Người đặt nền móng cho Sô-cô-la “made in Việt Nam”
NCT làm kinh tế giỏi 03/11/2023 14:37
Cụ Khâm cùng con trai , người đặt nền móng cho Sô-cô-la “made in Việt Nam” |
Khi về hưu, người thầy thuốc già ấy bắt tay vào thực hiện trăn trở điều mà trong đơn vị ông đã nghĩ. Bằng những đồng lương hiếm hoi được tích góp, cụ quyết định khởi nghiệp bằng việc mua đất và trồng cây ca cao. Giai đoạn đầu thực hiện, cụ đã gặp nhiều khó khăn, không chỉ là sự phản đối về phía người thân mà còn từ nhiều người dân địa phương.
Và rồi bằng sự quyết tâm của mình, năm 2006, cụ Khâm đã tìm đến vùng đất khô cằn ở xã Phú Hòa, lập Công ty TNHH Trọng Đức. Với chủ trương chủ động vùng nguyên liệu cho việc chế biến sản phẩm, từ vài héc ta ca cao của gia đình. Cụ Khâm đã liên kết với nông dân ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận mở rộng vùng nguyên liệu lên hàng ngàn héc ta vào năm 2010. Cụ mua cây giống, sau đó bán lại cho nông dân với giá 6.000 đồng/cây. Nông dân chỉ phải trả trước một nửa, nửa còn lại sẽ trả sau khi thu hoạch.
Cũng trong năm 2010, việc điều hành kinh doanh của công ty đã được chuyển giao cho con trai là anh Đặng Tường Khanh nối nghiệp, Cụ Khâm vẫn luôn sát cánh đồng hành. Cảm được tâm huyết của cha mình với “nghiệp ca cao”, ông Khanh đã bỏ công việc kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh về tiếp quản nghề của cha.
Thế nhưng, cả hai cha con cụ gặp phải những trở ngại lớn. Không chỉ là thiếu nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cách trồng cây, hơn nữa sự lên ngôi của các cây công nghiệp khác như tiêu, điều, cà phê khiến nhiều nông dân đã chặt bỏ cây ca cao.
Cuối năm 2012, diện tích ca cao giảm hơn 700 ha và cụ Khâm quyết định xóa nợ hoàn toàn tiền bán cây giống cho nông dân.
Ngay sau đó, hai cha con xác định vừa nghiên cứu chế biến hạt ca cao vừa phải liên kết với Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh để xây dựng bộ giống chuẩn, tạo vùng nguyên liệu.
Giờ đây, khi nhìn lại sự việc này, cụ Khâm xem đó như một sự vấp váp rủi ro mà người làm kinh doanh phải nếm trải. Cụ nhẹ nhàng kể giấc mơ của cụ ấp ủ về hình thành một tập đoàn ca cao ở vùng Đông Nam Bộ: “Giấc mơ của tôi lúc bấy giờ đã khiến nhiều người hoài nghi, nhưng khi tôi hỏi nông dân nếu hàng năm, mỗi ha ca cao sinh lời 80 triệu đồng thì bà con có muốn mua cổ phần của công ty không thì họ rất đồng tình ủng hộ!”.
Lúc này, cụ Khâm xác định muốn làm chủ trong nông nghiệp phải gắn với chế biến bởi trái ca cao Việt Nam có thể làm ra nhiều sản phẩm từ mật ca cao đến rượu vang, bột ca cao, sôcôla...
Cứ 10 tấn trái ca cao tươi sẽ cho khoảng 1 tấn hạt khô. Nếu mang hạt ca cao xuất khẩu cũng đem lại lợi nhuận nhưng sẽ không có lời bằng việc làm ra nhiều sản phẩm. Do vậy, công ty đã nỗ lực tìm cách xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm chế biến từ trái ca cao Việt Nam ra thế giới.
Từ năm 2014, ông Khanh đã tìm được đối tác là một doanh nghiệp Nhật. Khi đó, phía Nhật cử người đến tận công ty tìm hiểu tường tận quy trình sản xuất nguyên liệu, chế biến rồi đặt hàng. "Khi có đầu ra, việc thu mua giá ca cao tươi của nông dân cũng tốt hơn. Đối tác nhập sản phẩm sôcôla về gia công, đóng gói bao bì và họ đã biết đến Việt Nam sản xuất sôcôla chứ không phải xuất khẩu hạt thô như trước đây nữa" - ông Khanh tâm sự.
Hơn 5 năm trước, trong một chuyến xúc tiến thương mại đầu tư cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đến nước Mỹ, Công ty đã mang một số thỏi sôcôla ra mời khách thì hầu hết đều trầm trồ về vị sôcôla được sản xuất ở Đồng Nai.
Từ đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm đến việc xây dựng dự án hợp tác, sản xuất gắn với tiêu thụ cây ca cao trên địa bàn. Tỉnh vừa hỗ trợ vốn, vừa đặt ra chiến lược vùng nguyên liệu cho Công ty TNHH ca cao Trọng Đức nhằm giúp cho nông dân có thêm thu nhập.
Sau hơn 10 năm tiếp quản công ty do cha giao lại, ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Cacao Trọng Đức đã thực hiện được giấc mơ mà cha anh gửi gắm. |
Ông Khanh cho biết: "Với những nỗ lực bền bỉ, đầu năm 2016, Công ty đã sản xuất sôcôla qua Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay đã có gần 30 sản phẩm được đưa ra thế giới".