Hiền tài và vận mệnh quốc gia
Nghiên cứu - Trao đổi 12/01/2022 09:09
Cách đây 580 năm (tức năm 1442) nhà vua anh minh Lê Thánh Tông giao cho Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc Tử Giám Tết tửu (sau là Lễ bộ Thượng thư) Thân Nhân Trung viết bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia; nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.
Người xưa giải thích: “Hiền tài” là người tài cao, học rộng và có đạo đức, có ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của quốc gia. “Nguyên khí” là sức mạnh vật chất, tinh thần tiềm tàng nơi con người, nơi đất nước đó và mong muốn có giá trị quan trọng với mỗi quốc gia. Một đất nước, không có hiền tài không thể giữ vững được độc lập, tự chủ, không thể phát triển kinh tế - xã hội, triều chính có thể rối loạn. Trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh giành độc lập và giữ nước, dân tộc ta có không biết bao hiền tài, nhân vật lịch sử kiệt xuất, Anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Quang Trung - Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp…
Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc “Hiền tài” vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước. Người tạo nên sức sống thần kì của “nguyên khí quốc gia”, tạo nên giá trị vật chất, tinh thần tiềm tàng để có một Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, toàn dân làm nộ lệ trở thành một quốc gia “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức Việt Nam. Ảnh minh họa |
Những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, đất nước đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo chống “con thuyền cách mạng” vượt qua thử thách đi tới thắng lợi vẻ vang, vẽ lên bản đồ thế giới một nước Việt Nam độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc, thực dân. Trong muôn vàn công lao vĩ đại của Bác, có một kì tích là Người biết nhận ra hiền tài và trọng dụng, dẫn dắt tầng lớp trí thức vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Đó là các nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại; các kĩ sư, luật sư, bác sĩ Tây học như Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Trần Duy Hưng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo (trong số đó có những người không phải là đảng viên). Đặc biệt, Bác lựa chọn, giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy quân đội, rồi kí sắc lệnh phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp và hàm tướng cho 10 sĩ quan chỉ huy cấp cao khác trong Quân đội vào năm 1948.
Những nhân sĩ, trí thức được Bác trọng dụng cùng với các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội, vận nước đã tạo bước ngoặt, kháng chiến kiến quốc thành công. Nước Việt Nam bước sang trang sử mới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đi vào đổi mới, cũng có rất nhiều “hiền tài”nên đất nước mới phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công cũng còn những khiếm khuyết, hạn chế về việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, ảnh hưởng không nhỏ đến tạo lập môi trường “nguyên khí quốc gia”. Nhiều năm qua, có hiện tượng lựa chọn, sử dụng cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương theo cách “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ”, ít coi trọng “trí tuệ”. Không ít cán bộ cao cấp có chức có quyền, nhất là người đứng đầu áp dụng “quy trình”, quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp con em, người thân trong khi năng lực, đạo đức thua kém nhiều người khác. Một bộ phận hiền tài là con em Nhân dân lao động học giỏi, có tài, đức nhưng do không chạy chọt, bố mẹ không có chức vụ, quyền hạn rất khó được trọng dụng. Nhiều thanh niên đi du học tại các nước phát triển không về nước làm việc. Chất xám bị “chảy máu”, lãng phí nguồn lực tinh hoa.
Dưới các triều đại phong kiến, Nhà vua chọn nhân tài thông qua con đường khoa bảng, tổ chức thi hương, thi hội, thi đình. Nhiều khoa hàng nghìn người dự thi, Nhà nước chỉ chọn 15-20 người tài để bổ làm quan. Ngày nay, chế độ ưu việt nhiều cán bộ được lựa chọn đúng, phát huy năng lực tốt, song không ít người thiếu tài, đức lại làm lãnh đạo, phần vì chạy chọt, phần vì là “hậu duệ” nên nhiều người không đủ tầm, không có tâm. Đó là “một bộ phận không nhỏ”, hình thành “lợi ích nhóm”, vi phạm hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật, của cơ chế thị trường để tham ô, tham nhũng có tổ chức, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước, tài sản của Nhân dân.
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai báo cáo: Trong 5 năm (2016-2020) có 1.623 đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để tham ô, tham nhũng; hơn 25.000 đảng viên bị kỉ luật do suy thoái tư tưởng chính trị; 8.300 đảng viên bị xử lí kỉ luật và pháp luật; 15.000 đảng viên bị xử lí kỉ luật do đạo đức, lối sống…
Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kì Khóa VII, Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ: Tụt hậu xa về kinh tế; chệch hướng; tham nhũng, quan liêu và diễn biến hòa bình, nay vẫn hiện hữu trong đó đáng chú ý là 2 nguy cơ tụt hậu và tham nhũng. Về tụt hậu, nước ta vẫn là quốc gia ở mức nghèo với GDP năm 2021 đạt 354,868 tỉ USD, trong khi đó Mỹ 330 triệu dân GDP 22.939, 580 tỉ USD; Nhật Bản 126,5 triệu dân GDP 5.081,776 tỉ USD; Singapore 5,9 triệu dân GDP 378,645 tỉ USD; Thái Lan 70 triệu dân GDP 546,223 tỉ USD, v.v. Về năng suất lao động Việt Nam thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan một lao động của họ có năng suất bằng 8-13 lao động nước ta…
Từ nay đến năm 2045, để Việt Nam trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao thì “hiền tài” phải tương xứng. Xây dựng nền văn hóa và trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; đội ngũ lãnh đạo “cần kiệm liêm chính”, “chí công vô tư”; phải đổi mới toàn diện việc quy hoạch, đào tạo, lựa chọn, sử dụng nhân tài, nói không với chạy chức chạy quyền và “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ”. Cần tổ chức thi tuyển người đứng đầu các cấp nhằm chọn nhân tài để nâng tầm “nguyên khí quốc gia”.