Nhiều căn cứ để NCT đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 13/06/2024 10:04
Nội dung vụ án
Trong các ngày 13/3/2024 và 22/3/3024, TAND TP Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, giữa nguyên đơn là bà Châu Thị Tuyết Lan và bị đơn là cụ Lê Thị Tiền, 80 tuổi.
Theo nguyên đơn là bà Lan: Bị đơn viết “Giấy mượn tiền” ghi ngày 5/12/2020 có mượn của nguyên đơn số tiền 5.300.000.000 đồng, cam kết: Từ ngày 5/12/2020 đến ngày 5/12/2021 sẽ bán nhà trả hết số nợ (một lần) và bị đơn giao bản chính giấy tờ căn nhà ở đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho nguyên đơn giữ. Khi nào bị đơn trả hết nợ thì nguyên đơn trả lại giấy tờ nhà. Bị đơn không thực hiện cam kết, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn trả nợ gốc và tiền lãi phát sinh do chậm trả với lãi suất 10%/năm (tạm tính đến 11/8/2023 là 1.420.109.589 đồng; tổng cộng là 6.720.109.589 đồng).
Chứng cứ là giấy xác nhận nợ do bà Lan viết, thể hiện số tiền là 1.470.000.000 đồng, đây là số tiền bao gồm tiền nợ gốc và tiền lãi phát sinh cộng gộp lại (bà Lan thừa nhận do bà tự viết trong các phiên làm việc tại Tòa án và tại phần xét hỏi trong phiên tòa sơ thẩm). |
Phía bị đơn trình bày: Từ năm 2015 đến ngày 27/11/2017, bị đơn nhiều lần vay tiền của nguyên đơn, tổng số tiền là 1.470.000.000 đồng. Đến năm 2019, bị đơn vay thêm 305.000.000 đồng để làm giấy tờ nhà. Tổng cộng nhận tiền vay của nguyên đơn là 1.775.000.000 đồng. Do đó, bị đơn yêu cầu toà xác định chỉ nợ nguyên đơn số tiền này; tuyên bố các giao dịch theo các giấy mượn tiền ngày 22/01/2019, 23/6/2019 và 5/12/2020 là vô hiệu, đồng thời yêu cầu nguyên đơn phải trả lại giấy tờ nhà.
Bản án Sơ thẩm số: 472/2023/DS-ST ngày 19/9/2023 của TAND quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tuyên xử: Chấp nhận: Một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; một phần yêu cầu phản tố của bị đơn. Cụ Tiền còn nợ bà Lan số tiền nợ gốc 1.775.000.000 đồng; cụ Tiền trả cho bà Lan tiền nợ gốc và lãi, gồm: Nợ gốc là 1.775.000.000 đồng; nợ lãi: 288.437.500 đồng; tổng cộng: 2.063.437.500 đồng. Buộc bà Lan trả lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CHO 1288 do UBND quận Tân Bình cấp ngày 14/10/2019 cho cụ Tiền.
Bản án Phúc Thẩm số: 219/2024/DS-PT ngày 22/3/2024 của TAND TP Hồ Chí Minh, tuyên xử: Sửa Bản án Sơ thẩm số: 472/2023/DS-ST ngày 19/9/2023 của TAND quận Tân Bình; buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền 6.243.835.616 đồng; chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn: Buộc bà Lan giao trả cho bị đơn bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không chấp nhận yêu cầu của bị đơn: Tuyên bố các giao dịch theo các giấy mượn tiền đề ngày 22/01/2019, 23/6/2019 và 5/12/2020 là vô hiệu.
Quan điểm của luật sư
Về Bản án Phúc thẩm số: 219/2024/DS-PT ngày 22/3/2024 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” của TAND TP Hồ Chí Minh”, luật sư Phạm Trung Kiên, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Quang Trung, thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, đại diện theo ủy quyền của cụ Lê Thị Tiền là bị đơn trong vụ án, nêu quan điểm:
“Phán quyết của TAND TP Hồ Chí Minh, đã chủ đích không xem xét các chứng cứ là Giấy xác nhận nợ do chính bà Tuyết Lan viết, thể hiện số tiền là 1.470.000.000 đồng. Đây là số tiền đã bao gồm tiền nợ gốc và tiền lãi phát sinh cộng gộp lại (bà Lan đã thừa nhận do bà tự viết trong các phiên làm việc tại Tòa án và tại phần xét hỏi trong phiên tòa sơ thẩm). Hơn nữa, phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào sự thừa nhận và tự nguyện của nguyên đơn trong việc đồng ý trả cho bà Lan nhiều hơn số tiền theo giấy xác nhận nợ (đồng ý trả số tiền 1.775.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ) bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã tính lãi chậm trả dựa theo số tiền trên là đang có lợi cho bà Lan, vì đang được hưởng “tiền lãi mẹ đẻ lãi con’’, với tổng số tiền theo phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm là: 2.063.437.500 đồng.
