NCT làm giàu bằng quyết tâm cùng với đam mê, sáng tạo
NCT làm kinh tế giỏi 21/08/2023 16:47
Lãnh đạo Trung ương Hội thăm cơ sở sản xuất của Tập đoàn Quế Lâm do ông Nguyễn Hồng Lam làm Chủ tịch HĐQT |
Ông đã đầu tư dự án tổ hợp 4F trên 700 tỉ đồng, nhà máy chế biến nông sản tại thị xã Hương Trà, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp tại phường Thủy Bằng, các siêu thị ở thành phố Huế, thị xã và các huyện. Hệ thống các cơ sở của ông giải quyết việc làm cho 500 lao động, trong đó có rất nhiều NCT. Ông quan tâm mở rộng liên kết với các hộ nông dân ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số chăn nuôi lợn an toàn sinh học, trồng ngô, đậu tương, cam hữu cơ, góp phần thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao thu nhập cho đồng bào, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra ông đã vận động hàng nghìn hộ nông dân và hàng trăm hợp tác xã liên kết với Tập đoàn Quế Lâm để sản xuất lúa hữu cơ, riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 10 hợp tác xã và 50 hộ nông dân tham gia.
Ngoài việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Tập đoàn Quế Lâm còn tuyên truyền vận động người dân sử dụng các sản phẩm hữu cơ sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe. Hướng dẫn nông dân sử dụng men vi sinh để xử lí rơm rạ, rác thải, phụ phẩm, phế phẩm, chất thải trong nông nghiệp và sinh hoạt để chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh. Tại Thừa Thiên Huế đã hình thành các siêu thị, đưa gạo hữu cơ, thịt hữu cơ vào các trường học bán trú và khu công nghiệp, đặc biệt đã có hàng trăm hộ sử dụng men vi sinh để xử lí chất thải tại nhà, góp phần bảo vệ môi trường.
Đó chỉ là một trong rất nhiều tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi của NCT tỉnh Thừa Thiên Huế. Tận dụng đất đai sẵn có, cây con phù hợp với địa phương, năng động trong tư duy dám nghĩ dám làm, NCT đã áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập cho gia đình, làm giàu cho xã hội. Ông Dương Bá Ca ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà phát huy lợi thế điều kiện kinh tế gia đình, đã mạnh dạn đầu tư xe múc đất, xe tải để kinh doanh khai khác rừng trồng. Nhờ có xe múc mở đường, xe tải vận chuyển gỗ nên ông đã chủ động mua cây keo rừng và khai thác nhanh. Một năm, sau khi trừ các chi phí nhân công, khấu hao xe, máy móc, ông thu lãi ròng từ 300 - 350 triệu đồng. Tôi từng được đến thăm cơ ngơi và trang trại của ông Nguyễn Văn Chức, dân tộc Cơ Tu, ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà. Trong trang trại vườn rừng 50ha của mình, ông đầu tư trồng keo, nuôi hơn 50 con trâu bò, 2 hồ cá thu nhập hằng năm hơn 300 - 400 triệu đồng. Đồng thời nuôi dạy con cháu học tập đến nơi đến chốn và đã có nhiều đóng góp cho Hội NCT xã…
Ông Hoàng Chư chăm sóc cây cảnh |
Với tiềm năng lợi thế của địa phương là vùng biển bãi ngang, ông Nguyễn Viết Từ ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền huy động vốn 15 tỉ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật nuôi tôm, mỗi năm có 2 vụ nuôi, trung bình từ 150 - 200 tấn, giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn kinh doanh các loại thức ăn nuôi tôm, cung cấp các thiết bị vật tư đầu tư ao hồ. Từ việc mở rộng kinh doanh đa lĩnh vực, sau khi trừ các chi phí sản xuất, dự phòng kinh phí rủi ro cá nhân ông lãi ròng 9 tỉ đồng/năm.
Ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền có ông Hoàng Chư, 64 tuổi vốn đam mê cây cảnh, đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng mai, thu hơn 500 triệu đồng/năm. Từ chục cây mai bé nhỏ ban đầu, quá trình trồng và chăm sóc đã cho ông nhiều kinh nghiệm quý, từ khâu chăm sóc, cắt tỉa, uốn đến lựa chọn mai giống, chọn hạt để ươm trồng và phòng trừ sâu bệnh, nên khu vườn của ông luôn phát triển xanh tốt. Vào vườn mai hàng trăm mét vuông của ông có thể thấy đủ dáng, thế các loại đa dạng và độc đáo, đặc biệt có hơn 20 gốc lão mai khoảng 30 năm tuổi trở lên. Năm 2022, ông đưa mai do mình trồng đi tham dự triển lãm “Mai vàng xứ Huế”, được bình chọn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh khen thưởng.
Tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang có ông Lê Mỵ, 66 tuổi tranh thủ sức khỏe còn tốt, hằng năm ông gieo sạ 16ha lúa, sản lượng thu về khoảng 96 tấn lúa, trị giá khoảng 604 triệu đồng; ngoài ra, ông còn đầu tư 1 máy gặt liên hợp phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng, thu hơn 120 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập hằng năm đã khấu trừ chi phí còn lại 300 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Tuệ, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông là nông dân, cuộc sống gắn liền với đất đai ruộng vườn, tận dụng nguồn đất có sẵn của gia đình, cộng với diện tích đất khai phá có 3,5ha trồng keo, cao su, rau, ao nuôi cá và nuôi ba ba; thu nhập bình quân trên 180 triệu đồng/năm. Với quyết tâm vượt khó vươn lên, ông Lê Đắc Lợi ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy mạnh dạn đầu tư lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống. Từ những kinh nghiệm tích lũy, dần dần mô hình kinh doanh của ông đã trở thành đầu mối sản xuất, mỗi năm cung cấp khoảng 4,7 tấn thực phẩm tươi sống ra thị trường bao gồm các xã lân cận và TP Hà Nội, sau khi tính toán, trừ mọi chi phí, thu nhập còn lại đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Chức (thị xã Hương Trà) chụp ảnh lưu niệm với ông Hồ Viết Lễ, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Thừa Thiên Huế tại ngôi nhà của mình |
Huyện Phú Lộc với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp khá dồi dào, mang tính đa dạng nhiều chủ trang trại nuôi trồng thủy hải sản, trồng rừng, mở trang trại thuần dưỡng gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao. Điển hình có ông Nguyễn Kinh Sinh, 64 tuổi ở xã Lộc Vĩnh với mô hình nuôi trồng hải sản 1,5ha tôm xen ghép, 0,5ha nuôi cá nước ngọt, kết hợp sản xuất nông nghiệp hằng năm thu hơn 180 triệu đồng.
Tấm gương điển hình khác như ông Võ Lâm, phường Thủy Phương (TP Huế) trồng hơn 40ha rừng lãi trên 400 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Tảo, xã Dương Hòa, thương binh 4/4, trồng hơn 100ha rừng sản xuất, kết hợp với nghề khai thác, thu nhập hằng năm trên 1 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thắng phường Hương Hồ, trồng hàng chục héc ta rừng keo lấy gỗ, trồng thanh trà, xe dịch vụ vận tải chuyển hàng hóa, thu nhập bình quân 450 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Nhung thường trú tại phường Phú Thượng, nuôi tôm công nghệ cao, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm…
Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh, cho biết: Nhờ khai thác và phát triển thế mạnh của địa phương, nhiều hội viên NCT đã phát triển kinh tế với đa dạng các ngành nghề từ trồng trọt, chăn nuôi đến kinh doanh, dịch vụ. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phong trào NCT sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo ra cú hích để NCT giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, Hội NCT sẽ có nhiều hoạt động, chương trình phối hợp với Sở Công thương để khuyến khích tiểu thương đầu tư, tiêu thụ và mở rộng thị trường đối với các sản phẩm do NCT sản xuất.