Hoàng hôn không tắt nắng
Phóng sự 29/07/2019 18:22
Ký ức về một thời con gái “kiêu sa”.
Một chiều tháng 7/2019, tôi về thăm gia đình anh Hoàng Quốc An, ở Xóm Chùa Hà, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Câu chuyện của chúng tôi- những người cựu chiến binh, sau chiến tranh trở về, gặp nhau tháng 7 này, không thể không nhắc tới những người thân và đồng đội đã hy sinh, các anh ra đi ngày ấy, mãi không về.
Chuyện về các anh không thể không nhắc nhớ, nhưng còn chuyện về các chị, một nửa cuộc đời của các anh bây giờ ra sao? Người hy sinh thì cũng đã hy sinh, người còn lại, cũng phải sống nốt cuộc đời còn lại.
Những người vợ liệt sĩ, mỗi người đều có gia cảnh riêng. Người thì ở vậy thờ chồng nuôi con, người rẽ bước sang ngang tìm hạnh phúc mới. Nhưng cũng không ít người chiến tranh đi qua, tuổi xuân cũng đi qua, hạnh phúc mới không tới đủ đầy, các chị không tái giá, người thì ở vậy xin con nuôi, người thì tìm cho mình một hạnh phúc đơn côi, có con ngoài giá thú.
Hơn 26 năm trước, tôi đã viết bài về bà Nguyễn Thị Nghiêm- vợ liệt sĩ Đặng Hồng Hiệu, ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nỗi đau của chị Nghiêm là nỗi đau của những thiếu phụ sau chiến tranh, khi người chồng thương yêu mãi mãi không trở về (anh Hiệu hy sinh năm 1965). Năm 1975, địa phương báo tử liệt sĩ Đặng Hồng Hiệu, chị Nghiêm ngày nào là thiếu nữ trẻ trung kiêu sa ở làng, giờ vò võ một mình, không đi bước nữa. Rồi chị nhận bé Đặng Thị Nga làm con nuôi.
Éo le khi bà Nghiêm 55 tuổi, được hưởng chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ, thì mới hay khi đi bộ đội anh Hiệu khai chưa có vợ (vì cưới tảo hôn). Tiếng là người đã có chồng nhưng đến giờ khi gần 80 tuổi, bà Nghiêm vẫn là người phụ nữ trinh nguyên chưa có một đêm hạnh phúc làm vợ.
Cũng vì chuyện tình éo le của vợ chồng liệt sĩ Hiệu, cách đây 26 năm, tôi đã viết bài báo về nỗi đau của người vợ liệt sĩ sau chiến tranh, giúp bà Nghiêm được hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng của chồng.
Nghe tôi kể câu chuyện về bà Nguyễn Thị Nghiêm vợ liệt sĩ Đặng Hồng Hiệu, anh An nói, ở xóm nhà tôi có bà Toán là vợ liệt sĩ Phạm Văn Sơn, năm nay đã 79 tuổi mà vẫn không được hưởng tiền tuất hàng tháng theo chính sách.
Câu chuyện tình cờ, nhưng chính là cơ duyên để anh An đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Toán.
Ngôi nhà của mẹ con bà Toán vừa được đảo lại ngói chống dột |
Qua khu đồi vắng bóng nhà mà chỉ nhiều bóng cây vườn đồi, chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Tóan ở xóm Chùa Hà, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang.
Bà Toán niềm nở mời chúng tôi vào nhà uống nước. Ở giữa vùng đồi, đất vườn nhà bà khá rộng, nên ngôi nhà ngói 3 gian xây dựng đã lâu năm, trở nên bé nhỏ, cũ kỹ, lọt thỏm giữa khu đồi.
Bà Toán năm nay đã 79 tuổi. Bà bảo: Tính tuổi âm thì tôi đã 80 tuổi rồi.
Tuổi cao nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, miệng nói, tay làm, mắt sáng, tai thông. Nhìn bà ở độ tuổi 80 còn đẹp lão, chắc thời con gái chị Toán cũng là thiếu nữ “kiêu sa”?
Bà Toán bảo: Tôi lấy chồng từ thủa 15 tuổi đấy.
-Chắc thời thiếu nữ bà cũng là cô gái đẹp của làng?
Bà Toán không trả lời. Anh An nói thay:
-Ngày ấy chị Toán xinh đẹp có tiếng ở làng, ở xã, chị còn là cô gái đảm đang trên quê hương Quan họ, nhiều chàng trai, nhiều gia đình, mong ước có được nàng dâu như thế.
Nghe anh An nói vậy, bà Toán cười rồi kể: Thế nên 15 tuổi tôi đã làm dâu. Ở nhà chồng được 6 năm, tình cảm vợ chồng đang nồng thắm, thì chồng tôi- anh Phạm Văn Sơn, lên đường nhập ngũ năm 1961. Hồi ấy anh đi nghĩa vụ, tưởng là sau 3 năm thì ra quân, không ngờ anh lại được quân đội giữ lại đào tạo rồi cử đi B năm 1964.
Năm anh Sơn đi B, tôi đã 24 tuổi, đang làm đội trưởng đội sản xuất. Chồng tôi về nhà nghỉ phép 7 ngày trước khi đi B. Những ngày ấy vợ chồng tôi quấn quýt bên nhau, anh buồn, tôi cũng buồn, nghĩ tới ngày cách xa, không biết bao giờ anh mới về. Anh an ủi tôi vì vợ chồng lấy nhau lâu mà vẫn chưa có con. Anh dặn dò tôi ở nhà thay anh chăm sóc bố mẹ già, giúp đỡ anh em trong gia đình. Nếu có tin vui thì báo tin cho anh. Nhớ anh thì gắng tham gia công tác ở địa phương để có niềm vui quên đi nỗi nhớ…
Lời dặn dò của anh, tôi chỉ làm được việc thay anh chăm sóc bố mẹ già và gánh vác việc gia đình, đảm nhiệm làm đội phó rồi đội trưởng đội sản xuất trong 10 năm.Tôi cũng tham gia Ban chấp hành Thanh niên, Ban chấp hành Phụ nữ xã, là Đại biểu HĐND xã, được làng xóm tin yêu. Còn tin vui niềm hạnh phúc và ước ao có con của vợ chồng tôi, tôi không có niềm vui ấy để báo tin cho chồng.
bà Tóan trò chuyện với khách đến thăm nhà |
Sau 3 năm đi B, đến năm 1967 anh hy sinh. Ngày ấy tôi đang làm Đội trưởng đội sản xuất. Thanh niên trong làng đi bộ đội vắng, việc đồng ruộng toàn phụ nữ đảm đang. Gần địa phương tôi có sân bay Kép, là trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ. Sau trận máy báy Mỹ ném bom xuống sân bay Kép, tôi là Đội trưởng phải vận động bà con đi cứu thương trên trận địa, máu của thương binh ướt đầm bộ quần áo nâu sồng của tôi. Lần khác cấp trên đề nghị đội sản xuất của tôi phải cử 7 người đi đắp ụ pháo trận địa trong 1 tuần, đội không cử được 7 người, thế là tôi huy động cả đội đi làm trong một ngày đắp xong ụ pháo.
Bà kể tiếp: Từ năm 1968, tôi đã không nhận được thư của chồng tôi, linh cảm cho tôi biết là anh đã hy sinh, nhưng xã chưa báo tử. Bố mẹ chồng tôi thì đã già yếu, tôi nhớ lời anh, gắng tham gia mọi công tác xã hội để vơi đi nỗi nhớ anh. Năm 1971 mẹ chồng tôi qua đời. Đến năm 1975 Thống nhất nước nhà, các anh bộ đội ở làng tôi đi chiến trường cũng lần lượt trở về, còn chồng tôi vẫn bặt tin. Năm 1977 xã tổ chức báo tử cho chồng tôi. Mấy tháng sau bố chồng tôi cũng qua đời. Tôi xin phép anh trai chồng ra ở riêng. Năm ấy tôi đã 37 tuổi, thời thiếu nữ đã qua, tôi trở thành thiếu phụ đơn côi.
Ngày ấy con gái hơn 20 tuổi ở quê đã khó lấy chồng, tôi đã 37 tuổi thật khó có thể tìm được hạnh phúc cho mình. Nhưng những ai ở hoàn cảnh vợ liệt sĩ đơn côi, mới thấu hiểu nỗi khổ của những người đàn bà chúng tôi ở tuổi hồi xuân, phải dấu nỗi đau khao khát yêu thương trong đêm dài trống vắng.
Rồi tôi cũng vượt qua được định kiến của xã hội, để tìm cho mình một hạnh phúc nhỏ nhoi của người phụ nữ bất hạnh có con ngoài giá thú.
Tôi sinh con gái năm 1978 đặt tên cho cháu là Hà Thị Vui, những mong cuộc sống của mẹ con tôi sẽ có nhiều niềm vui. Nhưng niềm vui thì ít, cuộc sống của mẹ con tôi rơi vào vòng xoáy gian nan của cuộc đời.
(Còn nữa)