Trong tất cả các buổi làm việc tại Tòa án và trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, cụ Tiền không bao giờ thoái thác trách nhiệm trả đầy đủ tiền nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật cho nguyên đơn, việc này đã được Tòa án ghi nhận bằng Biên bản tại các buổi làm việc.
Bị đơn hoàn toàn không đồng ý việc nguyên đơn bà Lan khởi kiện yêu cầu trả tiền vay nợ gốc: 5,3 tỉ đồng và tiền lãi chậm trả tính từ ngày 5/12/2021 đến ngày Tòa án xét xử. Bị đơn cho rằng, số tiền này hoàn toàn bịa đặt, nghi ngờ có dấu hiệu giả tạo chứng cứ, vì hoàn toàn không có sự thỏa thuận, giao nhận tiền, kí kết văn bản. Bị đơn chỉ thừa nhận tiền theo giấy xác nhận nợ là: 1.470.000.000đồng và tiền 305.000.000đồng là tiền vay để làm giấy tờ nhà thuộc sở hữu riêng của bị đơn và nhà của bà Thanh (em gái) vào tháng 9/2019. Sau khi hoàn thành thủ tục làm chủ quyền nhà, bị đơn sẽ bán để trả nợ toàn bộ tiền gốc và tiền lãi cho bà Lan.
Bị đơn hoàn toàn không biết tiền đang nợ bà Lan là 5,3 tỉ đồng và cũng không có bất cứ giấy tờ nào thể hiện bị đơn vay bà Lan số tiền này.
Giấy mượn tiền viết tay đề ngày 5/12/2020 |
Tôi nghi ngờ có dấu hiệu giả tạo về chữ viết, chữ kí của người mượn tiền trong các Giấy mượn tiền viết tay đề ngày 5/12/2020 với nội dung: “Tôi có mượn số tiền 5.300.000.000đ của bà Châu Thị Tuyết Lan từ ngày 5/12/2020 đến ngày 5/12/2021 tôi bán nhà sẽ trả hết số tiền trên cho cô Tuyết Lan một lần,….”. Ngoài giấy mượn tiền nói trên, còn có giấy mượn tiền đề ngày 22/1/2019 cũng nghi ngờ có sự giả tạo chữ viết, chữ kí của người làm chứng là bà Thanh, nội dung: “Tôi có mượn số tiền 4.000.000.000 đồng của cô Châu Thị Tuyết Lan từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019 tôi bán nhà sẽ trả hết số tiền cho cô Tuyết Lan”. Và giấy mượn tiền đề ngày 23/6/2019, với nội dung: “Tôi có mượn số tiền 350.000.000 đồng của cô Châu Thị Tuyết Lan, tôi hứa bán nhà sẽ trả hết số tiền mượn và tiền lãi cho cô Tuyết Lan”.
Phía bị đơn, dễ dàng nhận thấy có dấu hiệu thể hiện: Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử cùng đại diện Viện Kiểm sát đã hướng dẫn gợi ý nguyên đơn; luật sư bảo vệ nguyên đơn. Toàn bộ các câu hỏi - cách trả lời; hướng dẫn nguyên đơn, luật sư của nguyên đơn loại bỏ các chứng cứ khởi kiện, toàn bộ các tình tiết, tài liệu chứng cứ nguyên đơn đã khai báo, thừa nhận tại phiên tòa Sơ thẩm đã bị Hội đồng xét xử bác bỏ tại phiên tòa Phúc thẩm, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, là thể hiện dấu hiệu thiếu công tâm khi xét xử, gây bất lợi cho bị đơn.Về nghi ngờ có sự giả mạo chữ viết, chữ kí và lời khai của người làm chứng ông Nguyễn Văn Ninh (chồng của nguyên đơn, bà Châu Thị Tuyết Lan). Nội dung Bản án phúc thẩm đã tuyên thể hiện ông Ninh là chồng của bị đơn là hoàn toàn không đúng.
Giấy mượn tiền đề ngày 23/6/2019, bị đơn đang yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết, chữ kí. |
Bên cạnh đó nguồn tài liệu, chứng cứ và cách thức thu thập mẫu, các mẫu so sánh đối chứng niêm phong gửi đi trưng cầu giám định chữ viết, chữ kí trên các tài liệu chứng cứ do một phía bên nguyên đơn cung cấp cho cơ quan TAND quận Tân Bình có dấu hiệu chưa khách quan, chưa đúng quy định của pháp luật. Do đó, Kết luận Giám định số: 4534/KL-KTHS ngày 3/10/2022 của Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh, kết luận về đối tượng giám định thể hiện không chính xác, đang gây bất lợi và thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế cho bị đơn.
Bản án Phúc thẩm chỉ dựa theo kết luận giám định và chứng cứ duy nhất là giấy mượn tiền thể hiện 5.300.000.000 đồng để tuyên bị đơn trả cho nguyên đơn tiền gốc và lãi hơn 6,2 tỉ đồng là thiếu căn cứ, không công tâm, có dấu hiệu của việc che giấu thông tin, tài liệu chứng cứ và “ép” bị đơn. Bởi 3 giấy mượn tiền gửi đi trưng cầu giám định là độc lập nhau, không có văn bản nào thể hiện là đã thỏa thuận hủy bỏ 1 trong 3 giấy mượn tiền này. Lập luận của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là các bên đã có thỏa thuận hủy bỏ là không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Nguyên đơn đã trình bày tại các bản tự khai, phần tranh luận xét hỏi công khai tại phiên tòa Sơ thẩm, phiên tòa Phúc thẩm. Nguyên đơn đều thừa nhận nguồn gốc số tiền 5,3 tỉ đồng cho vay mượn này là từ các giấy mượn tiền trước hủy bỏ và viết lại tổng hợp 1 tờ duy nhất là 5,3 tỉ đồng. Nếu giấy mượn tiền 5,3 tỉ đồng này là hợp pháp thì việc tính lãi trên số tiền này là trái quy định của pháp luật (tính lãi gốc + lãi suất vay) song lại tính thêm nhiều lần lãi nữa là “lãi chồng lãi”.
Tôi nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo chữ viết, chữ kí của 3 giấy mượn tiền gửi đi trưng cầu giám định nêu trên không phải do cụ Tiền viết, kí tên và cũng không phải chữ kí, chữ viết của người làm chứng bà Lê Thị Thanh (em gái cụ Tiền). Để tránh oan sai cho bị đơn, các chứng cứ là các giấy mượn tiền này phải được trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại và việc thu mẫu chữ kí, chữ viết của bị đơn, người làm chứng phải được thu mẫu, niêm phong trực tiếp tại cơ quan Tòa án, có sự hỗ trợ từ cơ quan thực hiện việc giám định mới bảo đảm khách quan; việc yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại này bị đơn và người làm chứng bà Thanh đã có yêu cầu ngay tại phiên tòa và bà Thanh cũng có văn bản kêu cứu gửi Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Phần xét hỏi tại phiên tòa Phúc thẩm bị đơn nêu ý kiến, hoàn toàn không đồng ý với kết quả giám định chữ viết, chữ kí và xin được trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nhưng tất cả đều không được Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa chấp nhận và thư kí ghi lại ý kiến vào trong biên bản phiên tòa. Vì trước khi Tòa tuyên án dự kiến vào ngày 22/3/2024, phía bị đơn đã nghi ngờ có sự không công tâm khi ban hành bản án, ngay lập tức bị đơn đã có đơn khiếu nại Kết luận giám định gửi Phân viện Khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh ngày 15/3/2024. Nhưng đến ngày 22/4/2024 mới có Công văn trả lời số: 480/CV-C09B. Việc Tòa án cấp Phúc thẩm không cho bị đơn thực hiện quyền giám định bổ sung, giám định lại là có dấu hiệu vô tình tước đi quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, gây thiệt hại về kinh tế cho bị đơn.
Phía bị đơn kính mong nhận được sự đồng ý xem xét, giải quyết khách quan của Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh để đánh giá lại các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án nói trên; qua đó, ban hành Quyết định kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự Phúc thẩm đã có hiệu lực nói trên, để được xét xử Phúc thẩm lại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là người cao tuổi đang mang trong mình bệnh trọng (bệnh ung thư xương - có hồ sơ bệnh án) và là người có quốc tịch nước ngoài, được pháp luật bảo vệ”.