Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre: Cần chấm dứt ngay thói sách nhiễu, hành dân (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 14/05/2021 09:11
Chưa hết, khi bị Chi cục THADS huyện Ba Tri trả hồ sơ, vị luật sư thực hiện công việc uỷ quyền cho ông Cường đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Ba Tri nộp đầy đủ hồ sơ và đơn yêu cầu cấp sổ đỏ. Người nhận hồ sơ là bà Hằng, cán bộ văn phòng tiếp nhận từ ngày 10/12/2020. Tại đây, vị luật sư xin biên nhận, bà Hằng và một cán bộ nam ngồi bên cạnh trả lời: “Khỏi cần biên nhận, ở đây chúng tôi nhận dùm thôi”. Chờ đợi sau 4 tháng, đến ngày 6/4/2021, Phòng TN&MT huyện mới có Văn bản số: 436/PTNMT-QLĐĐ gửi Chi nhánh Đăng kí đất đai (ĐKĐĐ) huyện Ba Tri với nội dung: “Đề nghị Chi nhánh ĐKĐĐ huyện Ba Tri xem xét, thực hiện thủ tục đo đạc tách thửa, hợp thửa đất theo yêu cầu của người sử dụng”. Trong văn bản này có 13 trường hợp, trong đó có trường hợp của bà Lê Thị Tám (chủ đất) bán cho ông Bạch Vĩnh Cường. Điều đáng lên án đối với bà Đỗ Thị Liễu, cán bộ thuộc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Ba Tri như “nhà tiên tri cực giỏi”. Vì ngày 6/4/2021, Phòng TN&MT huyện mới có văn bản kèm theo chuyển 13 bộ hồ sơ sang Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Ba Tri. Vậy mà trước đó 18 ngày (tức ngày 17/3/2021), bà Liễu đã gọi điện thoại thông báo cho vị luật sư của ông Cường đem hồ sơ nộp trực tiếp cho bà tại trụ sở Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Ba Tri. Rồi bà phát cho một “Phiếu tiếp nhận và trả kết quả”. Người nộp hồ sơ xin biên nhận, bà Liễu cũng trả lời như hai cơ quan nêu trên “Ở đây không có biên nhận nhận hồ sơ, chú về nhà chờ, đến hẹn lại lên”. Trong khi bà Liễu phát phiếu tiếp nhận từ ngày 17/3/2021 và hẹn tới ngày 29/4/2021 (gần một tháng rưỡi). Vị luật sư và nhà báo đi cùng ai cũng lắc đầu. Với miếng đất trống hơn 400m2 nằm giữa bãi cỏ, phía trước là Huyện lộ 14 đổ nhựa, ba bên đều có nhà dân và tường rào xây sẵn. Vậy mà bà Liễu phải hẹn tới 1 tháng 13 ngày sau mới đo đạc được!?
Trụ sở Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Ba Tri. |
Giấy hẹn “một đàng”, nhưng thực tế bà Liễu làm “một nẻo”. Ngày 22/4/2021, tuy chưa đến hẹn nhưng bà Liễu đã chỉ đạo cho một người ngoài cơ quan tên là Nguyễn Văn Hoà chủ động gọi điện thoại cho luật sư: “Hãy xuống văn phòng một cửa nộp đơn xin đo đạc để được đo đất làm sổ đỏ.” Sáng hôm sau, ông Cường và luật sư của ông xuống tại hiện trường theo lời hướng dẫn của ông Hoà. Đến hiện trường, do cái cột mốc phía sau khu đất cơ quan Toà án đo trước đó đã bị xê dịch nên ông Hoà bỏ về không thực hiện đo đạc, với lí do: “Cột mốc ranh không có”, rồi lập một biên bản huỷ Đơn yêu cầu đo đạc.
Nỗi khổ và nỗi đau!
Khoảng một tuần sau đến hẹn lại lên, ông Hoà lại điện thoại cho vị luật sư của ông Cường đến “Văn phòng một cửa” tức trụ sở Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Ba Tri nhận “Biên bản huỷ đơn yêu cầu đo đạc” lần 1 rồi tiếp tục rút hồ sơ ra và viết đơn “xin yêu cầu” đo đạc lần 2 và rút hồ sơ ra nộp cho phía ông Hoà đo đạc khỏi cần nộp vào Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ của huyện. Đến thời điểm này không biết ông Hoà là ai, ông đi đo đạc đất có pháp nhân hay không, kết quả của ông đo có giá trị pháp lí hay không? Tất cả thông tin về ông Hoà không ai biết mà duy chỉ có bà Liễu biết rõ. Người dân địa phương cho rằng, ông Hòa là “cò đo đạc”. Chính vì thế mà khi đến trụ sở Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Ba Tri, phía luật sư của ông Cường đành “ngậm đắng” cho qua chuyện và xin rút hồ sơ ra kèm với lá đơn mới “yêu cầu xin đo đạc lần 2”. Tại đây bà Liễu đã xử lí vụ việc và trả lời một cách rất mơ hồ. Bà Liễu đòi hỏi người dân những chuyện hết sức phi lí. Bà Liễu ép người nộp hồ sơ phải làm trái các quy định của pháp luật. Theo bà Liễu: “Bộ hồ sơ hôm trước chú nộp vào đây là để tôi lưu lại. Nay muốn đo đạc lần 2 thì phải nộp tiếp đơn xin đo đạc mới và nộp thêm một bộ hồ sơ nữa...”. Vị luật sư của ông Cường giải thích: “Hôm trước tôi đã nộp cho bà một bộ hồ sơ đầy đủ. Lần một chưa đo đạc được thì nay chúng tôi đóng cột mốc rồi, tiếp tục đo đạc thôi. Tại sao bà buộc tôi phải nộp thêm một đơn mới và một bộ hồ sơ mới là căn cứ vào luật nào vậy ?”. Bà Liễu khoát tay: “Nếu chú không nộp thì tôi sẽ không nhận đơn và không giải quyết. Vậy thôi!”. Trước tình thế “nan giải” vị luật sư đành “ngậm đắng” tuân lệnh và nộp thêm một bộ hồ sơ mới. Lúc này bà Liễu, mới kí tên giao “Phiếu hẹn” lần thứ hai có thời hạn từ ngày 27/4 đến 9/6/2021 (gần một tháng rưỡi). Khi thấy kiểu cách làm việc và cách hành xử trong giao tiếp cũng như những lí lẽ giải thích và ép buộc của bà Liễu, luật sư đã 4 lần yêu cầu xin gặp ông Hải, Trưởng Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Ba Tri để được giải thích vụ việc. Lúc này bà Liễu kiên quyết không cho gặp mà bà ta chỉ vị luật sư này vào trong hội trường cơ quan rồi cũng chính bà Liễu ra tiếp và khẳng định: “Ở đây quy định của cơ quan là vậy đó!”. Chính hành vi bà Liễu cố ý làm trái mà bà ta lại trực tiếp giải quyết khiếu nại của khách hàng(!?)
