Họ Hồ Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc
Nghiên cứu - Trao đổi 19/08/2023 10:44
Giáo sư Hồ Trọng Ngũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa trong lời phát biểu tại hội thảo đã nêu rõ: Mục đích của Hội thảo là tiếp tục nghiên cứu làm rõ nguồn gốc lịch sử dòng họ Hồ trong quá trình hình thành và phát triển trên vùng đất Hà Tĩnh; những đóng góp của dòng họ đối với sự phát triển của quê hương, đất nước. Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận 3 chủ đề chính: Sự xuất hiện và phương trưởng của họ Hồ ở Hà Tĩnh; An Nam Nhất Hồ đức nguyên tổ họ Hồ Việt Nam và vai trò của họ Hồ Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Giáo sư Hồ Trọng Ngũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa trong lời phát biểu tại hội thảo |
Phần liên quan đến đức nguyên tổ Hồ trạng nguyên Hồ Hương Dật báo cáo của họ Hồ đại tộc Tam Công huyện Yên Thành và của nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng đều thống nhất đưa ra các căn cứ lịch sử theo chính sử và theo gia phả, theo các di tích còn để lại lưu giữ ở vùng Yên Thành - Nghệ An đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, cùng xác định nhà thờ họ Đại tộc Tam Công, thờ cúng từ cụ Hồ Hưng Dật và các đời kế sau, do cụ Hồ Cao xây dựng lại vào năm 1314 và đình Sừng, thờ Trung đẳng thần quân đệ nhị thần - cụ Hồ Hưng Dật là Thành hoàng làng, từ năm 1797, là cơ sở lịch sử và căn cứ khoa học, xác định Tam Công, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là nơi gốc tổ thờ cúng Đức nguyên tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật. Đây là gốc nhà thờ tổ họ Hồ làm tế lễ... hậu duệ phải hướng về, là nhà thờ họ Đại tộc Tam Công. Nhà thờ này xây dựng lại năm 1314 trước 86 năm Hồ Hán Thương mới lên làm vua năm 1400.
Báo cáo khoa học “Giải mã một số tồn nghi đền thờ Đức nguyên tổ và thế thứ họ Hồ từ hậu duệ đời 13 - 15, ở Nghệ An” của nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng được các đại biểu đánh giá cao với hàm lượng căn cứ khoa học lịch sử xuyên suốt làm sáng tỏ năm sinh, năm mất của Thái thủy tổ Hồ Kha đời thứ 13 ở Nghệ An. Cụ thể cụ Hồ Kha năm 1266 (Bính Dần); cụ bà Nguyễn Thị Cúc sinh 1267 (Đinh Mão); các con: Hồ Thị Minh, sinh năm 1294 (Giáp Ngọ); Hồ Thị Thuận, sinh năm 1296 (Bính Thân); Hồ Hồng, sinh năm 1298 (Mậu Tuất); Hồ Cao, sinh năm 1.300 (Canh Tý) và Hồ Thị Sênh, sinh năm 1302 (Nhâm Dần). Kết quả này theo tác giả phù hợp với chính sử (theo năm sinh của trạng nguyên Hồ Tông Thốc cháu nội của cụ Hồ Kha) và phả họ Nguyễn Triệu Cơ, gia phả họ Hồ Tam Công và Hồ Tông Thế phả.
Hội thảo họ Hồ Hà Tĩnh ngày 12/8/2023. |
Cơ bản đồng thuận với kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng, nhưng các đại biểu Hồ Hoàng, Hồ Ngoan ở Yên Thành - Nghệ An và Hồ Minh Hiệu ở Hà Nội, chưa đồng thuận về năm sinh của cụ Hồ Hồng. Các nhà nghiên cứu này đưa ra giả thiết Hồ Hồng, sinh năm 1358 (Mậu Tuất - lùi lại một hoa giáp 60 năm) không phải là năm 1298, do đó Hồ Hồng là con của Hồ Cao, không phải là con của cụ Hồ Kha và không phải là anh của cụ Hồ Cao.
Những ý kiến chưa đồng thuận trên, hội thảo đề nghị các nhà nghiên cứu tiếp tục xem xét, đưa ra các căn cứ thuyết phục để chứng minh.
Từ 3 chủ đề chính, các báo cáo phát biểu tại hội thảo đã đưa ra những căn cứ lịch sử, căn cứ khoa học lịch sử soi chiếu hiện tại, giúp cho các chi nhánh của dòng họ Hồ bổ sung thêm một số tư liệu mang tính khoa học để xây dựng hệ thống sử phả dòng họ, bắt đầu từ Đức nguyên tổ; chỉ ra thế thứ, các tông phái, các ngành, nhánh, chi phái, định hướng cho các chi nhánh bị thất truyền gia phả tìm về cội nguồn và kết nối tổ tiên, dòng tộc; qua đó giáo dục truyền thống tổ tiên; tôn vinh phát huy những giá trị văn hóa của dòng tộc họ Hồ ở Hà Tĩnh đến con cháu và trong cộng đồng.