Đôi mắt của bà
Tâm sự 18/01/2024 10:15
Nghe mẹ tôi kể lại, năm 1984, khi mẹ sinh ra tôi cũng là năm đôi mắt của bà ngoại cứ mờ đục dần rồi chẳng còn thấy gì nữa. Thời ấy, vì gia cảnh nghèo khó, gia đình các bác các cô còn phải chạy ăn từng bữa nên chẳng có điều kiện đưa bà đi thăm khám, chữa trị; dẫu có buồn cũng đành phải chấp nhận. Thế là từ mùa Xuân thứ 80, bà bắt đầu phải làm bạn với bóng tối suốt ngày.
Những năm học cấp I, cấp II là khoảng thời gian tôi được gần gũi bên bà nhiều nhất. Là bởi, bà ở nhà bác, mà tôi thì một buổi đi học, buổi còn lại đi chăn bò cho cả nhà mình và nhà bác, rồi thường ở lại nhà bác ăn cơm, tối mịt mới về. Giường bà nằm được đặt ở một góc của căn nhà dưới, cũng là nhà ăn, nối liền với căn bếp và bờ giếng. Mỗi lần xuống nhà dưới, tôi lại thấy bà thường ngồi ở mép giường tre, hướng ra phía ngoài cửa đi vào như thể bà luôn muốn trò chuyện với mọi người hoặc chí ít là mong đón được cái nắng gió tự nhiên, thông thoáng ngoài trời.
Ảnh minh họa |
Tôi thương bà cả ngày cứ phải ngồi trầm lặng, lủi thủi một mình như thế! Khi ấy, có lần tôi nhắm mắt lại thật lâu, tưởng tượng nếu mình phải chịu cảnh mù lòa như bà thì sẽ buồn lắm. Vậy mà có lẽ bà đã cố nén bao khó khăn, đau buồn đó để tiếp tục lạc quan sống cho con cháu yên vui, chưa bao giờ tôi thấy bà than phiền điều gì.
Tôi khâm phục bà ở tính tự lập, gọn gàng và sạch sẽ. Dù mù lòa nhưng mọi sinh hoạt cá nhân, từ tắm rửa, vệ sinh đến khâu vá, ăn uống, quét dọn nơi ở,… bà đều cố gắng tự làm được, không phiền đến con cháu phải phục vụ hoàn toàn. Từng món đồ dùng cá nhân đều được bà cất đặt trên chiếc giường tre nơi mình nằm đâu ra đấy và luôn ở một vị trí cố định để có thể lần tìm được dễ dàng khi cần thiết. Ai cũng bảo, dù tuổi cao nhưng bà rất sạch sẽ, thân thiện. Vậy nên, từ con cháu trong nhà cho đến họ hàng, làng xóm, chẳng ai ngại gần gũi, trò chuyện cùng bà.
Tôi còn yêu bà ở tấm lòng thảo thơm, tình yêu thương, sự quan tâm bà luôn dành cho con cháu. Hôm thì bà hỏi han chuyện bố mẹ tôi dạo này làm ăn thế nào. Hôm bà lại hỏi chuyện anh em tôi học hành ra sao. Hôm nào có bánh trái gì ai cho, tôi lại được bà gọi tới cho ăn ké. Lâu lâu, bà còn lần tìm cái bọc vải đựng tiền để trong chiếc giỏ mây nơi cuối giường ra rồi dúi vào tay tôi bảo: “Bà cho mi vài đồng ăn quà vặt!”. Đưa xong, bà lại không quên dặn dò anh em tôi phải thế này thế kia. Nào là phải giúp bố mẹ làm việc nhà, nào là phải học hành cho tiến tới, biết đoàn kết yêu thương, kính trên nhường dưới… Tôi cứ dạ ran, vừa hạnh phúc đến rưng rưng, vừa vui mừng khôn xiết!
Tôi nhớ thi thoảng bà lại gọi tôi đến bên để nắn tay xoa đầu xem tôi lớn bé thế nào. Thế rồi kiểu gì bà cũng lặp đi lặp lại câu nói: “Bố mẹ mi không cho mi ăn, bắt mi làm nhiều hay sao mà mi cứ còi cọc mãi thế này!”. Tôi nhớ những lần bà gọi tôi giúp bà xâu kim, tìm một vài món đồ của bà rơi rớt đâu đó; xong việc, thể nào cũng phải ngồi bên bà một lúc để nghe bà thủ thỉ đủ chuyện. Ngồi bên bà, miệng tôi cứ dạ vâng liên hồi, mắt tôi lại thích ngắm nhìn khuôn mặt của bà - khuôn mặt trái xoan vừa đẹp, vừa toát lên vẻ hiền từ, phúc hậu. Có lần, nhìn bà tôi hỏi đùa: “Bà ơi! Ngày xưa, chắc bà đẹp lắm nên ông mới yêu và cưới bà đúng không!”. Bà đỏ mặt, miệng móm mém cười: “Tổ cha mi, thời ông bà làm gì có chuyện yêu đương như bây giờ!”. Nghe vậy, tôi lại nhăn răng ra cười khoái chí…
Thời gian dần trôi, học đại học xong, tôi lập nghiệp rồi định cư mãi tận trong Nam, lòng vẫn không nguôi thương nhớ về người bà kính yêu. Với tôi, dẫu đôi mắt bà không đủ sáng để có thể nhìn rõ mặt đứa cháu ngoại của mình nhưng bà còn có “đôi mắt” khác sáng ngời hơn, ấy là tấm lòng - tấm lòng bà đã mãi dõi theo, sưởi ấm và soi sáng cho tôi trên bước đường đời!.