Mong các đại biểu Quốc hội có các buổi tiếp xúc cử tri hiệu quả
Nghiên cứu - Trao đổi 21/07/2020 08:00
Ngay sau kì họp, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các Đoàn ĐBQH tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) các địa phương.
TXCT là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong hoạt động của ĐBQH. TXCT là việc ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với cử tri nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và chuyển tải tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Đồng thời, thông qua TXCT, ĐBQH cung cấp những thông tin cần thiết về chính trị, thời sự, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế cho cử tri; kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối, pháp luật và chính sách phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh đến cử tri.
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. |
Việc TXCT của ĐBQH được quy định: “ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan. Mỗi năm ít nhất một lần ĐBQH phải báo cáo trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc yêu cầu đại biểu báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH”. Các hình thức TXCT, gồm hội nghị TXCT và gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri. Với hình thức tổ chức hội nghị TXCT cũng có 3 loại hình là: TXCT theo định kì trước và sau kì họp Quốc hội tại địa phương nơi ĐBQH ứng cử; TXCT tại nơi cư trú, nơi làm việc và TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực mà ĐBQH quan tâm. Hình thức TXCT định kì trước và sau kì họp phải duy trì thường xuyên, các đoàn có trách nhiệm thông báo lịch TXCT trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri biết và tham dự, hạn chế tình trạng “đại cử tri” hoặc “cử tri chuyên nghiệp”. Các Đoàn ĐBQH vận dụng linh hoạt việc bố trí thời gian TXCT, có thể tổ chức vào buổi tối, vào ngày nghỉ để gặp gỡ cử tri được đông hơn.
Ngoài những đợt TXCT theo định kì trước và sau kì họp Quốc hội, ĐBQH còn có thể TXCT nơi cư trú, nơi làm việc hay tiếp xúc theo các chuyên đề, lĩnh vực mà ĐBQH quan tâm… Luật cũng quy định, ĐBQH có thể TXCT địa phương khác không phải nơi đại biểu ứng cử.
Trách nhiệm của Đoàn ĐBQH trong việc tổ chức để các đại biểu trong Đoàn TXCT là: chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác tổ chức thực hiện kế hoạch TXCT của ĐBQH.
Trách nhiệm của Ủy ban MTTQ là: Phối hợp với Đoàn ĐBQH tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc giữa ĐBQH với cử tri; mời các thành phần theo dự kiến và chủ trì các hội nghị TXCT; phối hợp với Đoàn ĐBQH tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương gửi về Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để phối hợp báo cáo trước Quốc hội.
Cũng vì kì họp thứ 9 vừa qua không có chất vấn trực tiếp nên cử tri muốn thấy rõ hơn vai trò của ĐBQH trong các hoạt động khác, mà gần nhất là hoạt động TXCT sau kì họp xem có gì đổi mới, bớt hình thức và hiệu quả hơn không.