Gian dối kiểm định xe cơ giới, nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông
Nghiên cứu - Trao đổi 02/03/2023 14:47
Lĩnh vực giao thông đường bộ trong cả nước có 280 Trung tâm Kiểm định xe cơ giới. Trong đó, 20 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 60 trung tâm thuộc các Sở Giao thông vận tải (GTVT) cấp tỉnh, 196 trung tâm tư nhân được thành lập do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép theo phương châm xã hội hoá. TP Hà Nội có nhiều nhất với 31 trung tâm; TP Hồ Chí Minh 19 trung tâm, tỉnh Bình Dương 13 trung tâm, tỉnh Thanh Hoá 9 trung tâm. Các tỉnh, thành phố khác có từ 2 - 5 trung tâm.
Trong nhiều năm qua, do buông lỏng quản lí của (GTVT), các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới hoạt động hỗn loạn, tùy tiện, tùy hứng, nhất loạt chạy theo đồng tiền để ăn chia, để nộp cấp trên, để rồi vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả rất nặng nề cho xã hội. Việc kiểm tra định kì (đăng kiểm) xe cơ giới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và cụ thể hoá bằng Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Người làm công tác đăng kiểm xe cơ giới như bác sĩ đối với con người. Bác sĩ khám, chẩn đoán, phát hiện bệnh để chỉ định điều trị, bảo đảm sức khoẻ cho người bệnh. Đăng kiểm viên tìm ra khuyết tật (bệnh) của xe cơ giới có nhiệm vụ “kê đơn”, xử lí bệnh của xe để khắc phục, bảo đảm an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các Trung tâm Đăng kiểm đã không tuân thủ pháp luật mà trượt dài vào vòng xoáy kiếm tiền vô lối, vô độ. Khách hàng đưa xe vào kiểm tra phải nộp tiền (hối lộ), đăng kiểm viên nhận rồi cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê phụ tùng thay thế các phụ tùng không bảo đảm tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thổng đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải, bỏ qua lỗi lốp mòn, xe tải cơi nới thành, thùng, mâm (nhiều xe tăng cao thùng 50 - 75 cm), biển số mờ, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, nhân viên mặc quần áo đăng kiểm nhưng không phải là đăng kiểm viên, lừa dối bằng camera… dẫn tới phương tiện không đủ tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường nhưng vẫn được cấp chứng nhận. Loạt đầu ở các tỉnh phía Nam, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện sai phạm như thế ở 70.000 xe ô-tô. Gần 50 trung tâm được kiểm tra, điều tra ở 25 tỉnh, thành phố những vi phạm cũng xảy ra tương tự.
Bỏ qua những “khuyết tật” của xe cơ giới để các phương tiện tiếp tục lưu hành trên khắp nẻo đường sẽ không tránh khỏi xảy ra tai nạn giao thông. Tại tỉnh Bắc Giang, một số doanh nghiệp dùng những ô-tô cũ, rách nát đưa đón công nhân, học sinh. Các trục quốc lộ ùn ùn xe khách, xe tải lốp mòn, xả khói nồng nặc. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) năm 2022 mặc dù đã giảm 3 tiêu chí, cả nước vẫn xảy ra 11.323 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.265 người, bị thương 7.777 người, trong đó có hơn 8.000 phương tiện vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng được xác định do ô-tô không bảo đảm an toàn kĩ thuật như mất lái, có những xe bỗng dưng chết máy, có xe bị cháy trên đường… Rõ ràng, nguyên nhân do thiếu trách nhiệm của các Trung tâm Đăng kiểm chứng nhận xe không đủ tiêu chuẩn an toàn được lưu hành.
Sau khi Công an TP Hồ Chí Minh điều tra, phát hiện những sai phạm đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre. Tiếp đến Công an các tỉnh, thành phố khác cũng đồng loạt điều tra, xác minh các Trung tâm Đăng kiểm ở địa phương mình. Thì ra, ở đâu cũng vậy, Trung tâm nào cũng “làm phép” trong hoạt động, coi tiền trên hết, bất chấp kỉ cương để rồi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tính đến ngày 27/2/2023, Cơ quan điều tra các địa phương đã kiểm tra khoảng 50 Trung tâm Đăng kiểm, khởi tố 25 vụ án, bắt giam hơn 300 bị can là giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên với 5 tội danh: “Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật”. Mở đầu là các trung tâm Đăng kiểm: 62-03D (Long An), 50-15D (TP Thủ Đức), tiếp đến các Trung tâm 62-02D, 63-02D, 71-02D, 83-02D, 66-02D, 83-02D do bị can Trần Lập Nghĩa làm giám đốc... Tại Phòng Kiểm định xe cơ giới và Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam 2 đời Cục trưởng, nhiều cán bộ chuyên môn. Riêng Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam 128 bị can. Công an các tỉnh, thành phố khác bắt hàng loạt bị can: Bắc Ninh (14 bị can), Bắc Giang (5 bị can), Thái Bình (8 bị can), Hoà Bình (10 bị can), Nam Định (5 bị can), Quảng Nam (13 bị can), Đồng Nai (23 bị can),... Đây là vụ án lớn có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực mang tính hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến các giám đốc, phó giám đốc, kiểm định viên, nhân viên các trung tâm. Vi phạm của họ rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc trên các trục đường bộ trong cả nước.
Nguyên nhân của thực trạng này do Bộ Giao thông vận tải buông lỏng quản lí, Cục Đăng kiểm không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, ngược lại lãnh đạo Cục còn nhận hối lộ để đơn vị trực thuộc mặc sức tung hoành. Chỉ tiêu đặt ra mỗi trung tâm phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có 1 người bậc cao nhưng cho đến nay, 280 trung tâm mới có 198 đăng kiểm viên, trong đó có 103 đăng kiểm viên bậc cao. Như vậy mới đạt 70% chỉ tiêu.
Có những trung tâm liên kết với cơ sở đào tạo lái xe trong việc kiểm định xe chuyên dùng tập lái không đủ tiêu chuẩn kĩ thuật, điển hình như Trung tâm Kiểm định 50-70D chứng nhận cho 120 ô-tô không đủ tiêu chuẩn kĩ thuật đưa vào hoạt động của Trung tâm Đào tạo lái xe Thành Công (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh), có bị can một mình làm giám đốc 5 trung tâm ở ba, bốn tỉnh như Trần Lập Nghĩa. Có giám đốc trung tâm mới học lớp 3 cách đây 50 năm như Hồ Hữu Tài (Trung tâm 50-17D). Nhiều nhân viên được giả mạo hồ sơ, để đóng vai kiểm định viên…
Cũng như vụ “Kít test Việt Á” và vụ “Chuyến bay giải cứu”, vụ “tham nhũng, hối lộ xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam” đều có tổ chức, mang tính hệ thống gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tổn thất lớn cho kinh tế - xã hội đất nước, xâm hại và đe dọa sức khoẻ, tính mạng người dân… cần trừng trị nghiêm khắc để răn đe, ngăn ngừa và làm gương cho những ai toan tính làm liều trong thời gian tới.