Vi phạm tố tụng, TAND Cấp cao hủy bản án sơ thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 28/07/2021 17:48
Theo bà Nguyễn Thị Dịu, sinh năm 1954, ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, bà Trần Thị Thanh Hương (con gái bà Dịu), bị TAND huyện Khoái Châu phạt 2 năm cải tạo không giữ, về tội “Làm nhục người khác”, khấu trừ 15% thu nhập hằng tháng để sung công quỹ, với mức 645.000 đồng/tháng, trong vòng 24 tháng.
Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4/2020, của TAND huyện Khoái Châu cho rằng, bị cáo Hương và gia đình tranh chấp quyền thừa kế sử dụng đất với bà Nguyễn Thị Lan cùng ở thôn Đức Nhuận. Ngày 23/7/2018, hai bên có xô xát, bà Hương có hành vi bốc phân lợn ném vào bà Lan.
Bà Hương cho rằng, nội dung sự việc không đúng như cơ quan tố tụng huyện Khoái Châu công bố. Sự thật là, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 23/7/2018, sau khi phát hiện gia đình ông Thiết đang cho thợ xây dựng hàng rào, trên khu đất đang tranh chấp thừa kế, nên bà Dịu cùng các con: Trần Thị Thanh Hương, Trần Văn Tưởng, Trần Thị Minh dùng xe ba bánh chở phân lợn đến đổ lên đống cát và vữa xây, nhằm ngăn cản ông Thiết xây dựng. Thấy vậy, bà Lan (vợ ông Nguyễn Văn Thêm, cậu ruột của bà Hương) chạy ra dùng tay xỉa xói, chửi bới, thóa mạ mẹ con bà Dịu: “Dân Thanh Hóa chúng mày chết đói, chết khát ra đây ăn xin ăn mày”.
Luật sư Tạ Đức Thành |
Khi nghe những lời xúc phạm nhân phẩm từ phía bà Lan, bà Hương tiến lại nơi bà Lan đang đứng, để giải thích việc đổ phân lợn xuống đống cát, đống vữa của mẹ con mình. Bà Hương đang giải thích, thì bị bà Lan tát một cái vào má trái, dẫn đến việc hai bên xô xát, chửi nhau. Cả hai được bà Tươi và một số người can ngăn, nên bà Lan đi vào nhà, còn bà Hương ra ngoài đường 377 ngồi chờ ông Tưởng chở xe phân lợn thứ 2.
Thấy bà Dịu và các con tiếp tục đổ xe phân lợn thứ 2, bà Lan lại chạy ra ngăn cản. Không những vậy, bà còn tiếp tục chửi nhau với bà Hương. Không kìm được bực tức, bà Lan bốc phân lợn trên đống cát ném vào mặt, vào người bà Hương. Bị mợ ruột ném phân lợn vào người, bà Hương phản ứng lại, bốc phân lợn ném vào người, vào mặt bà Lan. Cả hai chỉ dừng lại sau khi được mọi người can ngăn. Sự việc diễn ra trong vòng 30 phút, được thể hiện rõ trong video được lưu giữ trong chiếc USB, do ông Nguyễn Văn Thêm giao nộp.
Không lấy lời khai, xét xử vắng mặt bị cáo
Những tưởng đây chỉ là cuộc cãi vã bình thường, mình cũng là người bị hại, nên sau khi được can ngăn, bà Hương cùng với mẹ và ông Tưởng, bà Minh đi về nhà. Hơn một năm sau, ngày 18/5/2020, bà Hương bất ngờ nhận được Quyết định thi hành phạt cải tạo không giam giữ, cùng một phần trích lục Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4/2020, của TAND huyện Khoái Châu.
Bà Hương bức xúc vì trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, bà không được hỏi cung, không được tham gia phiên toà, không nhận được bất cứ văn bản gì từ các cơ quan tố tụng. Bà Hương cho biết: “Cơ quan Cảnh sát điều tra không tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can cho tôi. Do đó, tôi không hề biết bản thân mình bị khởi tố từ khi nào, khởi tố về tội danh gì. Trong giai đoạn điều tra vụ án, tôi không đi khỏi nơi cư trú, không tham gia buổi hỏi cung nào tại Cơ quan điều tra”.
