Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng
Tin tức - Sự kiện 04/09/2024 07:55
Bộ Ngoại giao làm việc với tỉnh Cao Bằng về công tác chuẩn bị Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. |
Hội nghị là dịp để tỉnh Cao Bằng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới; cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, tiềm năng du lịch, miền đất và con người Cao Bằng tới đại biểu trong nước, đặc biệt là đại biểu quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, các Chương trình hành động của tỉnh, mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá cho ngành du lịch của địa phương, từng bước vững chắc hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trao đổi, đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương liên quan đến các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản, quản lý và vận hành CVĐC toàn cầu UNESCO, giáo dục cộng đồng, kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022 - 2024, định hướng các hoạt động trao đổi, hợp tác trong Mạng lưới giai đoạn 2024 - 2026, các quốc gia ứng cử đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2026 trình bày hồ sơ ứng viên...
Báo cáo kết quả hoạt động của Mạng lưới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, CVĐC các quốc gia trong khu vực giai đoạn 2022 - 2024 và 9 tháng đầu năm 2024; trao đổi, thống nhất các hoạt động, sáng kiến, triển khai phương hướng hoạt động của Mạng lưới; thông báo sơ bộ về kết quả lựa chọn quốc gia đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2026; (2) Bầu Ban điều phối của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 - 2026.
Đồng thời, ôn lại truyền thống, quá trình xây dựng và phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu qua 20 năm trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững; nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên Mạng lưới trong việc thực hiện các mục tiêu chung của CVĐC toàn cầu UNESCO; quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO.
Các đại biểu dự Hội nghị trình bày các báo cáo, tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển, phát huy giá trị mô hình CVĐC, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với các hoạt động phát triển du lịch, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Chủ đề của các phiên hội thảo 6 chủ đề như: Tri thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển CVĐC; giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tai biến địa chất và thích ứng với biến đổi khí hậu; điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản; CVĐC với các mục tiêu phát triển bền vững; tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐC; khó khăn, thách thức ở các khu vực muốn trở thành CVĐC.
Sơ kết các hoạt động của Tiểu Ban, các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC Việt Nam, chia sẻ khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng, quản lý và phát triển CVĐC tại Việt Nam. Hoạt động trao đổi, ký kết biên bản hợp tác giữa các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và một số hoạt động Hội nghị, Hội thảo chuyên đề và trao đổi hợp tác khác. Thời gian: Trong thời gian diễn ra Hội nghị, theo đăng kí của các CVĐC.
Chương trình trải nghiệm các tuyến du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng như: “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”; Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi (huyện Trùng Khánh), Hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hoà),...; các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng hương Phia Thắp, làng làm giấy bản Dìa Trên (huyện Quảng Hoà)…
Ngoài ra, các đại biểu còn được trải nghiệm cuộc sống thanh bình với những ngôi làng cổ, thưởng thức làn điệu hát Then đàn tính, ẩm thực mang hương vị núi rừng; di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình), gắn liền với sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động Cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngắm cảnh quan núi đá vôi ấn tượng với cảnh quan lưng rồng, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, hệ động, thực vật đa dạng, phong phú; tìm hiểu những dấu vết về môi trường biển qua san hô cổ được tìm thấy tại xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình...