Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang: Thu hồi đất của dân, nhưng không được bồi thường
Pháp luật - Bạn đọc 21/07/2020 08:00
Bỏ tiền khai hoang
Năm 1999, ông Sơn mua hơn 18ha đất của 7 hộ dân ở ấp Sông Trinh để trồng tràm và sản xuất. Ngoài ra, thời điểm đó, Phòng Hậu cần, Nông trường Bình Sơn I của tỉnh Kiên Giang đã 2 lần kí hợp đồng giao khoán đất sản xuất cho ông Sơn, với tổng diện tích 7ha.
Cũng trong năm 1999, Tỉnh đội Kiên Giang có giao đất cho 4 cán bộ công tác tại Tỉnh đội (các ông Trần Trung Của, ông Lương Văn Mao, ông Lê Thanh Đấu, ông Huỳnh Tùng Nam), với tổng diện tích là 18ha.
Diện tích 18ha đất của 4 cán bộ Tỉnh đội có trùng lặp với diện tích đất của ông Sơn mua của các hộ dân trên địa bàn ấp Sông Trinh trước đó. Phía Tỉnh đội lí giải, diện tích đất ông Sơn mua có một phần do đất của người dân lấn chiếm nên xảy ra trùng lặp là điều hiển nhiên.
Năm 2012, 4 cán bộ Tỉnh đội nói trên có giấy thoả thuận trồng tràm với ông Sơn. Nội dung uỷ quyền: Đồng ý giao toàn bộ diện tích trồng tràm và ao nuôi cá cho ông Sơn. Ông Sơn được quyền tranh chấp và thừa hưởng mọi quyền lợi về đất, cây trồng và nuôi cá bờ ao nói trên theo đúng quy định pháp luật. Trên phương diện các quý cơ quan giải quyết tranh chấp, đền bù, thì liên hệ trực tiếp ông Sơn để giải quyết khiếu nại và ông Sơn được hưởng quyền lợi hợp pháp trên mảnh đất được uỷ quyền.
Những hộ dân được ông Sơn hiến tặng đất, dựng nhà bị chính quyền địa phương tháo dỡ. |
Diện tích đất của ông Sơn bị ảnh hưởng khi xuất hiện 4 hộ dân: Ông Nguyễn Thành Trung, ông Tăng Văn Như, ông Nguyễn Thanh Hùng và bà Bùi Thị Liễu tổ chức lấn chiếm mất 18ha. Nhiều lần, ông Sơn làm đơn khiếu nại, đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc giải quyết nhưng vẫn không được trả lời. Suốt nhiều năm qua, những hộ dân này dù không có giấy tờ quản lí, sử dụng 18ha đất nói trên, nhưng họ vẫn dựng nhà sinh sống, canh tác cây trồng sản xuất.
Tiếp tục sau đó, vào năm 2002, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phê duyệt dự án quy hoạch Dự án kênh Cái Tre và kênh Lung Lớn 2.
Khi triển khai dự án kênh Lung Lớn 2, tỉnh Kiên Giang có thu hồi diện tích 12ha của gia đình ông Sơn, nhưng lại lập phương án đền bù cho 4 cán bộ là ông Mão, ông Của, ông Nam và ông Đấu. Ông Của được bồi thường 600.000 đồng; ông Mao: 600.000 đồng; ông Đấu: 630.000 đồng; ông Nam: 570.000 đồng).
Đến khi triển khai thực hiện múc kênh Cái Tre, tỉnh Kiên Giang tiếp tục thu hồi diện tích đất của gia đình ông thêm 12ha. Tổng cộng qua 2 lần thực hiện dự án, tỉnh Kiên Giang thu hồi của gia đình ông Sơn là 24ha đất. Đến nay, diện tích đất của gia đình ông bị thu hồi vẫn chưa được bồi thường gồm đất và tài sản trên đất như cây trồng, ao nuôi cá.
Chính quyền cưỡng chế, người dân nhập viện
Sau khi có được giấy uỷ quyền của 4 cán bộ Tỉnh đội, ông Sơn đã nhờ chính quyền xã Bình Trị xác nhận những hộ nghèo trên địa bàn, ông hỗ trợ đất cho các hộ nghèo cất nhà ở. Cụ thể, 1 hộ gia đình được hỗ trợ một nền nhà diện tích: 4,5 x20m = 90m2. Tổng số hộ ông hỗ trợ đất ở cho 350 hộ dân.
Tuy nhiên, vào năm 2019, 40 hộ đã cất nhà tạm trên phần diện tích đất gia đình ông Sơn hiến tặng, thì bị chính quyền huyện Kiên Lương cưỡng chế, tháo dỡ. Nhiều căn nhà bị dỡ bỏ mà không có bất cứ văn bản, hay quyết định xử lí, khiến người dân cảm thấy khó hiểu cách xử lí của UBND huyện.
Trong quá trình cưỡng chế, giữa người dân và lực lượng thi hành công vụ xảy ra xô xát. Ông Trương Văn Minh bị gãy 2 xương sườn, tràn dịch màng phổi. Hồ sơ bệnh án của ông Minh có Bệnh viện tỉnh Kiên Giang xác nhận.
Sau thời gian điều trị, sức khoẻ ông Minh tạm thời ổn định. Nhớ lại chuyện cũ, ông Minh chia sẻ: “Năm 2016, anh Sơn cho tôi 100m2 đất. Tháng 8/2019, tôi và nhiều hộ dân khác được anh Sơn cho đất cất nhà. Ngày 2/3/2020, chính quyền huy động lực lượng vào cưỡng chế, do xô xát tôi bị thương. Các bác sĩ khám cho biết, tôi bị gãy 2 xương sườn và tràn dịch màng phổi. Tôi đã làm đơn tố cáo nhưng không nhận được phản hồi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Thanh Liêm, 74 tuổi, ở xã Bình Trị cho rằng: “Thời gian qua địa phương xảy ra việc tranh chấp đất đai. Hình ảnh lực lượng đến cưỡng chế các hộ nghèo rồi xô xát, bắt xoá hình ảnh, cá nhân tôi không đồng tình. Đảng và Chính phủ luôn chăm lo cho dân nghèo, anh Sơn thấy hoàn cảnh người dân không có nhà ở nên mới hiện tặng 350 nền đất để người dân dựng nhà là việc làm đáng trân trọng, chính quyền nên ủng hộ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại cưỡng chế, lực lượng cưỡng chế xô xát với người dân như vậy là không nên, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của chính quyền. Nếu diện tích đất đó hiện nay đang xảy ra tranh chấp, địa phương nên đối thoại trực tiếp với ông Sơn để giải quyết vấn đề”.