Làm giàu từ mô hình vườn đa canh
NCT làm kinh tế giỏi 09/08/2023 11:00
Hơn 4 năm nay, ông Phú mạnh dạn chuyển đổi 6 công đất lúa kém hiệu quả sang trồng xen canh cây ăn trái. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, ông Phú trồng cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định, như sầu riêng, bơ, mít Thái, na Thái,...
Những ngày đầu, ông Phú tìm hiểu mô hình thành công để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, áp dụng trên đất gia đình. Nhận thấy ưu điểm của việc trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích, ông chọn loại cây dễ chăm sóc, nhu cầu dinh dưỡng tương tự nhau để trồng xen canh. Theo ông Phú, việc đa canh hạn chế tình trạng mất trắng khi một trong các loại trái cây rơi vào cảnh mất mùa hay rớt giá, ít rủi ro hơn. Trong vườn nhà ông Phú, mỗi cây có đặc tính riêng, rất ít lây bệnh cho nhau. Cứ mùa nào, ông thu hoạch trái ấy.
Ông Nguyễn Ngọc Phú với sản phẩm trái khóm trồng trong vườn nhà. |
Ông Phú cho biết: “Hiện, vườn chỉ mới thu hoạch một số na Thái, bơ, thơm, nguồn thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Vài năm tới, khi tất cả cây trái trong vườn đều đến tuổi trưởng thành, cho trái, nguồn thu của gia đình sẽ tăng lên”.
Trồng hơn 30 gốc na Thái, ông Phú chăm sóc rất cẩn thận. Bên dưới gốc na giữ lại ít cỏ nhằm tạo độ ẩm cho cây vào thời điểm nắng nóng. Trái trên cây hầu hết đều được bao bằng túi ni-lon để tránh sinh vật gây hại tấn công. Cây càng lâu năm, sản lượng trái càng nhiều. Ông Phú chỉ mới bắt đầu thu hoạch trái na Thái, bán 40.000 đồng/kg, không đủ cung cấp cho thị trường.
Một giống cây trồng khá mới được ông Phú xen canh trồng là thơm tây. Ông Phú chia sẻ: “Được người quen tặng trái thơm tây hơn 5kg, ăn thấy ngon, tôi đã ươm giống trồng thử, dần dần nhân lên được hơn 300 bụi như hiện tại. Ban đầu, tôi mang tặng bạn bè, người thân, sau đó đem ra bán ở chợ Long Xuyên. Thơm tây từ giống cây trồng chơi, nhưng giờ mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi trái nặng từ 5 - 7kg”.
Cũng theo ông Phú, thơm tây có đặc tính thơm, vàng, giòn, trái to, nhiều nước, mắt nông, gai ít, dễ trồng và nhẹ công chăm sóc. Ưu điểm loại trái này là có quanh năm, năng suất cao gấp đôi, gấp ba so với giống truyền thống. Giống thơm tây mọc ở tầm thấp, không cản trở sự phát triển của các cây trồng khác trong vườn. Trái lại, nó phủ và làm mát đất, giúp cây phát triển tốt hơn. Trồng cây thơm tây không cần sử dụng thuốc rầy, thuốc trừ sâu.
Ai đến thăm vườn và muốn làm theo, ông Phú đều hướng dẫn tận tình kĩ thuật trồng, chăm sóc. “Chỉ cần đào hố, bỏ giống thơm xuống là cây phát triển. Mùa mưa, người trồng không cần tưới nước. Mùa nắng, nếu có điều kiện thì tưới để cây trái xanh tốt hơn. Quá trình trồng, tôi thường ngâm hỗn hợp tỏi, ớt, rượu, gừng phun xịt để phòng sâu bệnh cho cây. Sau một năm trồng, cây thơm bắt đầu cho trái, sau 6 tháng có thể thu hoạch” - ông Phú nói.
“Nhiều năm qua, cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, một số hộ nông dân cao tuổi mạnh dạn đầu tư chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như sầu riêng, mít, bưởi, na Thái... Diện tích đất lúa đã chuyển đổi trên địa bàn hơn 23ha, với 47 hộ thực hiện.
Hội Nông dân và Hội NCT thị trấn Núi Sập thường xuyên thăm hỏi tình hình chuyển đổi cây trồng của nông dân, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thoại Sơn hỗ trợ vốn vay, tối đa 50 triệu đồng/nông dân, nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện kịp thời hỗ trợ kĩ thuật, phòng trừ sâu bệnh, giúp nông dân đạt hiệu quả, lợi nhuận cao khi chuyển đổi giống cây trồng.