Nữ du kích và kỉ niệm về cuộc diễu binh, diễu hành Tết Độc lập năm 1955
Sự kiện 02/09/2023 08:00
Đã 88 tuổi nhưng cụ Dương Thị Minh vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, cụ vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa kể cho chúng tôi nghe về lần vinh dự được chọn tham gia buổi lễ diễu binh, diễu hành tại Thủ đô Hà Nội.
Cụ Dương Thị Minh kể chuyện tham gia lễ diễu binh diễu hành ngày 2/9/1955. |
Sinh năm 1935, tại xóm Trại, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, năm 20 tuổi, cụ Minh tích cực tham gia các hoạt động đoàn thanh niên ở địa phương, năng nổ thi đua lao động sản xuất. Tháng 3/1955, cụ nhận được giấy gọi tham gia tập luyện cho buổi duyệt, diễu binh tại Hà Nội. Với tinh thần hăng hái, sôi nổi, cụ xin phép gia đình rồi cùng những người bạn ở địa phương được gọi đi bộ sang huyện Phổ Yên, rồi cùng cả đoàn tiếp tục đi bộ lên tập trung tại TP Thái Nguyên. Hồi ấy, toàn huyện Phú Bình có 10 người được tuyển chọn. Cuộc sống lúc bấy giờ còn muôn vàn khó khăn, phương tiện đi lại không có, đường xá khó đi, cả đoàn người đi bộ hơn 2 ngày mới tới được huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Chân ai cũng đau nhức, người mỏi mệt nhưng đều động viên nhau cố gắng thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho. Cả đoàn ngồi đợi một lúc thì có chiếc xe ô tô đón đến thao trường Bạch Mai để tập luyện.
Tại đây, cụ Minh được chọn vào tập luyện ở khối nữ du kích. Trong suốt 5 tháng ròng rã, cụ cùng mọi người được huấn luyện đội hình đội ngũ, tập đi đều, bước hàng ngang hàng dọc, hàng chéo, bồng súng và các nhiệm vụ khác do Ban huấn luyện hướng dẫn. Ai cũng háo hức cố gắng tập, rèn luyện thật tốt chờ mong đến ngày diễu hành chính thức. Suốt quá trình tập luyện, không ai được tiếp xúc với Nhân dân ngoài phố. Hằng ngày, theo lịch tập luyện, mọi người tham gia huấn luyện từ 7 giờ sáng đến 10 giờ 30 phút, buổi chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Chủ nhật mọi người được nghỉ. Thời điểm huấn luyện giữa mùa Hè nên việc tập luyện dưới thời tiết nắng gắt, khiến nhiều người bị say nắng, sút cân, gầy yếu, mệt mỏi.
Những ngày đầu, cụ cảm thấy nhớ nhà, chỉ muốn xin về nhà một vài hôm nhưng không được vì phải tập luyện liên tục. Trong thời gian tập luyện, cụ cũng như những người phụ nữ khác được sắp xếp ăn nghỉ đầy đủ, bảo đảm sức khỏe để tham gia huấn luyện. Đồng thời, mỗi người được phát quân tư trang như súng trường khoác vai, hai bộ quần áo màu gụ, một chiếc khăn đen… Đặc biệt, trong quá trình tập luyện, cụ cũng đã từng được gặp Bác Hồ cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Chu Văn Tấn,… đến thăm động viên, chỉ đạo tập luyện.
Têm vội miếng trầu, mắt nhìn xa xăm, cụ Minh nói: “Buổi sáng ngày 2/9/1955, mọi người trong khối ai cũng dậy từ sớm. 4 giờ sáng đã tập trung đông đủ xếp hàng ngay ngắn tại Quảng trường Ba Đình. Mọi người từ các nơi đổ về rất đông. Cờ hoa rợp trời tạo nên không khí rất trang nghiêm và xúc động. Đây là kỉ niệm khó quên nhất trong cuộc đời tôi. Bao nhiêu cảm xúc, háo hức để được tận mặt nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc cứ thôi thúc trong tôi suốt nhiều ngày, tôi đã khóc vì vui mừng trong ngày đó”. Giọng cụ Minh rưng rưng vì xúc động.
