Mập mờ diện tích thu hồi, gia đình mất hàng nghìn mét vuông đất
Pháp luật - Bạn đọc 23/03/2021 15:33
Bà Nguyễn Thị Tâm trình bày: Vào năm 1997 – 1998, bà nhận chuyển nhượng đất từ ông Võ Văn Mọi và bà Phạm Thị Gái các thửa đất 85, 86, 94 với tổng diện tích 17.214 m2. Sau khi nhận chuyển nhượng đất, bà tiến hành đào đìa nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản. Khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, bà nhiều lần yêu cầu đến thực địa cắm mốc, xác định hiện trạng đìa nuôi tôm của bà, yêu cầu cơ quan Nhà nước xác định diện tích đất bị thu hồi, nhưng việc này không được thực hiện. Nhân lúc bà vắng nhà, cơ quan thu hồi đất và Ban Quản lí dự án tiến hành đổ đất gần hết đìa tôm của bà. Khi phát hiện việc đổ đất này, bà ra ngăn chặn nhưng không được. Kết quả hơn 17.000 m2 đìa tôm của bà bị đổ đất lấp gần hết, chỉ còn lại một rẻo đìa nhỏ gần nhà. Từ đó bà liên tục làm đơn khiếu nại, kiến nghị nhưng chính quyền huyện không giải quyết, mà đùn đẩy cho chính quyền xã ra văn bản trả lời không đúng sự thật. Không những vậy, chính quyền huyện còn quy chủ diện tích đất của gia đình bà cho nhiều gia đình khác.
Căn cứ các tài liệu thu thập được cho thấy, trình bày nêu trên của bà Nguyễn Thị Tâm là có căn cứ. Giấy viết tay ông Võ Văn Mọi bán cho bà Tâm 2 thửa đất (số 85, số 86) có diện tích 13.000m2, diện tích còn lại là thửa số 94 rộng 4.214m2. Sau khi nhận chuyển nhượng 3 thửa đất, bà Tâm cải tạo thành đìa nuôi tôm cùng công trình cấp, thoát nước, sử dụng ổn định không tranh chấp với ai. Tại Văn bản số 438/UBND-KT ngày 24/12/2020 của UBND xã Cà Ná, về việc trả lời đơn của bà Nguyễn Thị Tâm, tại Phần 2 UBND xã xác định: “Qua đo đạc xác định thực tế và kiểm tra sổ mục kê đất đai, bản đồ địa chính được đo đạc vào năm 1996 và đưa vào sử dụng vào năm 1997, được lưu trữ tại UBND xã Phước Diêm (nay là UBND xã Cà Ná) thì tổng diện tích của 3 thửa đất trên đúng là 17.212m2. Tuy nhiên, qua đối chiếu với hồ sơ địa chính được lưu tại Văn phòng đăng kí đất đai Ninh Thuận – Chi nhánh Thuận Nam và đối chiếu với hiện trạng thực tế sử dụng hiện nay tại 3 thửa 85, 86 và 94, thì diện tích 3 thửa đất này có rất nhiều hộ dân đang sử dụng…”.
Một góc Dự án Bố trí dân cư vùng sạt lở ven biển Cà Ná |
Nói như vậy là không đúng sự thật, bởi là đất đìa tôm thì không có ai có thể vào tranh chấp được. Bà Tâm cho biết, chỉ có ông Võ Văn Mọi và con ông là Võ Văn Thượng có liên quan đến thửa số 85, do ông Mọi là người bán đất cho bà và bà có đồng ý cho ông Mọi làm nhà ở trên đất. Còn lại không liên quan đến thửa đất này. Đối với thửa số 86, hộ ông Lê Văn Củ không liên quan vì bà bán đất cho ông Củ là ở vị trí khác, số hộ còn lại như bà Lê Thị Khỏe, ông Nguyễn Văn Minh không liên quan đến thửa đất này. Thế nhưng tại Văn bản trả lời số 438/UBND-KT ngày 24/12/2020 của UBND xã Cà Ná lại kê ra các hộ này, rồi hướng dẫn bà Tâm: “Nếu bà xác định tổng diện tích 3 thửa 85, 86 và 94 đều là của bà, thì bà có thể viết đơn khiếu nại với các hộ hiện đang sử dụng, để xử lí theo quy định của pháp luật”.
