Mỹ phẩm TBD thần thánh: Chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên bán ra thị trường
Đơn thư bạn đọc 06/09/2020 17:54
Quảng cáo như thuốc chữa bệnh
Từ năm 2019 đến nay, trên thị trường làm đẹp cho phái nữ xuất hiện nhiều dòng sản phẩm nhập khẩu mang thương hiệu TBD - Mede in Japan và được quảng cáo là dùng để điều trị mụn, nám, tàn nhang, ức chế nám... do Công ty TNHH XNK mỹ phẩm TBD Mai Ái Thi (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Tầng 14, Tòa nhà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh) nhập khẩu và phân phối độc quyền (có giá dao động từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/bộ sản phẩm), nhưng lại chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Một sản phẩm sữa mặt trắng da TBD - Mede in JaPan được dán tem chống giả của Bộ Công an |
Theo như thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, bà Mai Thị Ái Thi, Tổng giám đốc Công ty này luôn “nổ” là các dòng sản phẩm TBD nhập khẩu có mặt trên nhiều hệ thống Spa, thẩm mỹ viện toàn quốc. Đặc biệt, Tổng đại lý chuyên phân phối các bộ sản phẩm mỹ phẩm TBD Cosmetics nằm tại tỉnh Bắc Giang:
“Dòng kem siêu điều trị mụn, nám, tàn nhang, nám không tái phát TBD. Thẩm Mỹ viện Bình Minh chuyên phân phối và chuyển giao công nghệ độc quyền trên toàn quốc”; “ Thổi bay nám, tàn nhang, thâm mụn trong 1 nốt nhạc với dòng kem điều trị TBD”; “Dòng sản phẩm oanh tạc làng trị nám. Chất lượng hàng đầu, hiệu quả rõ rệt, mẫu mã xịn xò... Tất cả có trong bộ đặc trị nám: uống trong, bôi ngoài TBD Thần thánh…” - bà Mai Thị Ái Thi chia sẻ về những tác dụng của sản phẩm mỹ phẩm TBD trên mạng xã hội.
Bên cạnh bán ra thị trường các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên, hiện nay Công ty TNHH XNK mỹ phẩm TBD Mai Ái Thi còn cung cấp tới tay người tiêu dùng dòng sản phẩm dạng viên uống nội tiết tố TBD, ức chế nám Serum chống tái phát cũng được quảng cáo có thể điều trị được mụn thâm, nám tàn nhang...
Theo Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012, quy định một số hành vi bị cấm như: “... Không quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về số lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, khả năng kinh doanh, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại…”.
Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó quy định về quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau: Tên mỹ phẩm; Tính năng, Công dụng của mỹ phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế; Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc…
Hay tại Thông tư 06/2011/TT-BYT, quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm…
Tại Công văn số 1609/QLD-MP của Cục Quản lý Dược - Mỹ phẩm (Bộ Y tế) về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm và công bố tính năng mỹ phẩm thì các từ mang ý nghĩa chữa khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa trị” đều không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm...
Việc bà Mai Thị Ái Thi quảng cáo trên mạng xã hội về các sản phẩm mỹ phẩm TBD như một loại thuốc đặc trị về bệnh lý, chứ không phải là mỹ phẩm hỗ trợ làm đẹp thông thường. Điều này là trái với quy định của pháp luật Việt Nam khi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm, “nhập nhèm” giữa thuốc và mỹ phẩm, khiến người tiêu dùng dễ hiểu nhầm.
“Bán chui” thời gian dài!
Sau vài lần trao đổi hỏi về công dụng, nguồn gốc của bộ sản phẩm mỹ phẩm TBD Cosmetics và cung cấp tình trạng tàn nhang của mình cho một nhân viên đang làm ở Tổng đại lý trên. Thông qua tài khoản facebook của nhân viên này, phóng viên đã quyết định đặt mua một bộ sản phẩm TBD Cosmetics có giá là 2.900.000 đồng/bộ.
