Hội viên NCT dân tộc Mông trở thành tỉ phú từ trồng quế
NCT làm kinh tế giỏi 08/08/2023 09:34
Theo chân đoàn cán bộ xã Bản Cái, chúng tôi đến thăm ông Ma A Quả, hội viên Hội NCT, người dân tộc Mông có thu nhập từ quế cao hàng đầu ở huyện.
Qua câu chuyện, ông Ma A Quả cho biết, trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân người Mông khác trong thôn, cuộc sống gia đình ông chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, lúa trên nương đồi Cô Tông - Bản Vàng, chăn nuôi nhỏ lẻ, làm lụng vất vả song vẫn còn nghèo khó. Vốn cần cù, chăm chỉ, lại được tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông lâm nghiệp, nhanh nhạy nắm bắt thị trường. Biết người Dao khu vực hạ huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng có nguồn thu ổn định từ cây quế, ông chịu khó học tập kinh nghiệm trồng quế, mua cây giống, học cách tự ươm lấy giống. Bên cạnh đất đai do cha mẹ để lại, khai hoang, gia đình ông mạnh dạn nhận giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng kinh tế.
Ông Ma A Quả chăm sóc đồi quế của gia đình. |
Từ những năm 1995 - 1996, ông tập trung đầu tư trồng quế, trong đó trồng hàng vạn cây giống trong 3 năm (2004 đến 2006). Lúc cao nhất gia đình ông có gần 15ha quế. Đến nay, gia đình đã thu hoạch và bán nhiều đồi quế, thu về hàng tỉ đồng. Từ số tiền trên, ông đã mua được 2 thửa đất ở Đắk Lắk cho 2 con trai lập nghiệp, trồng cà phê, trị giá trên 4 tỉ đồng. Hiện đồi nhà còn trên 8 vạn cây quế tương ứng khoảng trên 10ha quế, từ 8- 10 năm tuổi đã và đang cho thu hoạch. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình ông bán quế, thu về từ 120 - 150 triệu đồng, trong đó năm 2017- 2018, bán đồi quế lâu năm thu trên 500 triệu đồng. Với nguồn thu như vậy, gia đình ông Ma A Quả là hộ trồng quế lâu năm và diện tích nhiều nhất huyện Bắc Hà.
Bên cạnh trồng quế, gia đình ông còn phát triển chăn nuôi, đặc biệt đưa giống lúa lai, lúa nương đặc sản vào gieo trồng, trung bình mỗi năm thu 8 tấn thóc. Đây là sản lượng lớn đối với hộ nông dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vốn khí hậu khắc nghiệt, chỉ trồng cấy được 1-2 vụ chính/năm.
Kinh tế gia đình khá giả, gia đình ông Quả tích cực giúp đỡ những hộ nghèo người Mông, người Dao trong thôn, xã về cây, con giống, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch cây quế, trồng lúa nước. Theo thống kê của xã, từ 2015 đến nay, trung bình gia đình ông Quả giúp hộ nghèo thông qua hiện vật, cây, con giống trị giá gần 15 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn cho các hộ nghèo vay vốn không tính lãi để có điều kiện đầu tư vào phát triển sản xuất, vươn lên, xây dựng cuộc sống mới ấm no nơi vùng cao Bản Cái.
Ông Triệu Tà Chiều, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Ông Quả là người chăm chỉ, ham học hỏi và nhạy bén nên sớm thấy hiệu quả từ cây quế, lại mạnh dạn đi đầu trong xã đầu tư trồng với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại tích cực giúp đỡ hộ nghèo, xứng đáng là tấm gương sáng, xã đã và đang nêu gương, tuyên truyền, nhân rộng mô hình này nhằm thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới”.