Huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương: Vì đất chia cắt tình thâm!
Pháp luật - Bạn đọc 25/07/2019 10:45
Có dấu hiệu giả mạo chữ kí để chiếm đoạt tài sản?
Bà Hện được hưởng phần đất của cha, mẹ để lại và tự khai phá thêm đã sử dụng ổn định 2 phần đất có diện tích 33.383m2, được UBND huyện Dầu Tiếng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số T081424; số vào sổ 00236 QSD/QĐ-UB ngày 22/10/2002 và phần đất có diện tích 18.458m2 được cấp sổ đỏ số AM560488; số vào sổ 01560 QSDĐ/QD-UB ngày 8/10/2008, do bà Bùi Thị Hện đứng tên. Tất cả diện tích đất trên tọa lạc tại ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng.
Suốt cuộc đời lam lũ, bà Hện thừa hưởng khoảng 500 cây gỗ giáng hương của cha trồng vào những năm 30 của thế kỉ trước. Bà Hện dùng tiền tích góp và tiền bán gỗ giáng hương mua trâu, heo để nuôi, trâu sinh sản có lúc lên đến 50 con… Năm 2001, bà Hện bán tài sản trên, cải tạo đất trồng 500 cây cao su; năm 2003 trồng 400 cây; năm 2004 trồng 400 cây; năm 2006, bà tiếp tục trồng 700 cây và một số cây ăn trái khác. Trong thời gian này, bà sửa chữa căn nhà gỗ xây dựng năm 1980 và xây mới căn nhà cấp 4 kế bên nhà cũ. Bà Huỳnh Thủy Lệ, con ruột bà Hện, hoàn toàn không đóng góp công sức cũng như tiền của để xây nhà và cây trồng trên đất.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng cưỡng chế thi hành án theo yêu cầu (ảnh trái) và cụ Bùi Thị Hện đang thu dọn ve chai nhặt được. |
Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2015, bà Hện đến xã Định Hiệp chăn trâu, ở luôn tại đồng nên tạm giao bà Lệ quản lí trông coi nhà, nhưng bà Hện vẫn thường xuyên đi lại.
Đến năm 2015, giữa hai mẹ con xảy ra mâu thuẫn, bà Lệ bỏ ra ngoài sinh sống. Lúc này, bà Hện mới biết toàn bộ tài sản mà bà được cấp sổ đỏ đã bị bà Lệ giả mạo chữ kí của bà để làm Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, sang tên toàn bộ cho bà Lệ năm 2010. Bà Lệ được UBND huyện Dầu Tiếng cấp 5 sổ đỏ gồm các số: CH00162, CH00164, CH00165, CH 00166, CH 00167 cùng ngày 29/6/2010.
Bà Hện uất nghẹn: “Tôi không kí hoặc lăn tay vào 3 Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 29/4/2010. Việc này do con gái tôi hoàn toàn giả mạo để chiếm đoạt tài sản (2 sổ đỏ số T081424, và số AM560488, nói trên)”.
Từ khi xảy ra tranh chấp, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày bà Hện sống trong nỗi lo lắng, sợ sệt bị chính con mình rứt ruột đẻ ra đánh đập đến chấn thương đầu, tay, chân. Thậm chí, khi ra vườn cạo mủ cao su bán lấy tiền mua gạo, bà Hện bị bà Lệ hất đổ, có khi còn ụp cả thùng mủ cao su vào đầu. Bà Hện phải lượm ve chai để sống qua ngày.
Hồi kết đau lòng!
Trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi, bà Lệ nói: “Mặc dù, tất cả tài sản hiện nay mà bà có được đều có nguồn gốc từ bà Hện là mẹ ruột của mình, nhưng vì lo sợ bà Hện sẽ cho “con nuôi, cháu nuôi”, nên đã gây áp lực buộc bà Hện phải cho mình”.
Hơn một ngàn ngày, trải qua 4 lần xét xử tại tòa án 2 cấp của tỉnh Bình Dương, bà Hện, ở tuổi đã gần đất xa trời, một thân một mình lặn lội kêu cứu các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bình Dương mong đem sự việc ra ánh sáng, làm sáng tỏ vụ việc bất luân thường đạo lí mà chính người con gái ruột duy nhất của mình gây ra, nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, Bản án Phúc thẩm số 48/2019/DS-PT ngày 2/4/2019 của TAND tỉnh Bình Dương vẫn tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hện.
Ngày 20/6/2019, buổi cưỡng chế giao tài sản của bà Hện cho bà Lệ đã xong. Không nói về phán quyết của Tòa án, cũng như chuyện thắng thua chốn pháp đình, điều khiến nhiều người day dứt, băn khoăn là tình cảm gia đình, tình mẹ - con, tình bà - cháu ruột thịt. Mỗi người chúng ta không ai tự sinh ra và lớn lên. Chúng ta được sống, được yêu thương và trưởng thành trong vòng tay của ông bà, ba mẹ, anh chị em, những người cùng chung dòng máu. Bỏ qua chuyện ai đúng, ai sai, bởi đúng, sai thì vụ kiện cũng đã khiến họ đánh mất cái quý giá nhất trên đời, đó là “Tình thâm”.
Buổi cưỡng chế kết thúc, người dân hiếu kì lục đục ra về. Bà Hện đi trước, khi ngang qua con gái và người thân con cháu, nhưng không một ánh nhìn, nhạt nhẽo như người dưng. Một sự thật xót xa “vì đất mà chia cắt tình thâm”.