Người cao tuổi Xuân Cẩm phát huy truyền thống quê hương cách mạng
Phóng sự 20/04/2021 07:56
Khí thế xã nông thôn mới
Về Xuân Cẩm hôm nay, thật sảng khoái và thú vị khi đi trên những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng khang trang thấp thoáng đan xen vườn cây trái sum suê, cánh đồng lúa xanh ngát với từng ô thửa vuông vắn, những khu hồ ao nuôi thủy sản kế tiếp tạo nên vẻ ngăn nắp, gọn gàng của vùng quê hiện đại. Không ai còn thấy vẻ đơn sơ, nghèo đói của một thời đi lên từ đống đổ nát của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Con đường nông thôn mới ở xã Xuân Cẩm |
Ông Ngô Trí Thức, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã cho biết: Địa danh Xuân Biều đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngày 12/3/1945, từ ngôi đình Xuân Biều, cán bộ và Nhân dân trong xã nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất cả nước. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ, ghi dấu những năm tháng hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như đồng chí Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Trọng Tỉnh và ngày 8/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đây dự Hội nghị tổng kết ruộng đất, thăm cán bộ, Nhân dân địa phương.
Di tích lịch sử đình Xuân Biều, nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn giành chính quyền đầu tiên trong cả nước. Ảnh IT |
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay của toàn dân, năm 2011, xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Cùng với cấp ủy, chính quyền, người cao tuổi đã động viên gần 500 hộ con cháu trong gia đình và người dân hiến 10.600m2 đất ruộng, 5.630m2 đất ở và đất vườn, đóng góp được trên 20 tỉ đồng vốn đối ứng để xây dựng các công trình phúc lợi... Tiêu biểu ở thôn Cẩm bào có ông Vũ Hùng Vương, đi làm ăn xa quê tự nguyện hiến 360m2 đất thổ cư, trị giá gần 2 tỉ đồng để làm đường giao thông nông thôn; đảng viên Nguyễn Đăng Ninh, đã cắt mấy gian nhà cổ, hiến hơn 60m2 mở rộng đường ngõ. Hơn 400ha ruộng đất được dồn đổi, hình thành 5 cánh đồng mẫu; hơn 40km đường nội đồng được mở rộng, đổ bê tông. Máy cày, máy gặt xuống tận ruộng, ô tô chở thóc về tận nhà. Vùng đất trũng 50ha trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi thủy sản, những trang trại, gia trại mọc lên như nấm. Hàng trăm hộ làm nghề mộc truyền thống tiếp tục phát huy, người dân trở nên năng động, thực tế hơn.
Bàn giải pháp xây dựng làng quan họ trên quê hương Xuân Cẩm |
Diện mạo quê hương từng ngày đổi mới, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xây dựng khang trang, hiện đại. Những tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông và nhựa hóa, cờ hoa, cây cảnh xanh sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cây cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú bắc qua sông Cầu thuộc dự án đường vành đai IV Hà Nội tạo thêm điều kiện để người dân nơi đây thông thương, giao lưu phát triển kinh tế.
Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mới đây, UBND xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện và Hội Văn hóa Quan họ tỉnh triển khai Kế hoạch xây dựng làng quan họ đến năm 2026.
Người cao tuổi nơi đây còn nhớ “sự kiện Xuân Biều”, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong cả nước như đốm lửa nhen lên phong trào cách mạng để thổi bùng lên cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tháng Tám năm 1945 lịch sử; nơi Bác Hồ về thăm, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân từng ngày từng giờ nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ. |
Phong trào người cao tuổi trên quê hương Xuân Cẩm
Để đẩy mạnh phong trào người cao tuổi, Hội tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo thực hiện chế độ chính sách, hỗ trợ hoạt động Hội và khích lệ người cao tuổi phát huy vai trò "Tuổi cao - Gương sáng". Toàn xã có 460 người cao tuổi được bảo trợ xã hội, 850 hội viên có thẻ bảo hiểm y tế.
Tuyên truyền để hội viên và người cao tuổi thấy rõ quyền và trách nhiệm của mình thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội; tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Hội và địa phương phát động.
Ông Dương Văn Trọng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang tặng quà hội viên huyện Hiệp Hòa |
Toàn xã có gần 2.600 hội viên, sinh hoạt tại 32 tổ hội, 6 chi hội. Hằng năm, Hội tuyên truyền vận động kết nạp 100 hội viên mới. Giai đoạn 2016-2021, đã có 957 người cao tuổi được chúc thọ mừng thọ, số tiền 316 triệu đồng. Hội phối hợp với Trạm Y tế khám sức khỏe định kì, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho gần 400 người cao tuổi; phối hợp với một số cơ sở y tế và doanh nghiệp khám, tư vấn sức khỏe định kì mỗi năm 2 lần cho 70% hội viên. Phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh khám mắt miễn phí cho 300 người cao tuổi, mổ mắt miễn phí cho 30 hội viên, số tiền hàng chục triệu đồng. Tổ chức thăm hỏi tặng quà hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ tết. Phối hợp vận động 260 triệu đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, sửa nhà cho hội viên nghèo.
Người cao tuổi xã Xuân Cẩm khích lệ con cháu học hành thành đạt. Ảnh IT |
Chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, đã có 23 CLB các loại hình văn nghệ, thơ ca, dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cầu lông, cờ tướng… được thành lập, thu hút 500 hội viên sôi nổi tham gia.
Niềm vui hiện trên nét mặt Chủ tịch Ngô Trí Thức, ông cho biết thêm: Không chỉ chờ được chăm sóc, người cao tuổi luôn xác định trách nhiệm hội viên và công dân rất rõ ràng, sẵn sàng đảm nhận các công việc được cấp ủy, chính quyền, hội viên và Nhân dân tin tưởng giao phó. Cụ thể, đã có 3 bí thư chi bộ, 2 trưởng thôn, 3 cán bộ ban công tác mặt trận là hội viên người cao tuổi, chưa kể một số hội viên tham gia các tổ tự quản, hòa giải, khuyến học khuyến tài. Không chỉ gương mẫu thực hiện và nhắc nhở con cháu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước làng xã, người cao tuổi còn đi tiên phong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Do vậy, hầu hết các gia đình người cao tuổi đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.