Hưng Yên: Bản án “3 không” ở tòa án huyện Khoái Châu
Pháp luật - Bạn đọc 11/06/2020 06:53
Bản án được ném vào sân nhà(!?)
Tháng 5/2020, bà Trần Thị Thanh Hương ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên như ngồi trên đống lửa, vì bất ngờ nhận được Quyết định thi hành hình phạt 2 năm cải tạo không giam giữ và phải bồi thường theo phán quyết của TAND huyện Khoái Châu.
Theo tường trình của bà Hương: Ngày 18/5/2020, bà Hương nhận được quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ, là một phần trích lục Bản án Hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4/2020 của TAND huyện Khoái Châu được ai đó đóng phong bì ném vào trong sân nhà. Trong đó có nội dung bị tuyên phạt 2 năm cải tạo không giam giữ về tội danh “Làm nhục người khác” và khấu trừ 15% thu nhập hàng tháng để sung quỹ nhà nước, với mức 645.000 đồng/tháng, thời gian áp dụng 24 tháng.
Nhận được các hình phạt nêu trên khiến cho bà Hương và gia đình vô cùng bức xúc. Bà Hương cho biết: “Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án “Làm nhục người khác” nhưng bà không được tham gia hỏi cung, không được tham gia phiên tòa xét xử và không nhận được bất cứ văn bản nào từ các cơ quan tố tụng huyện Khoái Châu, để rồi họ kết án tôi một cách vô lý, bất chấp pháp luật, mặc dù tôi vẫn sinh sống bình thường tại nơi cư trú”.
Cũng theo bà Hương, Cơ quan Cảnh sát điều tra trong quá trình thụ lý, điều tra đã không tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Điều vô lý hơn nữa, bản thân bà Hương bị khởi tố tội “Làm nhục người khác”, nhưng lại không nhận được kết luận điều tra, không nhận được cáo trạng bị truy tố về tội danh gì, hình phạt về tội danh đó như thế nào. Điều này đã cản trở và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền khiếu nại, tố cáo liên quan đến nội dung cáo trạng và các văn bản tố tụng khác.
“Việc TAND huyện Khoái Châu xét xử vắng mặt tôi là trái pháp luật, mà còn không giao bản án theo đúng quy định (ném vào sân) đã xâm phạm đền quyền kháng cáo của tôi”, bà Hương nói trong nước mắt.
Phiên tòa “3 không” nhưng vẫn ra được bản án
Ngày 16/4/2020, TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đưa ra xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Thị Thanh Hương, với tội danh “Làm nhục người khác”. Phiên tòa diễn ra một cách rất đặc biệt khi chỉ có Hội đồng xét xử gồm: Thẩm phán chủ tọa, Hội thẩm Nhân dân, đại diện Viện KSND. Trong khi bị cáo, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt.
Theo Bản án số: 23/2020/HSST, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 7 giờ ngày 23/7/2018, tại khu đất trống của bà Nguyễn Thị Lan, ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, Khoái Châu được anh Nguyễn Văn Thiết (trú cùng thôn) mượn để trộn vữa xây dựng tường rào và tập kết vật liệu xây dựng. Khoảng 30 phút sau, bà Nguyễn Thị Dịu (là chị ruột của chồng bà Nguyễn Thị Lan) cùng các con là Trần Thị Thanh Hương, Trần Văn Tưởng, Trần Thị Minh đi đến, điều khiển xe ba bánh chở các bao dứa bên trong có chứa phân lợn đổ xuống đống cát và vữa nhằm không cho xây dựng tường rào. Thấy vậy bà Lan đã ra ngăn cản liền bị bà Hương cự cãi, chửi bới bằng nhiều câu không được lịch sự. Bà Lan bực tức xông vào tát Hương khiến hai bên giằng co làm rách áo bà Lan. Sự việc tiếp tục lời qua tiếng lại giữa hai bên. Trong khi bà Hương đổ các bao phân lợn vào phần đất nhà bà Lan để ngăn không cho xây dựng tường rào, bà Lan ra can ngăn và bị Hương cầm bao tải dứa dính phân vụt vào bà Lan, làm xước gò má phải, dùng tay bốc phân ném trúng người bà Lan….
