Nhiều “điểm mờ” khi thu hồi nhà, đất số 6 và 6B đường Hoàng Văn Thụ
Pháp luật - Bạn đọc 17/02/2022 10:44
Nhà không thuộc diện cải tạo vẫn bị thu hồi
Trình bày với phóng viên, ông Đào Văn Mức, người đang cư ngụ tại nhà 6B, đường Hoàng Văn Thụ và cũng là người được ông Hà Thúc Đăng (64 tuổi, ngụ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh) ủy quyền khiếu nại việc thu hồi, quản lí ngôi nhà 6B, cho hay: Nhà, đất số 6B Hoàng Văn Thụ là của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọt, ông Võ Văn Thuận (ở TP Hồ Chí Minh, hiện đã mất). Năm 1961 vợ chồng bà Ngọt mua lại của bà Nguyễn Thị Mầu 3 thửa đất, tổng cộng 3.057m2, toạ lạc tại lô 63 - 12 khu A, Mạc Đĩnh Chi, TP Đà Lạt, với giá 58.000 đồng. Việc mua bán được chứng thực bởi Chủ tịch Hội đồng Hành chánh Khu phố I và trước bạ tại Ty Điền địa Đà Lạt (quyển 11, tờ 37, số 274, C/CB46/61 và quyển 1, tờ 17 ngày 5/7/1961...). Ba năm sau (1964), vợ chồng bà Ngọt xây trên thửa đất phía Nam, giáp đường Hùng Vương (khi đó là đường đất, nay là đường Hoàng Văn Thụ), căn nhà diện tích 71,9m2, mang số 6B Hùng Vương. Trước khi xuất cảnh định cư tại Bỉ 2 năm, ngày 28/7/1982, bà Ngọt, ông Thuận viết giấy cho tặng cháu mình là Hà Thúc Đăng toàn bộ bất động sản này. Năm 1998, ông Đăng nộp đơn xin hợp thức hóa nhà, đất và được Thanh tra TP Đà Lạt mời cung cấp những giấy tờ cần thiết. Sau đó, ông được trả lời vụ việc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Thế nhưng, trong lúc ông Đăng đang chờ kết quả giải quyết, thì ngày 24/3/2008, chính quyền tỉnh ra văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty Pháp Việt (một doanh nghiệp ở thôn Tuyên Bá, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) thuê nhà. 8 tháng sau, ngày 10/11/2008, ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (hiện là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, và năm 2019, ông Đông bị Thủ tướng kỉ luật, do có những sai phạm ở Bộ này) ra Quyết định số 2.957, thu hồi toàn bộ nhà, đất “giao cho Trung tâm Quản lí nhà TP Đà Lạt quản lí”, để rồi sau đó ủy quyền cho UBND thành phố Đà Lạt kí hợp đồng cho thuê nhà với Công ty Pháp Việt 5 năm (từ 14/4/2015 đến 15/4/2020). Ngạc nhiên hơn, ngày 18/2/2017, UBND tỉnh lại ra Quyết định số 305, thu hồi toàn bộ đất (1.328,7m2) “cho Công ty Pháp Việt thuê gắn liền việc thuê nhà để kinh doanh” mà không qua đấu giá!?
Bà Vũ Thái Hòa, “Giấy tạm cấp nhà ở” 6B của ông Cẩn có trước gần 30 năm quyết định thu hồi nhà số 6 (ảnh nhỏ). |
Theo ông Mức, ngay sau khi được UBND tỉnh cấp sổ đỏ (ngày 20/7/2017) Công ty Pháp Việt liên tục cùng chính quyền phường và một số cơ quan chức năng (có cả công an) o ép, nhằm “đuổi” ông ra khỏi nhà...