“Chính quyền họ lấy đất gia đình tôi quy chủ cho nhiều người khác, rồi lại “xúi” tôi khiếu nại với người ta. Tôi còn phát hiện họ lấy đất của tôi quy ra cho các hộ: ông Nguyễn Văn Giỏi, bà Trịnh Thị Mỹ, ông Tô Thành Cung, ông Trịnh Kim Ảnh (em trai bà Trịnh Thị Mỹ). Riêng hộ ông Trịnh Kim Ảnh, trước khi thu hồi chỉ có khoảng 3.500m2, sau khi thu hồi đất của hộ ông ấy tăng lên tới 8 – 9.000m2. Chẳng hiểu ra làm sao nữa. Chính quyền làm sai giờ bắt tôi phải chịu là sao?” – bà Tâm cay đắng nói.
Rẻo đìa của gia đình bà Tâm còn lại chưa bị thu hồi |
Tại Văn bản số 432/UBND-TCD ngày 25/2/2020 của UBND huyện Thuận Nam gửi HĐND tỉnh, về việc báo cáo kết quả giải quyết các nội dung đơn của bà Nguyễn Thị Tâm, UBND huyện cũng xác nhận: “Qua đo đạc xác định có sự chồng lấn với các hộ dân khác, không nằm trong phạm vi đất thực hiện Dự án bố trí dân cư vùng sạt lở ven biển Cà Ná”, thế nhưng lại cho rằng: “Trường hợp bà Tâm có đầy đủ giấy tờ chứng minh về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, tranh chấp đất đai với các hộ dân có thể liên hệ tại UBND xã Cà Ná, để đề nghị giải quyết theo thẩm quyền”.
Thật lạ, việc quy chủ sử dụng đất của bà Tâm cho những hộ dân khác là do chính quyền làm sai, nhưng vẫn cứ khăng khăng bắt bà Tâm phải tranh chấp với các hộ dân này, trong khi bà Tâm hoàn toàn không muốn!? Đáng ra, chính quyền huyện Thuận Nam phải sửa chữa, cắm mốc lại để trả đất cho bà Tâm, chứ không phải “phủi tay”, đùn cho UBND xã Cà Ná giải quyết và hướng bà Tâm tranh chấp đất với các hộ dân được.
Bà Tâm làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện Thuận Nam, nhưng không nhận được giải quyết khiếu nại theo pháp luật, mà UBND huyện đùn đẩy cho UBND xã Cà Ná giải quyết, trong khi UBND cấp xã không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong trường hợp này. Dự án Bố trí dân cư vùng sạt lở ven biển Cà Ná, khởi động từ cuối năm 2014 đến nay vẫn chưa xong, mặc dù các hộ dân, trong đó có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tâm rất chấp hành bàn giao mặt bằng. Thế nhưng, ở dự án này có mấy điểm không ổn. Về giá đất, theo phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, gia đình bà Tâm chỉ được tính 28.000 đồng/m2, chưa bằng giá một bát bún riêu, trong khi đất đìa tôm của gia đình bà Tâm thuộc vùng duyên hải ven biển, nằm dọc Quốc lộ 1A, điều kiện sinh hoạt liền kề khu dân cư, khu thương mại chính của huyện Thuận Nam (cảng Cà Ná). Trong khi đó, tại Dự án Trường THCS Cà Ná, đất cùng khu vực, nhưng được định giá 67.550 đồng/m2. Như vậy quả là quá chênh lệch.
Núi đất chính quyền đổ sẵn, có dấu hiệu san lấp nốt dẻo đìa còn lại của gia đình bà Tâm |
Đối với việc tính khối lượng đào đắp đìa tôm: Trong các phương án đều ghi “Ao đào bằng máy”. Bà Tâm cho biết, ghi như vậy là không đúng sự thật. Thời điểm gia đình bà đào đìa vào năm 1998, là đào bằng thủ công, không phải thuê máy đào, công sức bỏ ra nhiều nhưng lại bị áp giá đào bằng máy là quá ép, gây thiệt thòi cho gia đình bà. Nếu tính giá đào thủ công, thì có giá 348.000 đồng/m3, trong khi giá đào máy chỉ được áp 49.000 đồng/m3. Bà Tâm nói: “Gia đình chúng tôi đào đìa nuôi tôm, không phải đào đìa làm muối, nên mực nước ít nhất cũng phải sâu 1,7m. Từ mặt nước tới mép bờ phải khoảng một mét để tôm không nhảy được ra ngoài. Vậy mà trong các phương án bồi thường, hỗ trợ chỉ xác định độ sâu từ 1,3 – 1,5m, nên hạng mục này cũng bị áp giá rẻ mạt.
Từ những phản ánh nêu trên, rất mong tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo huyện Thuận Nam giải quyết dứt điểm, thỏa đáng cho gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ổn định cuộc sống.
Ninh Thuận: Đất khai hoang khi thu hồi cần phải đền bù Ông Nguyễn Văn Chở khẳng định diện tích đất do gia đình ông khai hoang sử dụng từ năm 1985 đến năm 1998 thì khoanh ... |