Giá trị của lời xin lỗi
Cùng suy ngẫm 03/11/2020 10:56
Ví dụ như một đứa con sau bao lần phạm từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác, đều vẫn luôn miệng nói lời: “Con xin lỗi mẹ”! Không biết đã bao lần người mẹ phải nghe đi nghe lại câu xin lỗi ấy và cũng là ngần ấy lần bà xót xa nhìn những tài sản mua sắm cho con, từ xe đạp, đồng hồ, dây chuyền bạc… “mọc cánh” bay đi với đủ lí do mà đứa con viện ra, kèm theo… lời xin lỗi. Cậu con trai nói lời xin lỗi với mẹ cứ như một… thói quen, nó lặp đi lặp lại đều đặn mỗi khi phạm lỗi, vậy mà không chịu sửa lỗi. Đến nỗi bà mẹ phải nghẹn ngào thốt lên: “Mẹ không muốn nghe lời xin lỗi nào của con nữa. Hãy sống cho tốt, đừng để mắc lỗi, đó là cách chuộc lỗi của con đối với mẹ”…
Ảnh minh hoạ |
Hay như chị nọ, có người chồng thường xuyên “phạm lỗi” để rồi nói với vợ rằng: “Anh xin lỗi em”! Lời xin lỗi ngọt ngào ấy sau những vết thương lòng mà anh đã nhiều lần gây ra cho chị, nhưng chị dường như cam chịu và tha thứ(?!). Chị không phải là mẫu người phụ nữ đẹp người, nhưng sự dịu dàng, nết na và tài đảm đang ở chị thì không phải ai cũng có. Anh phong độ, hào hoa và giàu có nên thừa sức để cưới một cô vợ đẹp; thế nhưng anh đã bị cái nết dịu dàng, đằm thắm, giỏi lo toan của một người vợ hiền ở chị khuất phục. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nhất là khi công việc của anh thường xuyên tiếp xúc với những khách hàng là phụ nữ. Những lời đồn về thói trăng hoa của chồng chị đều bỏ ngoài tai, cho đến khi chị phát hiện nhiều điều để chị tin những lời đồn kia là sự thật… Chị nhận lời xin lỗi của anh như người ta chấp nhận cái gọi là “phút xao lòng” ngoài chồng ngoài vợ. Nhưng rồi, đó không còn là “phút xao lòng” nữa khi hết lần này đến lần khác, anh lừa dối chị để dành những yêu thương, chăm chút cho những người phụ nữ khác. Và những lời xin lỗi của anh đã không còn tác dụng, nó chỉ khiến chị thấy được bề trái dối trá trong anh…
Lời xin lỗi có tác dụng làm giảm đi những tức giận, làm hàn gắn những yêu thương, làm cho người nhận lời tin rằng người nói đã thật sự “hoàn lương”, hối lỗi... Nhưng lời xin lỗi có khi chỉ như một cái phao nhẹ tênh để cứu cánh tạm thời, rồi lại “ngựa quen đường cũ”. Lời xin lỗi, chỉ có giá trị khi người thốt ra thật sự thấy được lỗi của mình và khắc phục, sửa lỗi…