Người phụ nữ có trái tim nóng và hoài bão để thành công
Đời sống 09/05/2023 10:19
Người phụ nữ say sưa nói về tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó tích hợp công nghệ 4.0, nghĩa là dựa trên nền tảng số, chuyển đổi số hóa, tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp. Theo bà, hiện Việt Nam có khoảng 850.000 doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn mực về hệ thống tài chính, làm ăn manh mún, không có mô hình chiến lược, hoặc hệ thống tài chính thiếu minh bạch, không thu hút được vốn. Nhiều doanh nghiệp không đầu tư bài bản hệ thống quản trị, nên hoạt động đạt hiệu quả không cao.
Công ty TNHH Verco Consultant (Vercon) là đơn vị con, thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam, tiên phong trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện tài chính, quản trị doanh nghiệp trên nền tảng số dành cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), với đội ngũ nhà tư vấn, đào tạo, huấn luyện theo hệ tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Qua thực tế công việc, bà nhận thức rằng, nhìn chung các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chưa đạt chuẩn mực về luật pháp, chưa tiệm cận được với thông lệ quốc tế. Vì vậy, Vercon hiện diện, nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết các vấn đề này, xây dựng doanh nghiệp chuẩn mực, chuyên nghiệp hơn để hướng tới phát triển bền vững.
Bà Đặng Thị Phượng, một doanh nhân vượt khó vươn lên thành đạt. |
Theo kinh nghiệm của bà, doanh nghiệp có các nguồn lực quan trọng gồm: 1- Trang thiết bị, cơ sở vật chất; 2- Trí tuệ của doanh nghiệp; 3- Bộ máy nhân sự; 4- Hệ thống quản trị doanh nghiệp; 5- Vốn, tài chính trong doanh nghiệp. Nếu chỉ cần không đạt chuẩn một trong các nguồn lực này, doanh nghiệp sẽ không tạo được sức mạnh, hoạt động kém hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn đi lên từ nghề, có khả năng bán hàng, xây dựng mối quan hệ một chút, nhưng lại yếu về quản trị vốn và quản trị doanh nghiệp. “Quản lí là câu chuyện rất khác, phải xác định xây dựng mô hình doanh nghiệp như thế nào? Marketing như thế nào? Làm sao để khách hàng có nhu cầu tìm đến với mình? Hiện công nghệ sản sinh ra rất nhiều và rất nhanh, nhưng sử dụng như thế nào, là “bài toán” không phải ai cũng có lời giải” - bà chia sẻ.
Đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam gần như không xây dựng chuẩn mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh kém khả thi, không có chiến lược rõ ràng về vốn và thu hút vốn, không minh bạch trong các báo cáo tài chính, không đầu tư vào hệ thống quản trị một cách khoa học. Đó là nhận định của các ngân hàng khi đánh giá về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các doanh nghiệp cần phải nâng cao những khả năng này. Các ngân hàng khẳng định, họ không thiếu nguồn vốn cho vay, nhưng phải sàng lọc.
Đội ngũ bán hàng là rất quan trọng, phải đào tạo kĩ càng về thị trường, tiêu dùng, các giá trị, giải pháp nhằm thu về hiệu quả cao nhất. Người bán hàng cần học tập hằng ngày, cốt lõi nhất là về con người, nhiều nhu cầu khác nhau cần được khai thác. Khách hàng cần gì, mình mang lại cho họ cái gì? “Nỗi đau” của khách hàng, giải quyết “nỗi đau” đó cho họ, là việc người bán hàng phải nắm bắt và làm cho bằng được. “Bán hàng là quá trình hoàn thiện do rèn luyện, học tập thường xuyên” - bà kết luận.
Bà Phượng từng thất bại đau đớn trong kinh doanh, kéo theo hệ lụy tan vỡ hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, bà không gục ngã, mà quyết đứng dậy làm lại từ đầu, quyết thực hiện bằng được khát vọng, để tỏa sáng trở thành doanh nhân thành đạt. Bà cho biết, bà tốt nghiệp cử nhân xã hội học, Trường Đại học Công đoàn, nhưng lại bước vào đời bằng con đường kinh doanh. Bà từng làm chuyên viên Phòng Kinh doanh của truyền hình VTC, rồi chuyển ra làm cho một doanh nghiệp của Mỹ chuyên cung cấp sản phẩm hỗ trợ điều trị.
“Tôi từng vay vốn đứng ra thành lập Công ty ASC, phát triển hệ thống bán lẻ theo mô hình chuỗi, với mấy chục cửa hàng, mấy trăm nhân sự, chuyên bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam. Do thiếu kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, thiếu kiến thức xây dựng đội ngũ marketing, sử dụng đồng vốn không hợp lí… doanh nghiệp của tôi sụp đổ, không những trắng tay, mà còn mang nợ. Thế rồi vợ chồng không hòa hợp, ra tòa li hôn sau 12 năm chung sống, để lại hai đứa con cho tôi nuôi” - bà Phượng buồn buồn kể.
Nhưng, thay vì suy sụp, bà quyết tâm đứng dậy làm lại từ đầu. Sau khi giải quyết hậu quả, bà chuyển sang làm quản lí dự án cho Hiệp hội ẩm thực Hàn Quốc, với tên gọi “Tôi thích đồ ăn của Hàn Quốc (I like K-Food)”. Năm 2020, bà chuyển sang làm cho Công ty Acsencop, chuyên về huấn luyện doanh nghiệp. Hiện bà đang giữ cương vị Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Verco Consultant (Vercon).
Bà cho biết, Vercon có công cụ đánh giá ASK (Attitude Skill Knowledge), là mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp 4.0, đánh giá về các mặt kiến thức, kĩ năng và thái độ, trong đó có nhóm thuộc về phạm vi tình cảm, cảm xúc. Công cụ này có trên online. “Doanh nghiệp chỉ cần trả lời vào công cụ này là chúng tôi nắm bắt được họ đứng ở vị trí nào, thiếu cái gì, để tiếp cận, đồng hành giúp đỡ” - bà Phượng giải thích.
Chúng tôi hẹn với nhau tại một quán cà phê ở trung tâm Hà Nội, để trao đổi thông tin. Bà Phượng nhắn tin nói chờ bà ít phút, vì bà phải làm đồ ăn sáng cho con thì mới ra được. Bà Phượng đẹp hơn tưởng tượng của chúng tôi, vẻ thanh tú, nhã nhặn, nhẹ nhõm. Bà cho biết, bà sinh ra ở Thái Nguyên, miền đất chè Tân Cương. Có câu “chè Thái gái Tuyên”, nghĩa là nói đến chè thì phải là đất Thái Nguyên, còn nói về cô gái đẹp phải nhắc đến Tuyên Quang, nhưng với bà Phượng thì ngược lại. Bà Phượng nói tiếng Anh và tiếng Hàn lưu loát, bà cho biết, cả hai ngoại ngữ này bà đều tự học, để có thể làm việc với đối tác nước ngoài. “Học trong trường đại học chỉ thu thập kiến thức cơ bản và tư duy lô gich thôi, học ngoài đời, tự học mới bền vững” - bà cười và kết luận như vậy.
Chia tay nhau hẹn ngày gặp trở lại, chúng tôi thầm cầu chúc cho người phụ nữ can trường này gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.