Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Sự kiện 03/09/2024 08:00
Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là xã hội có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc .
Tiếp đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được ra đời trong bối cảnh sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đại hội XIII của Đảng (2021) được xác định là dấu mốc tạo bước chuyển rất quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kì tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp lớn; trong đó, vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kì mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” .
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, trong bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mĩ ngày càng cao”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: “Về mục tiêu chung, Đảng ta chỉ rõ: Xây dựng nền văn hoá Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hoá phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.
Nhân kỉ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Bài viết nhấn mạnh Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta sẽ “phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản kí ức thế giới. Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá tích cực. Đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa.
Việt Nam hiện là thành viên tích cực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) với mục tiêu góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia, người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi có cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.
Là một thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Số lượng các cơ chế then chốt của UNESCO mà Việt Nam tham gia gồm: Thành viên Ủy ban Di sản thế giới và Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003.
Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO Audrey Azoulay đã khẳng định: “Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế, văn hóa và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững”.
Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã đánh giá: “Năm 1976 khi mới gia nhập UNESCO, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh và giành được độc lập. Các bạn đã giành chiến thắng và đó là chiến thắng của văn hóa hòa bình. Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”.
“Tôi nghĩ Việt Nam là một trong những nước có đóng góp tích cực và ủng hộ cho những nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa. Các quốc gia đều có những di sản văn hóa, song điểm khác biệt là văn hóa Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử đất nước. Di sản ngoại giao văn hóa cũng góp phần giúp Việt Nam chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không chỉ có nhiều di sản văn hóa truyền thống mà còn nhiều văn hóa đương đại” - Ông Micheal Croft nhận định thêm.
Với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng và hấp dẫn, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành du lịch vào các năm 2019, 2020, 2022, 2023. Bên cạnh đó, năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.