Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam
Đời sống 27/06/2024 10:08
Gia đình là nền tảng, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nên nhân cách của mỗi cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành. Dưới tác động của thời toàn cầu hóa, nhất là mặt trái của cơ chế thị trường, những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã và đang có những biến động tiêu cực. Trong nhịp sống của thời đại, khi mà đồng tiền có giá trị, thì tình thân có một số người đặt lên bàn cân để cân đo đong đếm, để so đo thiệt hơn. Bên cạnh, có một số gia đình đang biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Sự ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần; từ đó dẫn đến tình trạng xung đột, đổ vỡ, li hôn ngày càng gia tăng. Mặt khác, ở xã hội hiện đại, có nhiều vấn đề phức tạp mới phát sinh, cùng những tồn tại lạc hậu chưa được đẩy lùi như kết hôn sớm, bạo lực gia đình, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ vi phạm pháp luật,… thì việc chăm lo, giáo dục đời sống tinh thần, vật chất để mỗi gia đình thật sự là một tổ ấm là điều vô cùng cần thiết. Và sự giáo dục, thương yêu của gia đình, sự vun đắp, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho gia đình, luôn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Vì trong cuộc sống của mỗi cá nhân không thể tách rời với gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Ảnh minh hoạ |
Sự bùng nổ thông tin qua các loại hình truyền thông, giải trí cùng sự len lỏi của những sản phẩm văn hóa độc hại, xa lạ làm băng hoại đạo đức đã và đang thấm thấu vào một bộ phận cá nhân, gia đình, làm đảo lộn các thang giá trị đạo đức, đạo lí truyền thống vốn ăn sâu, bám rễ trong mỗi gia đình Việt Nam. Trước khó khăn, thách thức đó, vấn đề xây dựng gia đình Việt Nam càng đặt ra vừa bức bách, vừa có tính lâu dài, trách nhiệm chính từ mỗi gia đình.
Đảng và Nhà nước, trực tiếp là các cơ quan hữu quan, các đoàn thể đã đề ra và nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Với chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, chúng ta đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm tăng số gia đình văn hóa, giảm hộ nghèo, ngăn ngừa và giảm thiểu nạn bạo lực gia đình, gia đình mắc tệ nạn xã hội… Đó là những nội dung mà trong nhiều năm qua các tổ chức chính trị - xã hội đã thể chế hóa bằng những chương trình, mục tiêu với nhiều giải pháp, đã mang lại kết quả đáng trân trọng. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, trong đó nền nếp gia phong là yếu tố cơ bản, góp phần ngăn chặn, tạo sức đề kháng cao trước tác động tiêu cực và các tệ nạn đang nảy sinh.
Để xây dựng mỗi gia đình trở thành tổ ấm văn hóa, công tác gia đình cũng cần song hành với việc tạo dựng môi trường xã hội lành mạnh, gắn kết gia đình với cộng đồng, láng giềng, khu dân cư,… Từ đó có những điều chỉnh cần thiết nhằm ứng xử phù hợp. Có thể nói, mối quan hệ giữa môi trường xã hội và gia đình khăng khít, ảnh hưởng tác động cụ thể trong quá trình chung đụng và phát triển. Chính từ những liên kết cộng đồng, các phong trào mang tính xã hội như: Xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học gắn với xây dựng các mô hình văn hóa đã cho thấy sự ràng buộc, tác động tích cực và hiệu quả đến từng cá nhân, gia đình.
Trước xu thế toàn cầu hóa, xã hội phát triển theo hướng tích cực, đan xen những mặt tiêu cực khó lường nên việc xây dựng gia đình Việt Nam cũng cần thích ứng. Theo đó, việc đổi mới nội dung, phương thức là yêu cầu đặt ra. Trước hết, chúng ta cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng các hình thức truyền tải các thông điệp trên các phương tiện truyền thông theo hướng xúc tích, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, trong đó có việc tăng cường nêu gương người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán những biểu hiện không đúng, không hay và cảnh báo các nguy cơ như thói trọng nam khinh nữ, gia trưởng, độc đoán… Đối với mỗi gia đình, việc giáo dục vẫn là biện pháp hàng đầu, không chỉ dạy con cháu về đạo lí làm người “kính trên, nhường dưới”, hòa thuận, hiếu thảo… mà còn cung cấp, chỉ dẫn làm theo pháp luật. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình, nhất là người lớn phải là tấm gương cho con cháu noi theo.
Ngày Gia đình Việt Nam chính là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, bạn hãy luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.