Cầm trên tay bộ sản phẩm nhập khẩu này, nếu không có thông tin phản ánh từ trước đó, chắc chắn một điều phóng viên cũng sẽ dễ dàng tin, đây là mặt hàng đã đầy đủ về giấy tờ pháp lý và được phép bán trên thị trường Việt Nam.
Siêu phẩm điều trị nám chân đinh TBD - Mede in JaPan |
Cụ thể, mặt trước của sản phẩm, một tem chống hàng giả của Bộ Công an được dán bên ngoài lớp giấy bóng bọc quanh sản phẩm. Ở phía dưới góc bên phải, được dán một tem 7 màu với dòng chữ TBD Cosmetics. Phía mặt sau được dán tờ giấy ghi: Bộ kem thần thánh TBD (Bí quyết trị nám - tàn nhang - mụn sẹo thâm, lỗ chân lông to. Cho làn da hoàn hảo đến từ Nhật Bản) gồm 5 sản phẩm (Sữa rửa mặt trắng da TBD - Serum nước hoa hồng dưỡng trắng và chống nhăn TBD - Kem dưỡng trắng da ban ngày TBD - Kem chống nắng, tái tạo da, làm trắng TBD - Kem dưỡng trắng da ban đêm TBD); công dụng; cách sử dụng; thông tin nhà sản xuất; đơn vị nhập khẩu và phân phối là Công ty TNHH XNK mỹ phẩm TBD Mai Ái Thi. Ngoài ra, phía bên cạnh bộ sản phẩm này còn ghi dòng chữ Made in Japan.
Theo quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 7 - Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế đối với mỹ phẩm nhập khẩu: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.
Như vậy, với việc bán ra thị trường làm đẹp các dòng sản phẩm nhập khẩu TBD – Medein Japan, Công ty TNHH XNK mỹ phẩm TBD Mai Ái Thi cứ như đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với mỹ phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Viên, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho phóng viên biết: qua tra cứu dữ liệu chưa có sản phẩm hay nhãn hiệu nào từ Công ty TNHH XNK mỹ phẩm TBD Mai Ái Thi được cấp số tiếp nhận phiếu công bố. Thậm chí tra theo cả mã số thuế của doanh nghiệp này cũng không thấy lưu trữ số liệu nào”.
Như vậy đã rõ, Công ty của bà Mai Thị Ái Thi từ nhiều năm nay đã bán ra thị trường hàng nghìn bộ sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu TBD Cosmetics để thu lợi về hàng chục tỷ đồng là sự ngang nhiên, coi thường pháp luật?
Để làm rõ thông tin liên quan đến những sản phẩm mỹ phẩm TBD, phóng viên liên hệ với bà Mai Thị Ái Thi qua số điện thoại: 0914.777.9… Bà Thi cho biết: “Những sản phẩm của tôi hay buôn bán gì đó khi quảng cáo trên mạng là mình có quyền viết sản phẩm không điều trị bệnh được nhưng nó điều trị nám hoặc làm đẹp da, căng bóng hay gì đó. Bất kỳ một sản phẩm nào trên mạng người ta đều có thể nói được như vậy, mình quảng cáo là chuyện của quảng cáo còn nếu như nào đó thì đã có cơ quan ban ngành chức năng địa phường, Thành phố, huyện, xã liên hệ làm việc với tôi rồi”.
Nhiều vấn đề được đặt ra ở đây là: Ai dám là người khẳng định rằng những bộ sản phẩm mỹ phẩm mà Công ty TBD Mai Ái Thi đang bán kia là an toàn tuyệt đối và không hề ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng? Giả thiết như, trong quá trình sử dụng, nếu không may có điều gì xảy ra, cá nhân, tổ chức nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?... |
Để làm rõ việc Công ty TBD Mai Ái Thi bán tràn lan ra thị trường các dòng sản phẩm mang thương hiệu TBD – Madein Japan nhưng chưa được Cục quản lý dược cấp phép công bố sản phẩm. Đồng thời quảng cáo có tác dụng như một dạng thuốc chữa bệnh trên mạng xã hội. Đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm?