Dấu ấn nhà địa chủ
Nghiên cứu - Trao đổi 08/06/2023 08:55
Xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tuy nhỏ bé nhưng còn lại đến 6 ngôi nhà của địa chủ ẩn mình dưới bóng những ngôi nhà bê tông, cốt thép. Mỗi ngôi nhà địa chủ có một kiểu dáng khác nhau, phụ thuộc vào đẳng cấp giàu có cũng như tính cách, tâm hồn và óc thẩm mĩ của chủ nhân. Trải qua những biến cố lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, đến bây giờ những ngôi nhà địa chủ thời xưa ở đây tuy có phần xuống cấp, song về cơ bản những di sản quý giá này vẫn còn khá nguyên vẹn và đang cần sự chăm sóc của mọi người.
Ông Nguyễn Văn Chô, Phó Chủ tịch Hội NCT xã tâm sự: “Giữa cuộc sống hiện đại hôm nay, thật may cho quê hương vẫn còn giữ được những ngôi nhà mang đậm dấu ấn thời phong kiến. Về mặt chính trị - xã hội, nó như một pho tư liệu phản ánh đầy đủ sự chướng tai, gai mắt về cuộc sống thừa thãi vật chất của tầng lớp địa chủ trên đôi vai gầy mòn của bà con nông dân thời bấy giờ. Còn về mặt văn hóa kiến trúc, đây lại là nơi lưu giữ những nét tạo tác tài hoa từ những người thợ trứ danh thời xưa ở đồng bằng Bắc Bộ”.
Nhìn từ bên ngoài, nhà địa chủ ở đây gây ấn tượng nhất chính là cái cổng. Mỗi cổng được xây dựng và trang trí hoa văn có kiểu dáng khác nhau; cái này thì mái bằng, cái kia thì mái chảy. Cổng thường được xây cao ráo bằng gạch thất đốt rơm. Điều đặc biệt, tất cả hai bên hông các cổng ít nhiều đều có khảm chữ Hán, nội dung biểu hiện thái độ, quan điểm sống của mỗi địa chủ. Trong lúc cùng con cháu ngồi bện chổi rơm nếp trước hiên ngôi nhà cổ của mình, cụ bà Phạm Thị Be - vợ lẽ của địa chủ thôn Dứa Thự kể: “Cái cổng là nơi phô trương tính cách cũng như sự giàu có của tất cả các gia đình địa chủ thời bấy giờ, cho nên trong khi xây dựng dinh cơ, ông nhà tôi rất coi trọng nó” .
Bên trong những cái cổng kín, tường cao ấy là một không gian nền nã, thoáng mát và có phần biệt lập, cách li với tầng lớp nông dân đói cơm, rách áo bên ngoài thuở xưa. Không gian các nhà địa chủ tuy có phần khác nhau về các chi tiết, nhưng trên nguyên tắc vẫn tuân theo một trình tự nhất định: Cổng ngõ có mái che, sân lát gạch thất hình chữ nhật, ngoài vườn đối diện với cửa chính có hòn non bộ, nhà (gồm 5 gian, gian chính để thờ tự, hai gian bên cạnh kê hai giường ngủ, còn hai đầu là hai buồng kín đáo thường là chỗ ngủ của đàn bà con gái, hoặc cặp vợ chồng và chứa thóc gạo). Điều đặc biệt, cho dù nhà lớn hay nhà nhỏ, các địa chủ thời xưa ở đây đều nhất nhất tuân theo thuật phong thủy.
Cụ Phạm Thị Be (ngồi giữa) cùng con cháu trước hiên ngôi nhà cổ của mình bện chổi rơm nếp. |
Các ngôi nhà địa chủ đều được xây cất theo hình chữ "đinh", diện tích khoảng 100m2, cửa bức bàn ngưỡng bát. Mái nhà lợp ngói mũi hai lớp. Toàn bộ hệ thống cột, xà, bẩy, kẻ, thượng lương, chồng bồn kẻ nghé, búp măng tam sơn… làm bằng gỗ lim chạm khắc lá giắt có hình thông, mai, cúc, trúc. Đầu các bẩy (ở hiên) đều được khắc chữ “thọ”. Tất cả nhà địa chủ phong kiến ở đây tuyệt đối không thấy có trang trí hình long (rồng), chim phụng. Ngay cả những chi tiết như mặt trăng, mặt trời quen thuộc đều phải có phép tắc phân định rõ ràng.
Trong số những kiến trúc cổ thời phong kiến ở đây, nhà của địa chủ Lê Văn Bảng (đã qua đời) là bề thế và đẹp nhất. Cổng ngõ và toàn bộ tường, hiên, nền, sân của ngôi nhà này đều được xây bằng gạch Bát Tràng. Ông Lê Văn Tuần, chủ sở hữu căn nhà bộc bạch:
- Ngôi nhà này được bố đẻ của tôi xây vào năm 1937 nên rất có giá trị về mặt kiến trúc cổ còn lại đến ngày nay. Thế nhưng việc gìn giữ, bảo tồn ngôi nhà mang đậm dấu ấn giàu có thời xưa này như thế nào cho đúng giá trị thì chỉ có gia đình tôi quan tâm suốt mấy chục năm qua. Mong sao tới đời các con cháu tôi mai kia vẫn tiếp tục gìn giữ được ngôi nhà của ông cha để lại nguyên vẹn như hiện tại.
Từ góc nhìn cảnh quan, các ngôi nhà địa chủ ở xã Hồng Quang “may mắn” còn lại đến ngày nay đã góp phần không nhỏ làm cho diện mạo kiến trúc của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ có nét độc đáo, phong phú. Tuy nhiên việc giữ gìn, bảo tồn những ngôi nhà mang đậm dấu ấn thời phong kiến như thế nào cho đúng tầm giá trị của chúng lại là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vài năm trở lại đây, một số bà con ở đây quan tâm đến những di sản văn hóa đã liên tục khuyên bảo, động viên tất cả những người sở hữu ngôi nhà địa chủ cố gắng giữ gìn, bảo tồn trước sự tàn phá của thời gian.