Người dân bức xúc vì báo cáo không đúng sự thật của UBND quận
Pháp luật - Bạn đọc 15/12/2020 10:03
Ngày 20/10/2020, Ban Tiếp công dân TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1894/PC-BTCD về việc chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của công dân Phạm Ngọc Thư, Vũ Phi Hùng, ở quận Tây Hồ. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Tây Hồ xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về đơn của công dân kiến nghị về việc UBND quận Tây Hồ, UBND phường Phú Thượng tiến hành cưỡng chế, thu hồi nhà đất của 22 hộ dân trú tại tổ 1 cụm 1, phường Phú Thượng không rõ lí do, trái quy định của pháp luật; công dân đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng chưa được trả lời khiếu nại theo đúng quy định.
Ngày 26/11/2020, UBND quận Tây Hồ có Văn bản số 1550/UBND-BTCD báo cáo UBND TP có nội dung: Sau khi rà soát về nguồn gốc sử dụng đất của khu đất (đã cưỡng chế, thu hồi từ năm 2013) là đất chưa sử dụng do UBND phường Phú Thượng quản lí. Các gia đình, cá nhân đã có hành vi vi phạm chiếm đất chưa sử dụng, xây dựng công trình trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Từ các năm 2003 - 2012, UBND quận Tây Hồ đã ban hành nhiều quyết định thi hành xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với nhiều trường hợp có địa chỉ thường trú tại tổ 5, tổ 6 cụm 1, phường Phú Thượng. Do đó, từ ngày 31/1/2013 đến ngày 19/3/2013, UBND quận Tây Hồ đã thi hành các quyết định cưỡng chế, thu hồi diện tích đất lấn chiếm bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Tây Hồ quản lí.
Trả lời đơn thư của công dân với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ cho rằng, việc không giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân về việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa, tài sản vào ngày 21/10/2013 là do không hội đủ điều kiện để được thụ lí giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại.
Khu đất bị cưỡng chế, thu hồi từ năm 2013 đến nay vẫn bỏ hoang. |
Tuy nhiên, sau khi tiếp cận được với Văn bản số 1550/UBND-BTCD của UBND quận Tây Hồ, người dân tại tổ 1 cụm 1, phường Phú Thượng rất bức xúc và cho rằng, UBND quân Tây Hồ tiếp tục lảng tránh việc giải quyết vấn đề mà các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại.
Có “dối trên, lừa dưới”?
Theo người dân tại tổ 1 cụm 1, phường Phú Thượng, những người có tên được nêu tại các Quyết định và Công văn mà UBND quận Tây Hồ báo cáo lên cấp trên không có nhà cửa và tài sản bị cưỡng chế, như trong danh sách các hộ dân là không đúng thực tế, vì chưa bao giờ họ được trông thấy các quyết định mà UBND quận Tây Hồ đã nêu.
Mặc dù các thông báo cưỡng chế được ban hành, nhưng người dân cho biết là chưa bao giờ được giao nhận đàng hoàng (có cuống người giao người nhận), mà hầu hết chỉ được nghe qua dư luận hoặc thả rơi trên đường đi trước cổng nhà!?
Đồng thời, UBND quận Tây Hồ thừa biết cụ thể các hộ dân đang sinh sống ổn định và có tài sản nhà cửa, cuộc sống sinh hoạt bình thường, nhưng tuyệt đối không quan tâm, mà lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2013 thực hiện tổ chức cưỡng chế theo kiểu đánh úp, khiến hàng chục hộ gia đình lâm cảnh màn trời, chiếu đất.
“Thậm chí chưa bao giờ chính quyền quận Tây Hồ có biên bản/hồ sơ ghi nhận hành vi chiếm đất với các hộ dân bị cưỡng chế; chưa bao giờ công khai minh bạch về hồ sơ quản lí đất công, đất chưa sử dụng và hồ sơ ghi nhận hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lí đất đai của các ông, bà có tên trong các Quyết định mà UBND quận, UBND phường đã nêu, nhưng vẫn cưỡng chế đập phá nhà cửa và đuổi người dân ra đường một cách trái pháp luật. Cho đến nay, khu đất của các hộ dân bị cưỡng chế vẫn để hoang hóa, ô nhiễm… Tổn thất đối với các hộ dân chúng tôi là vô cùng lớn và lâu dài”- ông Vũ Phi Hùng bức xúc.
Còn ông Phạm Ngọc Thư cho biết: “Qua các văn bản báo cáo cấp trên của UBND quận Tây Hồ, UBND phường Phú Thượng về việc đã giải quyết và trả lời đơn thư của công dân (bà con hộ dân chúng tôi) như Văn bản số 5390/BTNMT-TTr ngày 30/9/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực tế này đã chứng minh “hành vi không trung thực dối trên, lừa dưới” của UBND quận Tây Hồ và UBND phường Phú Thượng. Bởi vì trong thời gian qua các cấp chính quyền quận Tây Hồ không có bất kì buổi tiếp xúc, làm việc và trả lời bất kì một văn bản nào giải quyết đơn thư của người dân tại tổ 1, cụm 1”.
Đây là hành động có sự khuất tất, cố tình lẩn tránh trực diện để giải quyết vấn đề của UBND quận Tây Hồ đối với vấn đề người dân bị cưỡng chế nhà cửa, tài sản một cách oan ức xảy ra tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng vào dịp Tết Nguyên đán 2013, đẩy 22 hộ dân vào cảnh khốn cùng.
Người dân có nhà cửa, đất đai bị phá dỡ, thu hồi tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng cho biết, việc mua lại đất đai của người dân gốc địa phương có nguồn gốc đất từ những năm 1958 - 1960, do khai hoang, phục hóa để trồng hoa màu theo đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước (có người đã được Chủ tịch TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sử dụng ruộng đất).
Từ năm 1998 - 2000, người dân đã dựng nhà để ở và chuyển nhượng cho nhiều người dân từ nơi khác xây dựng nhà cửa, được chính quyền gắn số nhà, cấp điện nước, viễn thông, có hộ được nhập hộ khẩu để ổn định cuộc sống lâu dài.
Thế nhưng năm 2013, chính quyền quận Tây Hồ cho tiến hành cưỡng chế, thu hồi, phá dỡ nhà đất. Gần 10 năm hàng ngàn mét vuông đất (mà 22 hộ dân từng xây dựng nhà cửa sinh sống) sau khi cưỡng chế, thu hồi đến nay vẫn để hoang, gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan đô thị? Trong khi người dân mất đất đai, nhà cửa, tài sản phải đi thuê trọ nay đây mai đó, tốn kém, thiệt thòi đến cơ cực. “Gần 10 năm miệt mài đội đơn gõ cửa khắp nơi để đòi lại công bằng nhưng tất cả nhận lại là sự thất vọng, mất niềm tin vào các cấp chính quyền địa phương” - ông Vũ Phi Hùng giãi bày sự uất ức.
Từ thực tế trên đây, đề nghị các cấp chính quyền TP Hà Nội cần nghiên cứu, chỉ đạo cơ quan chức năng độc lập vào cuộc xác minh, làm rõ nguồn gốc đất có phải là đất công, đất khai hoang hợp pháp hay đất lấn chiếm… để trả lại công bằng cho 22 hộ dân tại tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng đã bị cưỡng chế thu hồi đất đai, phá dỡ nhà cửa, tài sản từ năm 2013.