thì tấm mía, lúc cái bánh đa nướng. Có hôm bà mua cho túi kẹo sỏi về chia đều. Chị em tôi vui sướng lắm, chạy lăng săng bên bà ăn quà. Bà nhìn chị em tôi với ánh mắt trìu mến, lòng ngập tràn hạnh phúc.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, bố mẹ tôi đã nghỉ hưu. Tôi xây dựng gia đình, sinh con đầu lòng. Bà nội tôi lên chức cụ ngoại, bà đã an nhàn vui với tuổi già, cháu con phụng dưỡng. Ngày Rằm, mùng Một bà vẫn lên chùa lễ Phật. Thỉnh thoảng đi đó đi đây, tham quan ngắm cảnh cùng với các già, các phật tử của chùa nhà.
Bà nội tôi đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho con cháu. Cả nhà ai cũng kính yêu và quý trọng bà, chăm sóc bà, mong bà trường thọ mãi mãi bên các cháu, các con. Nhưng quy luật sinh, lão, bệnh, tử, bà đã ra đi về với tổ tiên vào một buổi chiều tháng 5 rực màu hoa đỏ.
17 giờ ngày 9 tháng 5 năm Quý Dậu (1993), ngày đau thương, mất mát lớn nhất của gia đình tôi. Bây giờ bà đã đi xa/ Để cho con cháu mắt nhoà lệ rơi/ Cháu thương bà lắm bà ơi! ? Khóc sao cho hết những lời biệt li/ Nghẹn ngào trước lúc ra đi/ Cháu xin kính chúc bà về cõi tiên/ Cầu trời, cầu Đức Thánh hiền/ Độ cho bà được bình yên sau này.