Nắng mưa đâu chỉ tại giời
Nghiên cứu - Trao đổi 06/11/2020 09:04
Kì 1: Bão lụt ở đâu ra?
Hiện tượng bão, lũ, sạt lở đất
Bão là một loại hình thời tiết cực đoan thể hiện trạng thái nhiễu động của khí quyển. Các cơn bão hình thành khi có một tâm áp thấp phát triển với một hệ thống áp cao xung quanh nó. Sự kết hợp của các lực đối nghịch hình thành các cơn gió xoáy và mây bão có cường độ khác nhau được xác định bằng thang sức gió Beaufort 13 cấp đối với bão thông thường (từ cấp 0 - 12, từ năm 1946 được bổ sung đến cấp 17 và hiện nay một số nước mở rộng đến cấp 30) hoặc thang bão Saffir-Simpson (đối với bão mạnh - siêu bão). Các thang sức gió này phân loại bão theo cường độ gió, áp suất tâm bão, mức độ tàn phá, gây ngập lụt. Khi gió xoáy có cường độ cấp 6 - 7 (Beaufort) trên diện rộng gọi là áp thấp nhiệt đới. Gió xoáy từ cấp 8 (Beaufort) trở lên trên diện rộng, kèm theo mưa lớn gọi là bão.
Khi một cơn bão xuất hiện, các tổ chức khí tượng đặt cho chúng một tên. Đối với ổ bão Tây Bắc Thái Bình Dương (nơi có bão đổ bộ vào Việt Nam), tên bão được Trung tâm Khí tượng Hải quân Mỹ tại đảo Guam chuẩn bị. Các tên bão trước đây thường đặt theo tên các nữ thần hoặc phụ nữ xinh đẹp. Về sau, tên bão đa dạng hơn với tên của người, động vật, thực vật. Từ năm 2000, mỗi quốc gia trong 14 thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương góp 10 tên để đặt cho các cơn bão xuất hiện trong khu vực. Việt Nam đóng góp 10 tên gồm các địa danh, động vật quý hiếm và các loài hoa là Halong, Bavi, Vamco, Songda, Conson, Sơnca, Saola, Saomai, Lekima, Trami. Tuy nhiên, khi những cơn bão vào vùng biển Việt Nam, chúng không được gọi theo tên quốc tế nữa mà bằng tên riêng của Việt Nam theo số thứ tự của cơn bão xuất hiện trong năm. Cách đặt tên bão này mang tính phổ thông, giúp người dân dễ nhớ hơn so với việc gọi theo tên quốc tế.
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Nguồn TTXVN) |
Lũ lụt là hiện tượng nước sông dâng cao sau những trận mưa liên tiếp, lưu lượng thoát nước trên các sông suối không kịp, khiến nước tràn bờ, đổ vào các vùng trũng, gây ngập úng trên diện rộng, nhiều khi kéo dài, làm thiệt hại về người, tài sản.
Lũ ống thường xảy ra ở miền núi, nơi khe suối, sông nhỏ chảy giữa 2 sườn núi cao khép kín, đường thoát nước hẹp và co thắt ở 1 điểm. Khi mưa lớn, nước không thoát kịp sẽ dâng nhanh ở điểm co thắt, phá vỡ dòng chảy cũ, tạo dòng chảy mới ở phía dưới với sức tàn phá lớn,
Lũ quét là hiện tượng một khối lượng nước khổng lồ hình thành do mưa lớn, băng tan, vỡ hoặc xả đập chứa nước, di chuyển nhanh từ địa hình cao xuống thấp. Lũ quét có sức tàn phá khủng khiếp, nhất là khi dòng nước gặp lực cản lớn dội ngược lại tạo nhiều xoáy nước lớn và có thể quét mọi thứ trên đường đi.
Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Diễn tiến một vụ sạt lở đất có thể chỉ mất vài giây, nhưng cũng có thể cả trăm năm. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này do sự thay đổi độ dốc của sườn núi theo thời gian, sự suy yếu của đất đá do thời tiết, hay sự biến đổi của thảm thực vật trong khu vực. Sạt lở đất thường gặp khi có sự chuyển tiếp thời tiết gay gắt như sau một đợt nắng hạn kéo dài là những trận mưa bão dồn dập. Ở địa bàn có những lớp đá bị phong hóa nhiều năm, cấu trúc yếu, trải qua khô hạn rồi mưa lớn, dễ bị tách làm đôi, làm ba, hoặc tách rời khỏi sườn núi, một số khối đá lớn khi tách ra có thể gây ra tiếng nổ. Năng lượng sinh ra từ vụ nổ có thể gây ra một đợt sạt lở ở những nơi đất yếu.
Nguyên nhân của bão lụt, sạt lở đất
Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Khách quan là do sự biến động của tự nhiên, môi trường tạo ra các hiện tượng cực đoan là bão lụt. Chủ quan là sự tác động thái quá của con người vào môi trường khiến thiên nhiên “nổi giận”.
Con người tàn phá rừng - “lá phổi của tự nhiên” và phát triển ồ ạt các cơ sở công nghiệp khiến việc điều tiết khí hậu của trái đất ngày càng kém hiệu quả. Nhiều quy luật của tự nhiên bị phá vỡ, các hiện tượng En Nino, La Nina, hiệu ứng nhà kính ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng nhiều và ở cả những nơi không ngờ tới. Nếu như trước đây, người dân thường cư trú nhiều đời ở ven sông, suối không lo lũ lụt thì nay phải chuyển lên đồi cao mà cũng không an toàn bởi tình trạng sạt lở đất. Trước khi đổ lỗi cho thiên nhiên, con người nên tự trách mình vì lợi ích trước mắt mà đốt nương, làm rẫy, chặt gỗ nứa, làm quá nhiều thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình dân dụng… phá rừng đến kiệt quệ.
Biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, chống biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của nhân loại và các quốc gia, nhưng trong từng quốc gia cụ thể thì đó là trách nhiệm của Nhà nước, các cấp chính quyền, cơ quan quản lí và mỗi người dân. Công tác phòng chống thiên tai cũng vậy, muốn ứng phó hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai gây ra, cần phải làm tốt việc phòng ngừa. Trong đó cách phòng ngừa bền vững, hiệu quả nhất là bảo vệ môi trường tự nhiên, không để mất cân bằng sinh thái. Chúng ta cũng đừng cho rằng “nắng mưa là việc của giời” bởi ông cha ta đã có câu “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. (Còn nữa)