Giải bài toán thiếu điện...
Nghiên cứu - Trao đổi 15/06/2023 15:04
Ngành điện nước ta đã 7 lần lập Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nay bắt đầu triển khai Quy hoạch Điện VIII của thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và quốc gia phát triển vào năm 2045.
Điện là nguyên liệu đầu vào số 1 của nền kinh tế quốc dân. Lĩnh vực này do 3 Tập đoàn kinh tế (Doanh nghiệp Nhà nước) đảm nhiệm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (KTV) gánh vác. Trong đó, EVN đóng vai trò chủ lực, nòng cốt gần như nắm giữ vị trí độc quyền. Sau gần bốn thập kỉ thực hiện đường lối đổi mới, ngành Điện lực được Nhà nước đặc biệt quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển, tuy đạt thành tựu đáng kể trong phát triển cả ba lĩnh vực: Nhiệt điện, Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo (Điện gió, Điện mặt trời) nhưng chưa năm nào bảo đảm đầy đủ nguồn điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Ảnh minh hoạ |
Về Nhiệt điện, cả nước có 25 nhà máy, trong đó có 20 nhà máy đang hoạt động. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 42,7% tổng công suất nguồn toàn hệ thống, mỗi năm sản xuất 131 tỉ KWh. Còn Quy hoạch điện VIII sau năm 2025 tổng công suất nhiệt điện giảm chỉ còn 8.760 MW.
Về Thuỷ điện, theo Quy hoạch trước đây có khoảng 800 dự án. Năm 2013, Quốc hội quyết định loại ra khỏi quy hoạch 472 dự án thuỷ điện. Hiện nay, cả nước có hơn 300 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất khoảng 11.520 MW; trong đó có 12 nhà máy lớn nhất: Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Thác Bà, Trung Sơn, Yaly, Trị An, Huội Quảng, Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi, Na Hang và Ba Hạ với tổng công suất 8.542 MW. Riêng 290 nhà máy thuỷ điện nhỏ đang vận hành, phát điện hoà mạng với tổng công suất 2.995 MW và đang xây dựng thêm 138 nhà máy thuỷ diện khác có tổng công suất khoảng 1.793 MW.
Về điện gió, điện mặt trời (năng lượng tái tạo) sau cuộc chạy đua của nhiều nhà đầu tư từ năm 2018 đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt khoảng 1.650 MW, chiếm gần 25% tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện quốc gia. Đến đầu quý II năm 2023, có 99 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió được khánh thành, đã và đang đàm phán cơ chế để chờ kí hợp đồng mua bán điện với EVN.
Về sản xuất kinh doanh, EVN đang đối mặt với thách thức, khủng hoảng chưa từng có là thua lỗ rất lớn, mất cân đối nghiêm trọng về mặt tài chính. Theo báo cáo tháng 1 năm 2023, sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ 28.876 tỉ đồng. Cũng theo EVN, nếu vẫn giữ giá điện như những năm 2019 - 2022 thì năm 2023 tiếp tục lỗ 64.941 tỉ đồng nữa (cả 2 năm lỗ sẽ 93.817 tỉ đồng). Tình trạng thua lỗ “khủng” đẩy EVN trong tình trạng mất cân đối về tài chính. Dư luận xã hội đang bức xúc về sản xuất kinh doanh của EVN trong tình trạng thua lỗ, trong khi nhiều doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn EVN sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch, lợi nhuận cao, có lãi...
Nhiều công ty con (thành viên của EVN) sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao như Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu thuần 10.417 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế 760 tỉ đồng, vượt 76% kế hoạch. Tổng Công ty Phát điện II (EVNGENCO2) tổng doanh thu hơn 18.142 tỉ dồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3.668 tỉ đồng, gấp 2 lần kế hoạch đề ra. Công ty CP Thuỷ điện Thác Bà doanh thu hơn 742 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 378,7 tỉ đồng…
Về giá bán điện, giá bán lẻ bình quân 1.864 đồng/KWh. EVN cho rằng cứ 1 KWh điện bán ra thấp hơn 10,57% tương đương 200 đồng/KWh so với giá thành. Song trên thực tế, giá bán điện của EVN không chỉ có giá bình quân mà còn rất nhiều giá (theo luỹ tiến) khác nhau. Thậm chí giá bán lẻ điện sinh hoạt cho các hộ tiêu thụ tính theo 6 bậc (từ 1.678 đồng - 2.927 đồng/ KWh), thậm chí có giá vọt lên 2.834 đồng/KWh (nếu sử dụng 300 - 400 KWh). Nhóm khách hàng kinh doanh có giá bán điện từ 1.361 đồng - 4.587 đồng/KWh. Nhóm khối hành chính, đơn vị sự nghiệp (bệnh viện, trường học, chiếu sáng công cộng,v.v…) cũng thường phải trả tiền điện giá cao hơn giá bán bình quân.
