Nâng cao sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi
Nghiên cứu - Trao đổi 14/10/2021 07:34
Trò chơi tạo những tiếng cười sảng khoái, nâng cao đời sống tinh thần cho NCT |
Người cao tuổi (NCT) đang phải đối mặt với những thách thức về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Theo thống kê, có hơn 20% người từ 60 tuổi trở lên có rối loạn tâm thần hoặc bệnh lí về thần kinh (không bao gồm bệnh đau đầu). Các rối loạn tâm thần và thần kinh phổ biến nhất ở nhóm tuổi này là sa sút trí tuệ và trầm cảm. Ở Việt Nam, theo số liệu điều tra năm 2002, tỉ lệ mất trí tuổi già là 0,9% dân số, năm 2012 tăng lên 1,52%.
Do áp lực của cuộc sống, cộng với thói quen sinh hoạt nên các vấn đề sức khỏe tâm thần NCT thường bị bỏ qua và không được nhận định rõ ràng. Tại nhiều nơi, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lí thực sự mà được xem như một sự khiếm khuyết trong tính cách. Chính những sự kì thị xung quanh vấn đề này khiến người bệnh gặp thêm nhiều khó khăn trong tìm kiếm giúp đỡ và điều trị.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần cho NCT như những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày, suy giảm thể chất, mắc nhiều bệnh tật, trải qua những sự kiện mất mát người thân, bạn bè, hoặc tình trạng hụt hẫng, suy giảm kinh tế khi nghỉ hưu. Tất cả những yếu tố gây căng thẳng này có thể dẫn đến sự cô lập, cô đơn hoặc tâm lí đau khổ ở NCT. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và ở những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và ngược lại. NCT thường có nhiều bệnh mạn tính hay bệnh không lây nhiễm (BKLN) như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, v.v. Việc mắc những bệnh này trong một thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt là trầm cảm và lo âu.
NCT cũng là một trong những đối tượng dễ bị lạm dụng và ngược đãi. Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2017, có 15,7% người từ 60 tuổi trở lên đã phải chịu ngược đãi, tức là cứ 6 NCT lại có 1 người bị ngược đãi. Trong đó, tỉ lệ NCT bị ngược đãi về mặt tinh thần nhiều nhất (chiếm 11,6%) so với các loại hình ngược đãi khác như tài chính (6,8%), bị bỏ rơi (4,2%); thể chất (2,6%) và tình dục (2,6%). Điều này không chỉ dẫn đến những tổn thương về thể chất NCT mà còn dẫn đến những hậu quả tâm lí nghiêm trọng kéo dài.
Để cải thiện sức khỏe tâm thần cho NCT, cần thúc đẩy quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh, tạo ra các điều kiện sống, môi trường hỗ trợ sức khỏe và cho phép mọi người có một cuộc sống lành mạnh. Cần có các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu NCT như bảo đảm an ninh, hỗ trợ xã hội và chăm sóc, các chương trình ngăn chặn và đối phó với hành vi ngược đãi NCT, đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ y tế...
Tình nguyện viên chăm sóc tại nhà của CLB LTHTGN đến động viên, tâm sự và hỗ trợ việc nhà cho các thành viên khó khăn |
Cần có các biện pháp can thiệp giải quyết các yếu tố nguy cơ của các BKLN, bao gồm cả các rối loạn tâm thần và giải quyết các rào cản của hệ thống y tế để giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ tử vong sớm và nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Đặc biệt, cần có sự quan tâm hơn từ cộng đồng và gia đình đến đời sống tinh thần của NCT, giúp họ nhận biết và điều trị kịp thời các triệu chứng rối loạn tâm thần, được hòa nhập vào cuộc sống hằng ngày và phát huy vai trò trong sự phát triền bền vững của xã hội.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Từ năm 1999 đã xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về sức khỏe tâm thần, trong đó tập trung vào xây dựng “mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng”. Đến năm 2008, mô hình đã bao phủ trên 63 tỉnh, thành phố với gần 40% xã, phường, thị trấn triển khai. Nhờ có mô hình này những người bị tâm thần phân liệt và động kinh đã được quản lí tại cộng đồng và hạn chế sự kì thị, phân biệt đối xử, góp phần rất lớn giảm gánh nặng cho cả bệnh nhân và gia đình họ.
Ngoài ra, Việt Nam còn có mô hình cộng đồng khác hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT thông qua tăng cường sự tham gia của NCT trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao thu nhập và hỗ trợ cộng đồng - đó là CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN). Từ một mô hình thí điểm do Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) hỗ trợ, đã trở thành mô hình quốc gia, và Chính phủ đã có hai Đề án nhân rộng theo Quyết định 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 và Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, CLB đã được Hội NCT các cấp nhân rộng trên 61 tỉnh, thành phố với hơn 3.400 CLB. Với 8 mảng hoạt động đa dạng, CLB đã giúp các thành viên là NCT không chỉ cải thiện thu nhập, phát huy vai trò mà còn giúp nâng cao sức khỏe, có thêm nhiều niềm vui, giảm bớt sự cô đơn…
Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong đảm bảo sức khỏe tổng thể của mỗi cá nhân. Chỉ khi có tinh thần tốt mới có thể làm việc hiệu quả, tận hưởng cuộc sống và đóng góp tích cực cho cộng đồng. Hi vọng các chương trình và mô hình về chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ ngày càng được quan tâm hơn để đảm bảo già hóa khỏe mạnh cho tất cả mọi người.