NCT không ngừng làm giàu
NCT làm kinh tế giỏi 03/09/2023 17:09
Trong giai đoạn 2018- 2023 đã xuất hiện hàng ngàn NCT sản xuất kinh doanh giỏi được các cấp Hội NCT ở tỉnh Gia Lai ghi nhận, tôn vinh, trong đó có 61 cán bộ, hội viên được vinh danh tại hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi tỉnh tổ chức mới đây. Họ không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình mà còn hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Vợ chồng doanh nhân Triệu Tấn Cầu, 72 tuổi và bà Nguyễn Thị Liên 68 tuổi ở thành phổ Pleiku tặng quà NCT hoàn cảnh khó khăn |
Ông Nguyễn Tấn Lộc, 71 tuổi, cư trú tại tổ 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ trồng 18ha mía và 0,2ha ao hồ. Ông thường xuyên tạo việc làm cho 20 lao động người dân tộc thiểu số và áp dụng khoa học kĩ thuật vào thâm canh nên mía đạt năng suất cao, bình quân từ 80-100 tấn/ha. Nhờ vậy, mỗi năm ông có doanh thu từ 500-900 triệu đồng. Không những làm giàu cho bản thân, ông còn làm tốt công tác thiện nguyện. Ông đóng góp 15 triệu đồng vào Quỹ NCT thị trấn. Trong cơn hoạn nạn, bà con làng Leng Tô ở thị trấn Đak Pơ không đơn độc, ông đã chi 110 triệu đồng, xây 1 căn nhà cho NCT khó khăn, tặng 1 tấn gạo và 120kg thịt lợn cho dân làng ăn tết.
Sinh ra ở vùng đất “ống gió, chảo lửa, túi mưa” tỉnh Hà Tĩnh nhưng CCB Nguyễn Đình Phú, 71 tuổi lại chọn xã Chư Pơng, huyện Chư Sê làm quê hương thứ hai của mình. Ông xây dựng một điền trang khá rộng gồm 12ha cà phê, 2ha sầu riêng và 1 trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản và heo thịt. Lợi nhuận hằng năm trên nửa tỉ đồng; tạo việc làm và thu nhập cho 7-10 người và hàng nghìn công lao động thời vụ. Mỗi năm ông đã tiếp sức, chia sẻ yêu thương cho người yếu thế trong xã hội 20-50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Phú, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê đang phơi sấy cà phê |
Là vợ liệt sĩ, bà Lương Thị Phùng, 74 tuổi thôn Mỹ Lộc, xã Ia Băng, huyện Chư Prông vừa kế tục truyền thống gia đình cách mạng, vừa tiếp cận cái mới đầy hăm hở và tự tin vươn lên làm giàu trên 4ha điền trang cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và các loại cây ăn trái. Thấy vườn cây công nghiệp cứ mọc xanh và đều cho hoa, cho trái bà thấy yên lòng. Tiệm tạp hóa của bà mở ra cũng đông khách. Mỗi năm bà lãi 420 triệu đồng.
Chẳng chịu thua kém người Kinh, ông Đinh Sưk, 67 tuổi, người dân tộc Bahnar xã Hà Tây, huyện Chư Pah trồng 5ha cao su, cà phê, sầu riêng và gần 1ha ao và ruộng nước; mỗi năm lãi 200-300 triệu đồng. Ông còn cho hội viên NCT vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Cái thời sung sức hừng hực nhựa sống đã lùi vào dĩ vãng nhưng vẫn tiếp tục làm chủ gia đình, làm chủ xã hội.
Là Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 1, phường Tây Sơn, TP.Pleiku, ông Nguyễn Trắc, 64 tuổi vừa làm tốt nhiệm vụ được giao, vừa là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi cho cán bộ, nhân dân noi theo. Với nguồn vốn của gia đình và con cháu, ông đã đầu tư nhà máy cán tôn; liên kết mở công ty sản xuất phân bón, thường xuyên giải quyết việc làm cho 13 lao động. Sau khi trừ chi phí và hoàn thành nghĩa vụ cho Nhà nước, ông lãi hơn 500 triệu đồng. Trong 5 năm, ông cũng làm công tác xã hội từ thiện 32 triệu đồng.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trắc ở phường Tây Sơn, TP.Pleiku đang kiểm tra chế phẩm phân vi sinh trước khi xuất xưởng |
Xã hội đang xoay mình trong cơ chế thị trường thời mở cửa, ai ai cũng cố gắng thay đổi mình để hòa nhập với cái mới. Ông Lý Duyên Phúc, 67 tuổi cũng nằm trong guồng quay đó. Là giám đốc Công ty Đại Tín Gia Lai chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, vận chuyển và thi công các hạng mục công trình giao thông, cầu đường, trừ chi phí và làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước, mỗi năm ông lãi 700-750 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 7-10 lao động, với mức thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/ người/ tháng.