Những “điểm mờ” cần làm sáng tỏ
Điều đáng nói, căn cứ để Công ty Pháp Việt, cùng các cơ quan chức năng thu hồi nhà 6B, là các Quyết định thu hồi của tỉnh (số 2.957, ngày 10/11/2008 và số 305, ngày 8/2/2017). Song, thật oái oăm, tại các văn bản nói trên đều ghi: Bất động sản thu hồi là nhà “số 6 Hoàng Văn Thụ” (trong khi, bất động sản vợ chồng bà Ngọt cho tặng ông Đăng chỉ là “hàng xóm”, mang biển 6B). Tiếp xúc với chúng tôi, bà Vũ Thái Hòa (61 tuổi) người từng ngụ tại nhà số 6, cả trước và sau 1975, khẳng định: Nhà số 6 và số 6B Hoàng Văn Thụ là 2 căn hoàn toàn khác nhau (khoảng cách giữa 2 căn gần 20m). Trước 1975, 2 địa chỉ này đã rành mạch là số 6 và 6B, không thể nhầm lẫn. Bà Hòa còn cho biết: Giữa 2 căn có 1 hàng rào cọc bê tông, dây kẽm đúng vào vị trí bức tường ngăn 2 nhà hiện nay...
Trong tay chúng tôi có bản Báo cáo số 32, ngày 8/1/2020 của Sở Xây dựng Lâm Đồng. Theo đó, ngày 23/9/1976, Ban Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh TP Hồ Chí Minh ra công văn, nội dung: Ông Lý Kiệt Bằng là tư sản mại bản và yêu cầu Ban Cải tạo tỉnh Lâm Đồng kiểm kê, quản lí tài sản gồm “1 villa nghỉ mát tại số 6B Hùng Vương (nay là số 6 Hoàng Văn Thụ)”. Thực hiện văn bản này, ngày 6 và 9/10/1976, đại diện Ty Quản lí Nhà đất, Ty Tài chính và UBND Khu 2 đã “kiểm kê và lập biên bản kiểm kê nhà 6B Hùng Vương (nay là số 6 Hoàng Văn Thụ)”... Như vậy, báo cáo trên đã xác định: Tại Đà Lạt, ông Lý Kiệt Bằng chỉ có 1 căn biệt thự, đó là nhà số 6 Hoàng Văn Thụ hiện thời. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời xác nhận của vợ chồng bà Hòa: Nhà số 6 Hoàng Văn Thụ là của ông Lý Kiệt Bằng, khác biệt hoàn toàn với nhà 6B bên cạnh (theo bà Hòa, chủ nhà 6B là 1 phụ nữ và 2 nhà không quan hệ với nhau). Thực tế, nhà số 6 Hoàng Văn Thụ của ông Bằng đã bị Nhà nước quản lí, sau đó bán hóa giá cho người dân.
Với những thông tin trên, có thể thấy, đã xuất hiện những “điểm mờ”, không nhỏ. Nhất là, có thời gian gia đình ông Vũ Xuân Cẩn, lãnh đạo Ban Quản lí nhà cửa tỉnh Lâm Đồng, được chính cơ quan của mình cấp “Giấy tạm cấp nhà ở” cho căn “số 6B Hoàng Văn Thụ” (giấy cấp năm 1981, tức trước khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đông ra quyết định thu hồi 27 năm).
Ông Mức cho rằng, sở dĩ có chuyện cấp nhà là do sau 1975, nhà 6B gần như vắng chủ (vì vợ chồng bà Ngọt chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh), nên ông Cẩn mới có đơn xin cấp nhà... Ông Mức nói: “Tôi đã chính thức tố cáo lãnh đạo Trung tâm Quản lí nhà Đà Lạt lợi dụng chức vụ, làm giả hồ sơ, lấy nhà số 6 “úp lên” nhà 6B để cho doanh nghiệp sân sau là Công ty Pháp Việt thuê 50 năm”. Điều này xem ra có cơ sở. Bởi, theo Trung tâm Quản lí nhà Đà Lạt, cho đến nay nhà số 6B không có quyết định thu hồi, quản lí của cơ quan có thẩm quyền (ngoài 2 quyết định số 2.957 và số 325, nhưng lại là... “thu hồi nhà số 6”).
Không chỉ thế, theo chúng tôi, dấu hiệu tiêu cực còn thể hiện khi bà Nguyễn Thúy Nga (người mà theo Sở Xây dựng cho biết, thuê căn nhà phụ của nhà số 6) đã xuất cảnh đi Mỹ từ năm 2004, song 10 năm sau (năm 2014) vẫn “hiện diện” trong hồ sơ hỗ trợ, bồi thường và tái định cư, khi nhà thuê bị thu hồi.