Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc
Đời sống 23/08/2023 14:35
Bao năm qua, chúng tôi đi hết các tỉnh vùng cao Tây Bắc để tìm kiếm mẫu hình chàng trai Mông lực lưỡng như A Phủ của nhà văn Tô Hoài mà mãi chẳng gặp. Thế rồi sự ám ảnh đó đã được giải tỏa vào một buổi chiều khi chúng tôi diện kiến anh Sồng A Tủa, Trưởng bản Lung Tang, xã Hồng Ngài.
Nói không ngoa, Sồng A Tủa khủng thật, anh cao hơn con ngựa thồ cả thước, áo thổ cẩm dài tay vẫn để lộ hai cùi bắp cuồn cuộn, giọng nói thì oang oang rõ là một người đứng mũi chịu sào trên địa bàn quanh năm mây mù, lại có cô vợ được cưng chiều nhất mực tên Lầu Thị Mẩy, đang chăm chú ngồi xe sợi lanh dưới hiên nhà. Ðã 4 con rồi mà Mẩy vẫn còn e thẹn khi chúng tôi chào hỏi. Má chị ửng hồng, tay chuốt sợi... luống cuống.
Chị Mẩy chỉ thật sự rôm rả khi chúng tôi đề cập về cuộc sống gia đình. Cặp xe máy tay côn bóng loáng dựng góc sân, chiếc tivi màn hình phẳng 21 inh loang loáng múa hát, đàn bò tám con đang thong thả nhai cỏ trong chuồng... Rồi mấy sào chè san tuyết, mấy nương ngô trên sườn núi. “Nhà mình thừa ăn rồi, mỗi năm bán gia súc, vịt gà được tiền gửi hết ngân hàng để mùa Tết Độc lập sang năm vợ chồng mình xây nhà to. Lát nữa mời các cán bộ miền xuôi uống rượu ngô, ăn mèn mén nhá”, chị Mẩy nói vậy và chúng tôi tin kế hoạch của vợ chồng chị nhất định sẽ hoàn thành.
Chúng tôi cầm chén rượu ngô thơm lừng hương vị “nháp” Tết Độc lập được vợ chồng Sồng A Tủa mời chưa kịp uống thì ông Giàng A Tú - một “A Phủ” nữa đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội NCT xã Hồng Ngài ào tới như gió. Chỉ tay vào chiếc xe máy chềnh ềnh giữa sân, ông Tú khoe vừa mua bằng tiền bán ngô vụ Xuân Hè. Với một tâm trạng đầy hào sảng, ông quảng bá dịp này cứ hai ngày lại đổ xăng cho xe, đổ rượu vào người để cùng một số đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản, đại diện các đoàn thể trong xã đi thăm hỏi tất cả hội viên trên 80 tuổi.
Ông Tú bảo, mình và đoàn thể phải đi chúc sớm các hội viên già cho họ đỡ buồn, đỡ tủi thân... “Lồng ghép” vào việc chúc ấy, ông triển khai việc khích lệ các hội viên này bảo ban con cháu chịu khó làm kinh tế luôn. Phải phấn đấu sao cho những hộ nghèo ở xã nhanh chóng “mát mặt” ngay. Phải làm cho cái địa bàn có chàng A Phủ của nhà văn Tô Hoài không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp mà còn phải được nhiều người dưới xuôi hôm nay biết rõ vì... giàu nhất Tây Bắc.
Nói vậy thôi chứ Lung Tang còn khó khăn lắm. Mà thiếu thốn, vất vả thật bởi khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, dãy núi đá này tiếp dãy núi đá kia, vào mùa mưa thì nước tràn trề, nhưng mùa khô vừa tới thì lập tức nước thành “khí thở”, giọt nước được ví như giọt xăng. Nước ăn còn hiếm, nói gì đến nước tưới tiêu. Nhưng Bí thư Chi bộ bản Lầu A Mang lại rất hồ hởi khi mời chúng tôi ra thăm cái “bể treo” trên vách núi mới khánh thành. Ở đây, “bể treo” không làm bằng i-nốc mang các nhãn hiệu quen thuộc, mà đó là chiếc bể to chứa được vài nghìn khối nước mưa bám víu vào vách núi mà tích trữ cho cả bản dùng suốt mùa đông. Chính phủ đầu tư mỗi chiếc bể này 500 triệu đồng. Ở miền xuôi, số kinh phí ấy có khi xây được năm sáu cái bể to tương tự vì công vận chuyển vật liệu quá rẻ so với nơi đây.
