Bài 2: Hoàng hôn không tắt nắng
Phóng sự 29/07/2019 21:51
Vòng xoáy gian nan của người vợ liệt sĩ đơn thân
Niềm vui của bà Hà Thị Toán-người vợ liệt sĩ cô đơn là hạnh phúc nhỏ nhoi khi đứa con gái chào đời. Nhưng cũng từ đây cuộc đời của người vợ liệt sĩ bước sang bước ngoặt gian nan trước định kiến của xã hội và gia đình.
Không ở vậy thờ chồng, thì tái giá bước đi bước nữa cho có gia đình đàng hoàng, đằng này lại có con hoang, con ngoài giá thú, là mang tiếng cho cả hai bên họ hàng nội ngoại. Họ hàng không nhìn bà Toán với ánh mắt cảm thông, còn làng xóm nhìn bà bằng ánh mắt đầy mặc cảm tội lỗi…
Những lời ra tiếng vào, suốt từ khi bà Toán có bầu đến lúc sinh con. Nhưng người đời có câu “cười ba tháng chẳng ai cười ba năm”, bấu víu vào câu ca trong thiên hạ, mà mẹ con bà Toán qua được những tháng ngày buồn tủi. Khi điều tiếng nhạt phai, thì cô bé Vui ngày một lớn dần. Ơn nhờ trời cho niềm hạnh phúc, lớn lên trong gia cảnh nghèo, nhưng cô bé Vui xinh xắn và ngoan ngoãn. Chẳng có lời rèm pha nào cướp được niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi của mẹ con bà Toán.
Bố mẹ chồng đã chết, không còn bề trên để cậy nhờ che chở, còn anh trai, chị dâu và các em chồng, nhưng kể từ khi bà Toán có con ngoài giá thú, không ai nói loại trừ bà ra khỏi phận dâu con trong họ, nhưng tình cảm lạnh nhạt dần. Ngay cả việc lo giỗ liệt sĩ Phạm Văn Sơn, bây giờ gia đình cũng quyết cho cháu trai, thờ cúng.
Vốn là người phụ nữ đảm đang, từ khi ra ở riêng chỉ là 3 gian nhà tre lợp mái cọ, rồi mẹ con bà Toán cũng tự xây cho mình được ngôi nhà ngói 3 gian giữa vườn đồi thêm nhiều cây trái.
Bà Hà Thị Tóan 79 tuổi vợ liệt sĩ Phạm Văn Sơn |
Nỗi nhớ chồng rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng. Bỗng một ngày kia cán bộ phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện đến nhà bà Toán. Bà lạ lẫm suy tư có chuyện gì đây? Bà không hiểu nổi đó là chuyện buồn hay chuyện vui có liên quan tới chuyện của chồng bà chăng?
Đúng như bà Toán nghĩ, người cán bộ nói với bà: “Ông Sơn đi B, bà chưa có con nhưng được hưởng chế độ 10 đồng/tháng là sai, nay phải hoàn trả số tiền này cho Nhà nước?”
-À ra thế. Bà Toán nghĩ: “Có thể vì bà đã có con riêng nên địa phương không còn coi bà là vợ liệt sĩ nữa nên đòi hoàn lại số tiền này”.
Nhưng thật oan uổng cho bà Toán. Ngày ấy bộ đội đi B có con thì được hưởng 5 đồng/con. Vợ chồng bà Toán chưa có con, vợ được hưởng 10 đồng/tháng. Số tiền ấy bà đã lĩnh cho đến khi cấp trên dừng không cấp cho bà nữa. Đó là sự thật. Bà cũng chẳng nhớ nhận được bao nhiêu tiền, bởi tất cả số tiền ấy bà đã biếu bố mẹ chồng hàng tháng. Nay người ta đòi lại số tiền này, bà Toán cũng chẳng có tiền để trả. Bà nghĩ “mình chả nợ nần gì, vì có vay mượn gì đâu, đây là chính sách vợ quân nhân đi B được hưởng, chế độ chính sách là chung của Nhà nước, chứ riêng gì gia đình bà”.
Vốn là Đội trưởng đội sản xuất giỏi giang, lại từng tham gia công tác xã hội Ban chấp hành thanh niên, phụ nữ xã, tay làm, miệng nói, bà Toán chẳng thua kém ai trong lời ăn tiếng nói. Thế nên bà trả lời cán bộ chính sách rằng “Số tiền ấy tôi có được lĩnh thật, nhưng tôi đã biếu bố mẹ chồng tôi tất cả. Bây giờ bố mẹ chồng tôi đã chết, tôi không thể đòi bố mẹ chồng tôi. Còn tôi không có số tiền ấy để trả lại các ông. Nhưng rồi tôi cũng sẽ trả, các ông về báo cáo với cấp trên, tôi tiễn chồng tôi đi bộ đội, nay các ông trả lại chồng cho tôi, để vợ chồng tôi cùng làm lụng tích cóp trả số tiền cho các ông. Số tiền ấy là chồng tôi đã hy sinh xương máu, tôi không muốn là vợ liệt sĩ góa bụa. Các ông hãy trả lại chồng cho tôi, rồi hãy đến nhà tôi đòi tiền…”
Việc bà Toán không trả tiền trợ cấp đi B của chồng và đòi cấp trên trả lại chồng cho bà thật xót xa, nhưng là chuyện có thật, cả làng, cả xã ai cũng biết… Cũng từ đó, không thấy ai đến nhà bà Toán đòi tiền chế đội đi B của liệt sĩ Phạm Văn Sơn.
Năm tháng qua đi, những mặc cảm của gia đình họ hàng và xã hội với mẹ con bà Toán cũng nhạt phai. Bé Hà Thị Vui ngày càng khôn lớn, cuộc sống của mẹ con bà Toán đỡ khó khăn hơn, khu vườn đồi hoang vắng năm xưa giờ có thêm những hàng xóm mới.
Khi cô bé Vui lớn lên trở thành thiếu nữ, cũng xinh đẹp như bà Toán thủa “kiêu sa”. Năm Vui 18 tuổi thì bà Toán đã 56, tuổi về chiều xế bóng. Như hoàn cảnh những người phụ nữ khác thì bà đã an nhàn vui với hạnh phúc chồng con và các cháu. Nhưng gia cảnh của mẹ con bà Toán vẫn nghèo khó đơn sơ. Nghèo thì nghèo, bà Toán cũng gắng cho con học hết cấp 3. Gia cảnh nghèo nhưng có con gái xinh, các chàng trai trong xóm, ngoài làng, đến gõ cửa nhà bà Toán nhiều hơn, xóm đồi đã không còn hoang vắng.
Vườn nhà bàToán mới được con gái và con rể xây tường bao và trồng cây mới |
Nghe người ta nói, vợ liệt sĩ đến tuổi 55, thì được hưởng tiền tuất của chồng, bà Toán không tái giá, nên vẫn là vợ của liệt sĩ Phạm Văn Sơn, bà làm đơn gửi xuống xã xin được hưởng trợ cấp tiền tuất liệt sĩ hàng tháng. Nhưng đơn đi rồi cũng bặt tăm luôn, không hiểu chính sách thế nào, bà Toán lại tự ti không hỏi nữa. Thế là đến nay đã ở tuổi 79, bà Toán vẫn là vợ liệt sĩ, nhưng không được hưởng tiền tuất hàng tháng của chồng. Bà không có đơn kêu, địa phương cũng quên luôn, quên liệt sĩ Phạm Văn Sơn còn có người vợ là Hà Thị Toán.
May nhờ ở tuổi hoàng hôn xế chiều, nhưng Trời, Phật còn thương, nên bà Toán vẫn mạnh khỏe, vẫn là trụ cột kinh tế trong gia đình “mẹ góa con côi”. Nỗi lo kinh tế gia đình thua kém bà con lối xóm, không làm bà Toán buồn, chỉ mong cho con gái sẽ có nơi có chốn, cuộc sống sẽ không phải gian nan vất vả như mình.
Ước muốn của bà Toán rồi cũng thành hiện thực. Vui cũng đã chọn cho mình được chàng trai ưng ý, con nhà khá giả.
Hạnh phúc của con gái, chính là niềm vui hạnh phúc của bà Toán khi đã bước sang nửa cuối cuộc đời, cuối chiều dốc nắng.
Con gái đi lấy chồng, nhưng cũng may nhà trai cho ở rể, nên bây giờ gia dình bà lại có thêm người thêm của… mai rồi thêm các cháu, rồi tiếng trẻ con khóc, tiếng trẻ nô đùa, sẽ ấm êm ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Toán giữa vùng đồi …
( Còn nữa)