Đôi điều về việc mừng thọ
Nghiên cứu - Trao đổi 27/12/2022 09:53
Năm mới thêm tuổi mới, cũng là dịp để người ta tổ chức lễ mừng thọ ông bà, cha mẹ lên các tuổi chẵn, tùy theo phong tục địa phương, có thể bắt đầu từ tuổi 60 hoặc 70. Đây là một mĩ tục của dân tộc ta, thể hiện sự quan tâm, kính trọng của con cháu, của cộng đồng đối với NCT.
Người già, do đặc điểm tâm sinh lí nên ngày càng thu hẹp không gian giao tiếp, dễ gây cho các cụ cảm giác bị lãng quên, nên dịp mừng thọ được con cháu xa gần, họ hàng nội ngoại, bạn bè gần xa đến thăm hỏi, chúc tụng, tặng quà khiến các cụ có thêm niềm vui, tinh thần phấn chấn, yêu cuộc sống hơn. Điều đó rất có ý nghĩa, cần được bảo lưu.
Trong tâm thức của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời bao gồm: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó đạt được nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng. Người xưa cho rằng, những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe, mới có con cháu đề huề. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà. Mừng thọ chính là mừng cái phúc được sống lâu, sống khỏe với con cháu. Khi các cụ được 70, 80 tuổi, Hội NCT phường, xã đều tổ chức chúc mừng, trao thư, tặng quà và chụp ảnh lưu niệm. Những dịp như thế này mang lại tình cảm gắn kết các cụ với con cháu, cộng đồng.
Ảnh minh hoạ |
Sống lâu, sống thọ là ước mong chính đáng của mọi người. Ngày xưa, khi tuổi thọ chưa cao, chỉ 50, 60 tuổi đã được tổ chức lễ mừng thọ. Nhưng ngày nay, điều kiện sống ngày một cải thiện nên tuổi thọ con người cũng dần được nâng cao, lễ mừng thọ thường được tổ chức từ 70 tuổi trở lên. Cá biệt, có nơi vẫn tổ chức mừng thọ ở tuổi 60 theo tục xưa; nhưng có những người 70 tuổi vẫn chưa cho con cháu tổ chức mừng thọ, vì theo họ vẫn chưa đến tuổi thọ trung bình của nước ta (theo báo cáo năm 2020, tuổi thọ trung bình của nước ta khoảng 74).
Không ai phủ nhận ý nghĩa nhân văn của việc tổ chức lễ mừng thọ. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn về việc tổ chức mừng thọ tại các gia đình nên như thế nào. Trước hết, phải xác định việc mừng thọ cần đạt được mục đích gì? Nên chăng, thông qua việc mừng thọ làm cho con cháu, anh em trong gia đình thấy được công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Từ đó, điểm lại thời gian qua, các bậc con cháu đã đối xử như thế nào,… đồng thời nhắc nhở nhau, từ nay về sau hãy luôn kính trọng chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ tốt hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nơi vẫn còn không ít gia đình tổ chức ăn uống linh đình, lãng phí,… làm nhiều người tỏ ra ái ngại mỗi khi được mời đến dự lễ mừng thọ.
Thiết nghĩ, không phải cứ tổ chức lễ mừng thọ linh đình với sự phô trương, rườm rà mới là hiếu nghĩa. Lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ chính là trong suy nghĩ và sự chăm sóc thường xuyên hằng ngày. Đó là chưa kể đến có những gia đình, khi cha mẹ đang sống, sự quan tâm chăm sóc thiếu chu đáo, thậm chí có những cảnh chia nhau, đùn đẩy nhau “ngày thứ 31” nhưng khi tổ chức mừng thọ đến 40; 50 mâm, ăn uống, đọc thơ phú ồn ào. Một số người có địa vị trong xã hội còn tính chuyện lợi nhuận sau cuộc mừng thọ…
Chuyện rằng, vào những năm 70; 80 thế kỉ trước, khi cuộc sống rất khó khăn, cơ cực, người viết bài này từng chứng kiến, có người bác (cậu - theo cách gọi của người miền Trung) đã từng đi đây đi đó về hưu, chữ nghĩa kha khá, con cháu rất thuận hòa. Vào dịp Tết năm đó, mặc dầu ngày Tết mỗi gia đình chỉ độ một vài cân thịt (tính theo nhân khẩu, mỗi người từ 3 - 5 lạng do Ủy ban xã phân phối), con cháu định tổ chức vài ba mâm mừng thọ 80 cho hai ông bà, nhưng ông tuyệt đối không cho. Cụ bảo, mồng 2 Tết, tập trung con cháu ra đồng làm giúp ông bà mấy luống khoai, trưa về làm thịt một con gà, cả nhà ăn cơm tươi một tí gọi là “bữa cơm có thịt”, nói chuyện vui vẻ. Anh em đoàn kết, hiếu nghĩa với cha mẹ như thế là ông bà mừng lắm rồi. Nhớ lại mà thương, một thời khốn khó nhưng đầy tính nhân văn.
Gần đây, cuộc sống khá giả hơn nhiều nhưng một số gia đình con cháu ở xa, trăm công nghìn việc, ngày tết hai ông bà già ở nhà quê quá cô đơn, lạnh lẽo. Vậy khi tuổi chẵn 80, 90… có nên tổ chức mừng thọ linh đình mâm cao cỗ đầy, thơ phú ca ngợi công lao cha mẹ hay không? Cá biệt, có cụ 80, 90 tuổi, con cháu rất đông nhưng “bận việc” không về, ngày Xuân một mình đi đến nhà văn hóa khối xóm để nhận Thiệp mừng thọ của Hội NCT mà các cụ thường gọi là “Bằng NCT” !
Mừng thọ là một nét đẹp cần lưu giữ, phát huy, nhưng tổ chức sao cho vui, cho đẹp mà không lãng phí, phiền hà là điều đáng suy nghĩ trong những ngày đầu Xuân. Cao hơn việc mừng thọ, đó là sự hiếu thảo, kính trọng của con cháu, của lớp trẻ đối với các bậc ông bà, cha mẹ. Việc mừng thọ chỉ thực sự có ý nghĩa khi thường ngày sự chăm sóc NCT, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ chu đáo trong điều kiện có thể. Vài điều cóp nhặt trên đây cũng là để góp vui khi Tết đến, Xuân về. Chúc mọi người, mọi nhà an lành, hạnh phúc.