Nghề Công tác xã hội, thực trạng và giải pháp
Nghiên cứu - Trao đổi 16/09/2022 08:00
Trong khi Việt Nam đang phát triển ngành công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp thì CTXH đã được xem là một lĩnh vực mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ gần 100 năm nay. CTXH đã ra đời do nhu cầu xã hội trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhằm giải quyết vấn đề xã hội, tăng cường phúc lợi và công bằng xã hội thông qua hỗ trợ và tác động đối với cá nhân, gia đình, nhóm đối tượng, cộng đồng.
Các đại biểu tham dự tập huấn do Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) tổ chức |
Trên thế giới…
Hiệp hội CTXH Quốc tế thành lập từ năm 1926 với hàng chục nghìn thành viên là cán bộ xã hội của 90 quốc gia được đào tạo chuyên nghiệp ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và có chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp của CTXH được thể hiện rất rõ nét trong huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của cả các quốc gia, tạo ra sự phát triển bền vững và góp phần đáng kể giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Cho dù tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, CTXH ra đời và phát triển do kết quả của sự thay đổi xã hội nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và mong muốn áp dụng các kiến thức khoa học vào việc trợ giúp các đối tượng. Sự thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống, di cư nông thôn ra thành thị, mật độ dân số tăng ở các vùng thành thị làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, các tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm gia tăng, trẻ em bị bỏ rơi, bị bóc lột lao động. Những yếu tố này đóng góp vào sự ra đời của CTXH.
Ở các quốc gia CTXH được chuyên nghiệp hóa, đều bao gồm những yếu tố chính như: Hệ thống pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ xã hội; hệ thống giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thang bảng lương; hệ thống dịch vụ CTXH; Hiệp hội nghề và Hiệp hội giáo dục đào tạo CTXH; một số quốc gia còn xây dựng tiêu chuẩn, đạo đức nghề CTXH.
Theo một số nghiên cứu về luật pháp của một số quốc gia trên thế giới cho thấy có hai loại luật: Luật liên quan tới nghề CTXH và luật quy định các hoạt động CTXH trong những trường hợp cụ thể; một số nước có cả hai loại luật và một số nước chỉ thực hiện một luật. Cả hai luật này, bao gồm các công cụ lập pháp như nghị định, quy định... được hình thành dựa trên nền tảng các luật quốc tế, các tuyên bố và công ước của Liên Hợp Quốc.
Thảo luận nhóm tại lớp tập huấn cho NCT |
Luật quốc tế ảnh hưởng tới việc hình thành nghề CTXH và các dịch vụ CTXH gồm các văn kiện của Liên Hợp Quốc như: Tuyên bố toàn cầu về nhân quyền (năm 1948), Công ước về Quyền trẻ em (1989) và các Nghị định thư không bắt buộc đã được thông qua, Công ước số 192 về Lao động trẻ em (1999), Công ước về Quyền của người khuyết tật (2006), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979), Tuyên bố về Quyền của các dân tộc bản địa (2007), Các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về người cao tuổi (1991).
Vì CTXH trên thế giới đã được chuyên nghiệp hóa, nên đều có xu hướng tuân thủ và phụ thuộc các quy định trong các luật khung. Các cơ chế này là để bảo vệ công chúng khỏi những hình thức thực hành CTXH kém chất lượng và thông qua việc bảo vệ này cũng là để duy trì sự phát triển của nghề CTXH.
Từ rà soát pháp luật quốc tế cho thấy, việc xây dựng pháp luật thích hợp là cần thiết cho sự phát triển CTXH, nếu không có luật điều chỉnh, CTXH khó có thể được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Ở Việt Nam…
Để trợ giúp cho các đối tượng dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh đặc biệt, trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh Chương trình xóa đói giảm nghèo, Đảng và Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách an sinh xã hội ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh. Trong đó có: Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma túy; Pháp lệnh về người tàn tật; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lí các cơ sở trợ giúp xã hội và nhiều chính sách, chương trình trợ giúp khác góp phần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội và phát triển đội ngũ cán bộ nhân viên làm CTXH.
Sinh hoạt ngoài trời tại Trung tâm Chăm sóc NCT Nhân Ái |
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, có nhiều các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp đối tượng dễ bị tổn thương, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được ban hành như: Luật Người khuyết tật; Luật Người cao tuổi. Các Nghị định của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lí các cơ sở trợ giúp xã hội. Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, Đề án trợ giúp người khuyết tật; Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam; Đề án Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng; Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; quy hoạch mạng lưới các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm CTXH; quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH trong các đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội; quy định định mức kinh tế - kĩ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội…
Hệ thống pháp luật, chính sách xã hội, các chương trình, đề án về chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam tạo môi trường pháp lí, hành chính, xã hội cho CTXH phát triển; huy động sự tham gia của cộng đồng, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo trợ giúp các đối tượng.
Các chính sách ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề... Đối tượng được trợ giúp từng bước mở rộng đáp ứng với nhu cầu thực tế. Mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt các chính sách mới ngày càng mang tính hội nhập hơn, phát huy truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc và mang tính xã hội hóa không ỷ lại vào nhà nước nhiều hơn. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên CTXH làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc - trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp người cao tuổi.
(Còn nữa)