Tản bộ quanh bản Lung Tang giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, chúng tôi thấy trong các gia đình người Mông đang có “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trước sân...” như chi tiết nhà văn Tô Hoài tả trong truyện “Vợ chồng A Phủ”... khiến cụ ông Lầu A Chống hì hục xay ngô cũng phải chộn rộn nhớ về cái điều mẫu thân xưa kể. Ông dừng tay bảo chúng tôi: “Mẹ mình khi chưa qua đời có lần đã kể chuyện bằng tiếng Mông dịch ra là: “Thuở đó A Phử và A Mỉ mà ông Tô Hoài cho vào sách thành vợ chồng A Phủ, thoát khỏi nhà thống lí ở bên Hang Chú sang Hồng Ngài. Hai người theo sườn núi trốn vào hang Thông trú ngụ một thời gian rồi lại chạy ra bờ suối lớn đổ vào sông Đà cụt đường phải dừng lại làm lán để ở và sinh con đẻ cái. Nơi ấy chính là bản Lung Tang nhà mình bây giờ đó”.
Trở về với thực tại trong bản Lung Tang hiện nay chẳng người nào biết lai lịch, tung tích con cháu của vợ chồng A Phủ đang lang bạt nơi đâu? Ngay như cụ Lầu Thị Vang đã gần 100 tuổi rồi mà chúng tôi hỏi chuyện này cũng chỉ lắc đầu: “Ngày xưa chiến tranh, không ai dám nhận con cháu A Phử cả. Quan Pháp biết được, nó bắt. Hòa bình rồi, có một vài người tự nhận cho vui cái bụng thôi. Mình lúc còn trẻ cũng chỉ nghe mẹ chồng kể là A Phử và Mỉ đã đến Hồng Ngài sinh con, đẻ cái, phát cây làm nương, lên rừng đuổi con hổ, con trăn, không cho nó bắt dê của dân bản. Lâu lắm rồi, chuyện con cháu A Phử chẳng ai nói đâu”.
Còn cụ Đinh Tôn (97 tuổi) nhà ở dưới chân núi Hồng Ngài, thuộc Tiểu khu 2 (Bắc Yên) - nhân vật nguyên mẫu là cán bộ A Châu trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” thì bảo: “Vợ chồng A Phủ gặp đội trưởng du kích A Châu ở Hồng Ngài, được tuyên truyền theo cách mạng là chi tiết nhà văn hư cấu. Bởi lẽ, A Châu chính là tôi. Còn nguyên mẫu A Phử và Mỉ thì đã chết trước Cách mạng Tháng Tám (1945) khá lâu trước khi tôi được nghe những người Mông già kể, rồi truyền đạt lại cho anh Tô Hoài viết... nên con cháu của A Phử, A Mỉ không thể xác định được bây giờ ở đâu, gồm những ai là đúng.
Thu về! Bản Lung Tang chân chất như cô gái Mông mang vẻ đẹp dịu hiền, phóng khoáng đặc trưng của vùng cao Tây Bắc vào những ngày cận Tết Độc lập. Sương giăng khắp nẻo, nắng vàng thấp thoáng trên những mái nhà rêu phong mà nghe đâu đó văng vẳng lời của Mị “A Phủ, cho tôi đi...” trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, lối mòn dẫn vào hang Thông bây giờ phải chăng là đoạn đường mà vợ chồng A Phủ đã trốn chạy khỏi nhà thống lí Pá Tra thuở xưa.
Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc |
Mùa Tết độc lập với người Mông Tây Bắc |