Bà Hương cũng không nhận được Kết luận điều tra, nên mất quyền khiếu nại, tố cáo. Bản thân không tham gia phiên toà, cũng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, nhưng TAND huyện Khoái Châu vẫn xử vào ngày 16/4/2020. Tại Giấy triệu tập bị cáo tại ngoại số 18/CV-TA ngày 7/2/2020, không ghi giờ cụ thể, thẩm phán khi kí giấy là ông Đào Duy Trĩnh, trong khi chủ toạ phiên toà là thẩm phán Bùi Văn Tân.
Ngày 4/6/2020, bà Hương có đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Hưng Yên, nhưng không được chấp nhận, vì cho rằng quyền kháng cáo của bà đã quá hạn. Không đồng tình với các quyết định này, bà Hương gửi đơn lên TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, mặc dù Cơ quan điều tra đã trực tiếp đến nhà ở của bà Hương, để tống đạt các quyết định tố tụng và triệu tập đến Công an huyện Khoái Châu, nhằm thực hiện việc hỏi cung bị can, nhưng bà Hương đều tỏ thái độ chống đối, không nhận bất cứ quyết định nào của Cơ quan điều tra. Song, Cơ quan điều tra cũng không áp dụng biện pháp áp giải, hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác, để lấy lời khai của bị can, từ đó dẫn đến hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào như: bản tự khai, trình bày, biên bản hỏi cung, thể hiện lời khai của bị can Hương.
Mặt khác, hồ sơ vụ án không có biên bản giao kết luận điều tra cho bị can. Như vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Khoái Châu đã không thực hiện đầy đủ về trình tự, thủ tục tố tụng, được quy định tại các Điều 109, 182, 183, 184 và Điều 232 của Bộ luật TTHS.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Viện KSND huyện Khoái Châu vẫn lặp lại những sai sót tương tự, như: Không lấy lời khai của bị can, nhưng vẫn ra Cáo trạng truy tố bà Hương về tội “Làm nhục người khác”...Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm khi nhận hồ sơ vụ án cần phải trả lại, để cơ quan điều tra thực hiện việc điều tra vụ án theo đúng quy định của Bộ luật TTHS. Nhưng TAND huyện Khoái Châu vẫn đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị cáo, là vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng, quy định tại Điều 290 Bộ luật TTHS.
Chính vì vậy, ngày 26/6/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4/2020 của TAND huyện Khoái Châu, đề nghị xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 23, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Nhận định của luật sư
Luật sư Tạ Đức Thành, Công ty Luật Hợp danh The Light, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Căn cứ những chứng cứ vật chất, cụ thể là nội dung video do ông Thêm cung cấp cho cơ quan thi hành tố tụng, thì hành vi của bà Hương không cấu thành tội phạm “Làm nhục người khác”. Mọi hành vi trong vụ việc đều do bà Lan gây ra trước, bà Hương chỉ phản ứng lại. Hơn nữa, chính việc bà Lan thóa mạ mẹ con bà Hương, ra tay tát bà Hương, là nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Mặt khác, những lời lẽ, hành động của cả bà Lan và bà Hương chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, chưa đầy 30 phút.
Hơn nữa do nhận thức có phần còn hạn chế của bà Lan và bà Hương, như những người phụ nữ nông thôn khác, nên chuyện đánh cãi, chửi nhau giữa họ là chuyện bình thường, nhất là khi hai bên có mối quan hệ tình thân (bà Lan là mợ ruột bà Hương). Cũng chính do sự kém hiểu biết, nên bà Hương không ý thức được việc tự bảo vệ sức khỏe, danh dự của bản thân, khiến bà từ bị hại thành bị can. Hành vi của bà Lan và bà Hương chỉ cần xử phạt hành chính, cũng vừa đủ sức răn đe, vừa bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.