Trong khi nguồn điện cung cấp thiếu hụt nghiêm trọng, không cung cấp đủ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân, thường cắt điện luân phiên, nhất là khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung, thậm chí vẫn tiếp tục nhập khẩu điện của Trung Quốc và Lào thì một sản lượng điện rất lớn tạo ra từ hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành trong những năm 2018 - 2022 lại không được chuyển tiếp đưa vào lưới điện quốc gia để cung cấp. Đành rằng việc đấu thầu giá điện để lựa chọn nhà đầu tư Năng lượng tái tạo còn có vướng mắc về một số căn cứ của Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Điện lực đang gặp khó trong việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán cạnh tranh (giá cuối cùng) là giá trúng thầu…, đây là vấn để cần được nhanh chóng tháo gỡ.
Hiện nay, sau cuộc chạy đua làm điện gió, điện mặt trời từ năm 2018, các nhà đầu tư đang bị hẫng hụt do không kịp vận hành đúng thời điểm để hưởng giá ưu đãi. Trong khi đó, việc đàm phán quá chậm trễ để đi tới kí hợp đồng mua bán điện nên họ như “ngồi trên đống lửa”. Không bán được điện, nợ ngân hàng gia tăng, thiết bị nghìn tỉ phơi mưa nắng, hàng nghìn công nhân lao động “ngồi chơi xơi nước” không có tiền trả lương… chỉ vì chưa có cơ chế giá thu mua. Hiện tượng này gây lãng phí vô cùng lớn tài nguyên là nguồn năng lượng tái tạo bị “bỏ rơi” trong những năm qua.
Thiếu điện vào mùa khô còn có nguyên nhân các hồ tích nước xuống dưới mực nước chết, hay do sự cố ở một số nhà máy nhiệt điện chạy than. Mặt khác, còn do ngành điện chưa đầu tư xây dựng nhà máy điện tích năng (dự trữ nguồn). Kinh nghiệm từ Thái Lan là nước có 70 triệu dân nhưng nguồn điện năm 2021 có tổng công suất 46.622 MW, trong đó năng lượng tái tạo đạt 5.200 MW. Thai Lan không những có nguồn điện dồi dào đủ cung cấp quanh năm mà còn xây dựng các nhà máy thuỷ điện dự trữ (kho chứa), đó là 3 nhà máy thuỷ điện tích năng có tổng công suất 1.530 MW: Srinakarin (360MW), Bhumilol (170 MW) và Lam Ta Khong (1.000 MW) để làm nhiệm vụ tích điện năng cho biểu đồ phụ tải, cung cấp bù điện trong mọi tình huống và xuất khẩu. Ở nước ta, theo Quy hoạch điện VIII đặt có ra xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Bắc Ái (1.000 MW) có tính năng tương tự sẽ vận hành vào năm 2028.
Cũng do thiếu điện nên từ năm 2005 ngành điện vẫn phải nhập của Trung Quốc qua đường truyền tài 110 KV ở Lào Cai và Hà Giang (với giá 1.540 đồng/KWh) cung cấp cho khu vực phía Bắc; từ năm 2016 nhập khẩu điện của Lào bằng đường truyền tải 220 KV (với giá 1.632 đồng/KWh) cung cấp cho khu vực Bắc miền Trung.
Gần đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các Tập đoàn EVN, PVN và TKV phải “Tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện”. Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời phải “Khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” và phải hoàn thành công việc cấp bách này trong tháng 6 năm 2023”.