Vì quá bức xúc với kiểu làm việc “kì lạ” này, chiều 27/4/2021, vị luật sư cùng ông Cường trở về TP Bến Tre với quãng đường 50 km, đến gặp ông Trí, Trưởng Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Bến Tre phản ảnh vụ việc. Chờ đợi gần 2 tiếng đồng hồ, ông Trí mới xuất hiện, chỉ tay: “Tôi không biết anh là ai cả, nếu có khiếu nại gì thì cứ nộp đơn và đăng kí dưới bộ phận tiếp dân ở dưới đất, rồi chờ ngày hẹn”.
Sau đó ông Trí điện thoại cho ông Hải sẽ trực tiếp giải quyết công việc của ông Cường.
Sáng ngày 29/4/2021, ông Cường cùng luật sư có mặt tại điểm hẹn thì ông Hải đã “biệt tăm” không có mặt ở văn phòng làm việc. Ông Cường và luật sư yêu cầu bà Liễu (người trực tiếp nhận hồ sơ) trả lại 2 đơn và 2 bộ hồ sơ. Bà Liễu trả lại hồ sơ, nhưng bộ hồ sơ nộp trước đã bị mất 1 Hợp đồng uỷ quyền. Khi được hỏi lí do, bà Liễu cho rằng đã thất lạc ở đâu chưa tìm thấy (!?).
Không cần đo đạc vẫn được cấp sổ đỏ!
Đối với trường hợp này đã có 2 bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành. Trước khi đưa vụ án ra xét xử, cả 2 cấp Toà án tỉnh Bến Tre đã có văn bản trưng cầu các cơ quan chức năng đo đạc có sự chứng kiến, xác nhận của đại diện chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, kèm theo hoạ đồ, diện tích, vị trí, số thửa, tờ bản đồ... Khi cơ quan Toà án đưa ra xét xử là “Nhân danh nước CHXHCN Việt Nam” đại diện chủ thể đặc biệt. Do vậy, khi thi hành quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật thì Văn phòng ĐKĐĐ không được phép đo đạc lại. Bởi các lí do sau:
Một là, nếu đo đạc lại theo như “ý muốn” của Văn phòng ĐKĐĐ mà có sự chênh lệch một vài mét vuông đất hay một vài tấc đất thì bản án cũng không thể thi hành được.
Hai là, trong trường hợp hai bên mua bán có sự đoàn kết, hiệp thương kí giáp ranh đóng cọc mốc với các hộ xung quanh rất dễ dàng. Ngược lại, các bên thiếu thống nhất, thậm chí còn tỏ thái độ lật lọng, lừa đảo như trường hợp của ông Trí (cháu bà Tám) thì không thể nào đo đạc hoặc kí giáp ranh được.
Thứ ba, Một khi cơ quan Toà án đại diện chủ thể đặc biệt đã tiến hành đo đạc và thu tiền rồi. Nội dung bản án phải thi hành cũng không có gì thay đổi thì việc đòi hỏi đo đạc lại diện tích để thu tiền thêm lần 2, lần 3... của Văn phòng ĐKĐĐ đều không hợp pháp và không có giá trị pháp lí.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, trường hợp của bà Lê Thị Tám bán đất cho ông Bạch Vĩnh Cường. Đề nghị Phòng TN&MT huyện Ba Tri buộc ông Võ Văn Trí và bà Lê Thị Tám phải trả lại sổ đỏ cũ để ông Bạch Vĩnh Cường có hồ sơ làm thủ tục chuyển đổi sở hữu chủ. Trong trường hợp ông Trí không chịu nộp thì đề nghị Phòng TN&MT huyện làm tờ trình đề nghị UBND huyện ra thông báo huỷ sổ đỏ để tiến hành cấp sổ đỏ mới cho ông Bạch Vĩnh Cường theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.