Tôi đưa cho cụ Minh xem bức ảnh tìm được trên mạng chụp Khối nữ du kích tham gia diễu binh diễu hành ngày 2/9/1955. Cụ vội vàng chỉ tay vào bức ảnh: “Đây, tôi đứng thứ 2 hàng thứ nhất đấy. Cả khối có 144 người đến từ các tỉnh khác nhau xếp thành hình vuông, mỗi hàng 12 người”. Đã gần 70 năm trôi qua nên nhìn bức ảnh, cụ Minh thật khó có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt mình. Bà chỉ nhớ chắc chắn mình đã được đứng ở trong hàng ngũ ấy. Mỗi lần nghĩ tới thời khắc cùng mọi người bước đều trong nắng Thu vàng của Quảng trường Ba Đình lịch sử, lòng cụ lại xốn xang, chộn rộn niềm vui khó tả.
Buổi lễ diễu binh diễu hành chỉ diễn ra trong một buổi sáng nhưng ấn tượng của nó vẫn theo cụ đến suốt đời. Cụ Minh chậm rãi kể: “Buổi lễ diễu binh, diễu hành thành công chúng tôi mới được phép đi dạo quanh Hà Nội. Đi qua những con đường mà tôi cứ ngỡ như mơ. Bao năm chân lấm tay bùn nay mới được biết Thủ đô mình rộng dài và đẹp đến thế. Sau khi dạo vài vòng quanh Hà Nội bà và mọi người được đưa lên một chiếc xe tải trở về Thái Nguyên. Từ TP Thái Nguyên, các nhóm lại tự đi bộ về nhà”.
Sau đợt được huấn luyện dài ngày chuẩn bị cho lễ duyệt binh, diễu hành 2/9/1955, khi về địa phương, cụ Minh được chọn huấn luyện đội nữ du kích ở địa phương. Năm 1957, cụ xây dựng gia đình với cụ Dương Văn Đức (sinh năm 1937), ở xóm Soi, xã Nhã Lộng. Năm 1959, cũng như bao phụ nữ ở địa phương, cụ động viên chồng lên đường nhập ngũ. Trong thời gian chồng tham gia các chiến trường, cụ ở nhà nuôi dạy con, chăm sóc bố mẹ chồng. Hai tin dữ dồn dập báo về khiến bố mẹ chồng của cụ như ngã khuỵu. Sự tàn khốc của chiến tranh đã cướp đi hai người con của các cụ là Dương Anh Hậu và Dương Văn Thìn (là anh trai của chồng cụ Minh). Những lúc ấy, cụ Minh là người luôn gần gũi chăm sóc bố mẹ chồng, xoa dịu nỗi đau buồn mà bố mẹ chồng của cụ đang phải chịu đựng.
Kháng chiến thành công, cụ vui mừng khi chồng trở về may mắn còn lành lặn. Hai vợ chồng cùng chung tay nuôi dạy con tốt, năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. 4 người con của cụ đều học hết chương trình phổ thông và tham gia những công việc khác nhau trong các cơ quan Nhà nước. Năm 2015, mẹ chồng là cụ Lê Thị Xuân đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đã 88 tuổi nhưng cụ Minh vẫn vui khỏe bên con cháu. Vào mỗi dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9, bà lại rưng rưng nhớ về lần được trực tiếp tham gia vào lễ diễu binh, diễu hành được tổ chức trang trọng ngày 2/9/1955. Cụ vẫn thường kể cho đàn cháu nhỏ về những ngày tháng hào hùng ấy. Còn bọn trẻ thì tíu tít vui mừng và tự hào về truyền thống của gia đình. Mỗi lời kể của cụ sẽ là tư liệu quý về những năm tháng không thể nào quên để nhắc nhớ thế hệ sau này.