Lưu giữ truyền thống từ ý thức cộng đồng
Nghiên cứu - Trao đổi 19/01/2022 08:39
Sử sách còn ghi, năm 1010, khi Vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, có một bộ phận dân làng Bồ Bát (xưa là tổng Bạch Bát, nay là xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) vốn có nghề gốm sứ xin được đi theo tìm nơi đất mới. Đến khu vực bãi bồi bên bờ sông Hồng, thấy có nhiều đất sét trắng là nguyên liệu chủ yếu để làm gốm sứ, dân làng quyết định ở lại định cư và lập ra phường gốm gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất sét trắng), sau một thời gian đổi lại tên là Bát Tràng. Chữ “Bát” Hán tự gồm hai bộ tạo thành, là bộ “Kim” (vàng) ví với sự giàu có và bộ “Bản” có nghĩa là “cội nguồn”, hàm ý khuyên con cháu dù có làm gì, giàu có đến đâu cũng không được quên tổ tiên gốc gác. Chữ “Tràng” có nghĩa là dài rộng, to lớn, hàm ý sự giàu có, thịnh vượng sẽ còn mãi. Năm 1964, xã Bát Tràng được thành lập gồm làng Bát Tràng cổ và làng Giang Cao.
Ông Hà Văn Lâm, Trưởng làng cho biết, hiện Bát Tràng có khoảng 80% dân số làm nghề gốm sứ, số còn lại làm những nghề khác, số hộ làm nghề nông không đáng kể. Tuy là nghề nặng nhọc, độc hại nhưng con cháu đời này nối tiếp đời kia vẫn truyền nhau để được thỏa trí sáng tạo, hướng về cái đẹp. Theo Nghệ nhân Đăng Thành Nguyễn Đức Lợi, người viết thư pháp trên gốm sứ Bát Tràng, sản phẩm gốm sứ ví như một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ, trong đó có sự kết hợp hài hòa của ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Sự hình thành, ra đời một sản phẩm được xem như sự vận hành kĩ lưỡng đem đến sự hanh thông của ngũ hành. Sự hanh thông đó nằm trong quá trình lao động sáng tạo với quy trình kĩ thuật chuẩn xác và nghiêm ngặt. Có như vậy mới có thể tạo ra được sản phẩm ưng ý, thể hiện được tính hoàn mĩ.
Công đoạn chế biến nguyên liệu gồm 4 bước, qua 4 bể là bể đánh (đánh tơi đất sét thô và ngâm khoảng 3 - 4 tháng để đất “chín” nhuyễn, chín đều, tạo thành hỗn hợp lỏng) rồi chuyển xuống bể lắng. Bể lắng hoặc còn gọi bể lọc (để đất sét lắng xuống, lọc bỏ tạp chất hữu cơ nổi lên). Bể phơi (chuyển đất sét đã lọc kĩ sang phơi khoảng 3 ngày). Bể ủ (sau 3 ngày phơi, nguyên liệu chuyển sang bể ủ để khử ô-xýt sắt và các tạp chất khác bằng phương pháp lên men, thời gian ủ càng lâu càng tốt). Trong quá trình xử lí nguyên liệu, tùy theo từng loại sản phẩm mà pha thêm một tỉ lệ cao lanh phù hợp. Công đoạn tạo dáng sản phẩm phải làm thủ công theo lối “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay. Sau đó đến công đoạn phơi sống và sửa hàng mộc, cuối cùng là tráng men, sửa men, vẽ hoa trang trí cho từng sản phẩm, xếp vào lò nung. Trước đây, cả làng có khoảng 600 lò nung đốt bằng than củi thì nay chỉ phải dùng trên 300 lò nung đốt bằng khí ga vẫn sản xuất được số lượng sản phẩm tương ứng. Vì thế mà lượng khí thải gây ô nhiễm giảm đi rất nhiều, môi trường làng nghề ngày càng xanh sạch hơn…
Du khách nước ngoài trải nghiệm nghề làm gốm Bát Tràng |
Đình làng xây dựng từ năm 1625, sau đình có Văn chỉ thờ Đức Khổng Tử, treo bảng vàng vinh danh một vị trạng nguyên và tám vị tiến sĩ. Đây là niềm tự hào của dân làng về truyền thống khoa bảng, được lưu truyền, phát huy suốt hơn nghìn năm nhờ ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc hồn làng từ đời này qua đời khác.
Từ khi lập Bạch Thổ phường đến nay, xã Bát Tràng có hơn 1.000 năm ổn định và không ngừng phát triển, tạo nên một dòng gốm sứ riêng biệt có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Ngày nay, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không chỉ có mặt trong các gia đình, tại các nhà hàng, khách sạn trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài, mở ra một hướng sản xuất, kinh doanh mới, làm giàu cho người dân làng xã.