Nên nghiên cứu nâng đường sắt lên cao
Nghiên cứu - Trao đổi 06/10/2022 15:01
Tuyến đường sắt chạy song song với quốc lộ 1A, qua địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín, tình trạng đường ngang tự mở của các hộ dân sống dọc tuyến xuất hiện khá dày, có nơi chỉ vài trăm mét đã có một đường ngang. Cùng với đó là hàng quán mọc lên, vật liệu xây dựng, phế thải đổ bừa bãi bên hành lang an toàn giao thông đường sắt. Đây thực sự là những mối hiểm họa thường trực, không chỉ xâm phạm đến hành lang an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân cũng như ngành đường sắt. Thực tiễn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm tại các điểm giao cắt dọc tuyến đường này trong những năm qua.
Tại đường Ngọc Hồi (thuộc địa phận thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) gần như toàn bộ tuyến đường sắt đều có nhà dân san sát dọc theo chiều dài tuyến, vừa là nơi cư trú, vừa trở thành cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, các hộ dân đã tự ý mở lối đi cắt ngang đường sắt, tháo rỡ barie bảo vệ đường tàu để làm lối đi lại, không có rào chắn cũng như biển báo, hệ thống cảnh báo tàu chạy.
Theo Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018, của Chính phủ quy định về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khu vực đô thị là 5m, song hầu hết đường sắt đi trong nội đô thành phố Hà Nội đều không đáp ứng được yêu cầu này. Thậm chí, có đoạn, cửa nhà chỉ cách đường ray chưa tới 2m như tuyến phố “cà phê đường tàu” (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Tuy nhiên, nếu thực hiện giải tỏa để bảo đảm cự li này dọc tuyến sẽ tốn nguồn ngân sách rất lớn mà cũng chỉ khắc phục được về cự li hành lang, còn hàng chục tuyến giao cắt đường bộ, đường dân sinh tự phát vẫn tồn tại.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng đường gom, hàng rào và các công trình phụ trợ suốt dọc tuyến với 15,7km nhằm xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở. Tuy nhiên, với ý thức một bộ phận người dân khi giao thông và kế mưu sinh, rất khó có thể khẳng định sẽ xóa bỏ được thực trạng đường ngang tự phát hiện nay trong tương lai gần.
Những năm qua, thực hiện giải pháp cầu vượt nhẹ tại các điểm giao cắt và xây dựng tuyến đường bộ vành đai trên cao đã giúp Hà Nội giảm đáng kể áp lực và giải tỏa được nhiều điểm ùn tắc giao thông. Hà Nội cũng đã và đang triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên cao. Vậy tại sao cơ quan chức năng ngành đường sắt và Hà Nội không phối hợp nghiên cứu giải pháp nâng đường sắt lên cao?
Thực ra, đã có một đoạn đường sắt từ ga Long Biên vào ga trung tâm, đó là đoạn đường trên cao được người Pháp xây dựng song song với tuyến phố Phùng Hưng. Đoạn đường này được hạ dần độ cao khi vào ga Hà Nội và chỉ có điểm giao cắt bắt đầu từ ngã tư Trần Phú. Dưới đoạn đường cao này là hệ thống cốt nền được thiết kế thành những cống vòm và vẫn có thể bảo đảm giao thông dân sinh xuyên cắt qua gầm đường sắt. Vừa qua Hà Nội đã cải tạo trả lại kiến trúc ban đầu tại đây, tạo mĩ quan đẹp cho cả tuyến phố.
Giả thuyết nếu xây dựng toàn tuyến đường sắt từ sau ga Long Biên kéo đến tận ga Văn Điển, thậm chí đến gần ga Thường Tín theo hình thức kiến trúc tương tự đoạn dọc phố Phùng Hưng liệu có rẻ hơn so với nguồn tiền giải tỏa hành lang an toàn 5m? Cùng với đó là tiến hành cải tạo, nâng cấp, nâng độ cao khu vực ga Hà Nội tương ứng. Cách làm này sẽ xóa bỏ hoàn toàn các điểm giao cắt đường sắt có gác chắn cũng như đường dân sinh tự phát dọc tuyến này. Việc kinh doanh của các hộ dân bên đường tàu sẽ không còn ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và nguy cơ tai nạn. Khi đó tàu vào ga trung tâm có thể nâng tốc độ cao hơn so với hiện nay. Cùng với đó, tuyến đường sẽ tạo một diện mạo mĩ qua đô thị đẹp, văn minh, xóa đi thực trạng nhếch nhác, lạc hậu dọc hành lang đường sắt.
Với công nghệ, vật liệu và trình độ xây dựng hiện nay, thiết nghĩ việc thi công tuyến đường không quá khó khăn, phức tạp. Quá trình thi công có thể dừng tiếp nhận hành khách đi tàu, phía Bắc tới ga Long Biên, phía Nam đến ga Văn Điển hoặc Thường Tín.