Cũng theo Bản án số 23, do bà Hương có hành vi chửi rủa, lăng mạ, giằng xé áo, bốc phân lợn ném vào người bà Lan, khiến cho bà Lan bị xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm. Cùng ngày bà Lan làm đơn yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi làm nhục người khác và được Cơ quan CSĐT Công an huyện Khái Châu thụ lý, điều tra…
Nguyên nhân của sự việc xô xát nêu trên là do bà Nguyễn Thị Dịu với em trai mình là ông Nguyễn Văn Thêm (chồng bà Nguyễn Thị Lan) có tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất. Mặc dù vụ việc đã được giải quyết, nhưng giữa các bên đều không hài lòng nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Theo TAND huyện Khoái Châu, trong quá trình điều tra, truy tố bị can Hương cùng những người liên quan không nhận văn bản tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng gửi, không chấp hành yêu cầu theo giấy triệu tập. Mặc dù Cơ quan CSĐT Công an huyện đã thực hiện việc dẫn giải người bị kiến nghị khởi tố (là bà Hương) nhưng không thực hiện được. Tại bản cáo trạng số 09/QĐ-VKS-HS ngày 30/12/2019 của Viện KSND huyện Khoái Châu đã truy tố bị cáo Trần Thị Thanh Hương về tội “Làm nhục người khác” theo Khoản 1, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Mức án mà bị cáo Trần Thị Thanh Hương bị tòa xử phạt là 2 năm cải tạo không giam giữ. Khấu trừ 15% thu nhập hàng tháng đối với bị cáo để bổ sung công quỹ Nhà nước với mức 645.000 đồng/tháng, thời gian phải khấu trừ là 24 tháng; giao cho chính quyền sở tại nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục; buộc bị cáo phải xin lỗi, bồi thường cho bà Nguyễn Thị Lan 3.000.000 đồng.
Theo giải thích từ TAND huyện Khoái Châu, lý do bị cáo, bị hại (có đơn đề nghị), người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt trong phiên xét xử là do ý thức coi thường pháp luật chứ không phải vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây cản trở việc xét xử. Do vậy HĐXX vẫn tiến hành đưa vụ án ra xét xử và tuyên án.
Dấu hiệu vi phạm tố tụng?
Sau khi nghiên cứu vụ việc và bản án đã tuyên đối với bị cáo Trần Thị Thanh Hương - Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nói ông cảm thấy “sởn gai ốc” khi phiên tòa hình sự sơ thẩm 3 không nhưng vẫn tuyên được bản án là việc làm rất kỳ lạ, chưa có tiền lệ.
“Xã hội đã có tình trạng mua bán hóa đơn “khống” thì nay lại đến lượt có một bản án “khống”. Phiên xử đúng vào thời điểm cả nước đang thực hiện giãn cách phòng dịch Covid -19 là vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng. Tôi đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm để có được công tâm, khách quan và thuyết phục”, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo điều 290, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa: “Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo”...
Theo Luật sư Bùi Thị Hồng Giang, Công ty Luật TNHH Bùi Gia và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên chỉ có thể đưa vụ án ra xét xử mà vắng mặt bị cáo, bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nếu Toà án đã tống đạt hợp lệ Giấy triệu tập và xét thấy đây là trường hợp phạm tội đơn giản, ít nghiêm trọng và bị cáo đã nhận tội, có đầy đủ lời khai của bị hại, người làm chứng tại hồ sơ vụ án theo đúng trình tự thủ tục tố tụng.
Tuy nhiên theo như trình bày của bà Trần Thị Thanh Hương, xuyên suốt quá trình điều tra vụ án, bà không được cơ quan tố tụng hỏi cung, không tiếp cận được cáo trạng, luận tội, không được triệu tập đến phiên tòa xét xử (mặc dù vẫn sinh sống bình thường tại nơi cư trú), nhưng vẫn bị tuyên án và chịu hình phạt là điều rất bất thường. Thậm chí cách đây 1 tuần, ngày 28/5/2020, gia đình bà Hương lại tiếp tục nhận được quyết định thi hành án ném vào sân nhà.
Sự có mặt tại phiên tòa là quyền và nghĩa vụ của bị cáo, vì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có quyền bào chữa trước tòa. Sự có mặt của bị cáo tại phiên toà là bắt buộc, nhằm thực hiện nguyên tắc xét xử trực tiếp; bảo đảm cho Tòa án xác định sự thật khách quan và tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo thực hiện quyền bào chữa tại phiên tòa theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng như do không nhận được giấy triệu tập của Tòa án, vì ốm đau, vì thiên tai không đến được phiên tòa thì phải hoãn phiên tòa - Luật sư Bùi Thị Hồng Giang cho biết.