Hội LHPN huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: Quản lý tốt nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Phóng sự 24/03/2022 09:21
Bố Trạch là huyện có địa bàn rộng của tỉnh Quảng Bình, hội viên phụ nữ không chỉ có dân tộc Kinh mà còn có chị em là dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, vì thế công tác quản lý nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH luôn được Ban Thường vụ Hội LHPN huyện quan tâm thực hiện. Tính đến nay Hội LHPN huyện Bố Trạch đang quản lý 6.785 hộ vay với dư nợ 236,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 38,99% tổng dư nợ của cả huyện), tăng so với đầu năm 8,4 tỷ đồng; Nợ quá hạn luôn được ổn định ở mức 0,05%, công tác tuyên truyền tổ viên tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) luôn được chú trọng. Nhờ đó đến nay, số tiền gửi của tổ viên đã đạt 16,7tỷ đồng (nhiều xã, thị trấn đã vận động người vay nâng mức tiền gửi lên từ 200.000-500.000đồng/tháng).
Nhờ quản lý tốt nguồn vốn, nhiều mô hình chăn nuôi do chị em phụ nữ làm chủ đã cho hiệu quả cao |
Bà Nguyễn Thị Trí Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch cho biết: “Để nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nguồn vốn được ủy thác, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã có kế hoạch chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn thực hiện rà soát củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ đến màng lưới làm công tác ủy thác của hội. Hội thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chủ trương về tín dụng chính sách xã hội đến toàn thể hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ, các đối tượng chính sách khác. Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các chị em là thành viên vay vốn, vận động chị em áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất và chăn nuôi, sử dụng vốn có hiệu quả cao nâng cao đời sống gia đình”.
Công tác kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi luôn được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch quan tâm |
Với việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết hợp tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn...nhiều chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh. Theo đó đã phát triển nhiều mô hình có hiệu quả cao như đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng kinh tế. Nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn đầu tư vào các các mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn...cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Đồng thời giúp các gia đình nghèo và cận nghèo khác có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập để cải thiện mức sống.
Điển hình như Mô hình chị Nguyễn Thị Thu, ở thôn Sơn Lý xã Sơn Lộc, từng là hộ cận nghèo chị đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất, từ nguồn vốn của gia đình và nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH gia đình chị đã đầu tư vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợi nái và bò sinh sản, thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/năm, Chị Nguyễn Thị Định hội viên LHPN thôn 5 xã Lâm Trạch đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng chương trình Hộ nghèo để đầu tư dự án chăn nuôi gà. Mỗi năm trừ chi phí mua con giống và thức ăn, gia đình chị cũng còn lãi từ 50 đến 70 triệu/năm. Không chỉ gia đình Chị Định, chị Thu mà nhiều gia đình hội viên khác trên địa bàn huyện vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH cũng đã phát triển có hiệu quả nguồn vốn và thoát nghèo bền vững.
Thông qua kênh ủy thác vay vốn của Hội LHPN huyện, nhiều mô hình chăn nuôi ở huyện Bố Trạch cho thu nhập cao, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống |
“Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay người dân, giúp bà con chủ động đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt đối với Hội LHPN huyện, công tác quản lý và khai thác nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đạt kết quả cao và đáng ghi nhận”, ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bố Trạch cho biết.
Có thể khẳng định, từ hiệu quả của hoạt động ủy thác đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên. Thông qua sinh hoạt chi, tổ hội và hoạt động của tổ tiết kiệm, vay vốn đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ, giúp chị em tự tin hơn trong tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó.