Nâng cao “tính Đảng” của người đảng viên
Nghiên cứu - Trao đổi 29/05/2023 09:11
Thực tiễn cách mạng XHCN chứng minh “tính Đảng” là “thuộc tính căn bản, cốt lõi và bản chất” của Đảng Cộng sản chân chính, Đảng ta ngay từ khi thành lập đã mang bản chất giai cấp công nhân; chiến đấu cho lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Với việc tự nguyện thừa nhận nền tảng tư tưởng, thừa nhận tính tổ chức và tính kỉ luật của Điều lệ Đảng và khi trở thành đảng viên mang tính “đại diện” tiên phong đó, thì người đảng viên không ngừng gìn giữ và phát huy thông qua các hoạt động cụ thể từ lời nói, hành vi trong hoạt động chính trị, xã hội cũng như thông qua hoạt động của tổ chức (tuân thủ tính tổ chức và tính kỉ luật nghiêm) nơi cá nhân đảng viên đó sinh hoạt chính trị. Như vậy, rõ ràng “tính Đảng” của Đảng Cộng sản được thể hiện thông qua tính đại diện của đảng viên cộng sản khi tham gia tổ chức chính trị và trong hoạt động xã hội. Đảng Cộng sản chỉ vững mạnh khi mọi đảng viên chấp hành nghiêm các yếu tố cấu thành nên “tính Đảng” - đó phải là sự chấp hành mang tính nội dung, chứ không phải là sự thừa nhận một cách hình thức. Các yếu tố cấu thành nên nội dung của “tính Đảng” bao gồm các mặt tư tưởng, tổ chức và hoạt động xã hội. Đây là ba mặt không thể tách rời, có quan hệ khăng khít với nhau khi xem xét đến “tính Đảng” của người đảng viên cộng sản.
Về mặt tư tưởng: Tính Đảng trong tư tưởng là trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, còn trong chính trị thì phải kiên quyết phấn đấu cho đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng vào cuộc sống. Mọi đảng viên đều phải xem đây là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Phần đông cán bộ, đảng viên của chúng ta đều thể hiện sự trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng mà Đảng đã lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có không ít cán bộ, đảng viên do không vững trọn niềm tin nên đã dao động, không thể hiện sự trung thành tuyệt đối, những phần tử này đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng đến uy tín của Đảng.
Công cuộc đổi mới cho thấy, từ sự kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng; từ sự đồng thuận trong đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên đã “sáng tạo” ra đường lối đổi mới (dựa trên nền tảng tư tưởng và thực tiễn sinh động) đã góp phần vào việc giữ vững cũng như nâng cao “tính Đảng” trong mỗi cán bộ, đảng viên, nó là nhân tố quyết định tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới.
Về mặt tổ chức và kỉ luật Đảng: Đảng viên cộng sản khi tự nguyện, tự giác gia nhập hàng ngũ của Đảng đồng nghĩa với việc tuân thủ nghiêm ngặt tính tổ chức và tính kỉ luật của Đảng. Đây được xem là “hành lang pháp lí” của Đảng để người đảng viên rèn luyện và phấn đấu không ngừng. Trước hết, đó là giữ vững và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong đó người đảng viên cộng sản luôn tôn trọng và tuân thủ ý kiến tập thể, chấp hành nghiêm túc các nghị quyết của tổ chức đảng; tự giác trong tự phê bình và phê bình. Xem xét về mặt này của “tính Đảng” trong cán bộ, đảng viên hiện nay, có một số chiều hướng rất cần được chấn chỉnh. Bên cạnh những hành vi mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán của một số cán bộ có chức, có quyền, cũng như không ít đảng viên đã lợi dụng nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt Đảng để đả kích lẫn nhau, gây ra mất đoàn kết nội bộ. Một số đảng viên nhận thức yếu kém về vấn đề dân chủ nên vô tình đấu tranh nhưng sai sự thật, gây mất ổn định tình hình ở cơ quan, đơn vị…
Về mặt hoạt động xã hội: Phần đông cán bộ, đảng viên của chúng ta hiện nay ngoài việc gắn chặt hoạt động của bản thân mình với tổ chức đảng để rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu, còn lấy môi trường hoạt động xã hội làm thước đo đánh giá năng lực hoạt động thực tiễn chính trị-xã hội của mình. Trên góc độ này, số đông cán bộ, đảng viên của chúng ta luôn giữ vững tính đại diện tiên phong lãnh đạo. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện lời nói không đi đôi với việc làm; không gương mẫu; phát ngôn và hành động ở ngoài xã hội không tuân thủ các nguyên tắc tổ chức đảng, đôi khi là nói trái đường lối, quan điểm của Đảng, xem thường ý kiến chỉ đạo của tổ chức… Điều này đặc biệt nguy hiểm khi nó được phát ra từ một số ít đối tượng có địa vị - xã hội, nên đã gây bất bình và tạo ra suy nghĩ trái chiều trong Nhân dân. Nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời sẽ gây ra những tác hại xấu cho cả trong tổ chức đảng và ngoài xã hội.
Thiết nghĩ, nâng cao “tính Đảng” là xuất phát từ yêu cầu giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng và những nhiệm vụ mà Đảng phải thực thi trong điều kiện mới. “Tính Đảng” cần được nhận thức không chỉ là giá trị của mỗi đảng viên cộng sản trong quá trình phấn đấu và trưởng thành mà còn là giá trị chung của toàn Đảng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, khi bối cảnh tình hình chính trị thế giới có sự thay đổi, chứa đựng sự phức tạp chưa thể lường hết được, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trước mắt đứng trước những thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thử thách mới. Đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng và toàn dân tộc, hơn bao giờ hết “tính Đảng” của người đảng viên cộng sản càng phải được đề cao hơn. Củng cố và nâng cao hơn nữa “tính Đảng” sẽ nhân thêm sức mạnh nội lực của Đảng, đồng thời tạo ra thế và lực mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục giành những thắng lợi mới.