Dân không đồng tình thì đừng cố tách luật!
Nghiên cứu - Trao đổi 25/02/2022 11:36
- Phóng viên: Với tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông từng đứng trước nghị trường phát biểu, phản đối việc tách Luật GTĐB năm 2008 thành 2 luật mới, nay dự thảo này lại được đưa ra thảo luận lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia… Ý kiến của ông về việc này thế nào?
- TS Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết tôi khẳng định, đến thời điểm này tôi vẫn không thay đổi ý kiến đã phát biểu trong nghị trường, việc tách Luật GTĐB năm 2008 theo hướng thành 2 luật là không cần thiết. Tại kì họp Thứ 10, Quốc hội khóa XIV, có gần 70% đại biểu Quốc hội không đồng ý tách luật, cả việc chuyển chức năng quản lí, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang cho Bộ Công an. Qua đó khẳng định, việc tách Luật GTĐB thành 2 luật là không cần thiết.
Rõ ràng, Quốc hội khoá XIV rất thận trọng và kĩ lưỡng. Có 2/3 đại biểu không đồng tình và có lí do về cơ sở chính trị, pháp lí, khoa học, thực tiễn để không đồng tình. Trong đó cũng có những vấn đề khoa học rất căn bản: Một là, khi chúng ta ban hành Luật GTĐB, mục đích chính là cơ sở pháp lí để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hai là, những vấn đề nội hàm của GTĐB gồm: thể chế, chính sách, bộ máy, con người, phương tiện, công cụ và những vấn đề, các biện pháp xử lí có liên quan.
Ảnh: Hoàng Giang – Anh Vũ |
- Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về nội hàm của Luật GTĐB năm 2008?
- TS Lưu Bình Nhưỡng: Ở đây tôi nói đến 3 vấn đề: Thứ nhất là mục tiêu của việc ban hàng đạo luật GTĐB, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Như trên đã đề cập, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xét cho cùng cũng chỉ là một nội dung “rất nhỏ” trong lĩnh vực GTĐB nói chung. Thứ hai, an toàn GTĐB là lĩnh vực quản lí nhà nước, là lĩnh vực quản lí chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Phải khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị quản lí về lĩnh vực giao thông và vận tải, xét cho cùng đạo luật về GTĐB ra đời để phục vụ cho quản lí nhà nước về lĩnh vực này. Vậy thì, nói chung nó phải thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, chứ sao lại thuộc về Bộ Công an!? Cả Bộ Công an, hay bộ khác, cũng như công dân khi tham gia giao thông, đều phải chấp hành sự quản lí của Chính phủ nói chung và đầu mối tham mưu, chỉ đạo, điều hành là Bộ Giao thông Vận tải. Như vậy chúng ta mới thấy rằng, quản lí nhà nước đang thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải là hoàn toàn đúng và khoa học. Vì vậy không có cớ gì để chuyển sang cho Bộ Công an.
Thứ ba, Bộ Công an là cơ quan quản lí về an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm, nên không có thẩm quyền quản lí về giao thông, đường xá, phê duyệt làm đường, cắm biển báo, quản lí phương tiện, kể cả xử phạt vi phạm hành chính… Trong trường hợp này cho thấy, không có bất kì cơ sở nào để có thể giao cho Bộ Công an quản lí trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ảnh: Hoàng Giang – Anh Vũ |
Ở ta giao việc xử phạt vi phạm giao thông cho Bộ Công an, là vấn đề lịch sử nhưng thực tế chưa đúng, cần phải cải tổ. Sử dụng lực lượng vũ trang để quản lí nhà nước là không đúng rồi, lực lượng vũ trang chỉ là công cụ hành pháp của Nhà nước, chứ không thể là lực lượng quản lí lĩnh vực kinh tế - xã hội của Nhà nước. Nó không phù hợp về mặt khoa học, cũng như về quan điểm quản lí nhà nước nói chung. Thế nên, trên nghị trường tôi đã nêu ý kiến đề nghị chuyển hết Cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải, mà vẫn giữ nguyên chế độ cho cán bộ.
Việt Nam là một trong số ít nước sử dụng lực lượng vũ trang để giữ trật tự giao thông, đó là sự tréo ngoe với những nguyên tắc quản lí xã hội. Đây chính là sự xâm chiếm về mặt pháp lí, từ lĩnh vực này nhảy sang lĩnh vực khác để làm thay, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, là không đúng tinh thần đường lối của Đảng. Ví dụ, nếu có tội phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, sẽ yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc, yêu cầu các lực lượng phòng chống tội phạm vào cuộc. Còn câu chuyện xe cộ, vận chuyển thậm chí có vi phạm hành chính, thì phải do ngành giao thông vận tải xử lí.
Điều 2 Hiến pháp của chúng ta có một quy định rất quan trọng, đó là nguyên tắc: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Các bộ, ngành, địa phương đều có thanh tra chuyên ngành, có thẩm quyền xử phạt. Vậy vì sao không bàn giao toàn bộ nhiệm vụ đó cho thanh tra giao thông? Rõ ràng có vấn đề cần cân nhắc, xem xét ở tầm vĩ mô.
Ảnh: Hoàng Giang – Anh Vũ |
- Phóng viên: Như vậy, nếu tách luật thì sẽ chồng chéo về quản lí, điều hành vấn đề giao thông đường bộ. Nghĩa là bộ nào nắm giữ luật thì bộ đó thực thi luật?
- TS Lưu Bình Nhưỡng: Tức là cơ quan/tổ chức nào muốn tạo sự ảnh hưởng với xã hội, thì cơ quan/tổ chức đó tạo ra ảnh hưởng của mình bằng cách chủ trì về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Đối với hành pháp, nó không chỉ liên quan đến quyền, nghĩa vụ, mà còn liên quan cả đến các lợi ích. Bởi trong một đạo luật như thế, anh phải là cơ quan chủ trì, các cơ quan khác chỉ là phối hợp. Đấy chính là sự khôn ngoan của nhiều cơ quan trên thế giới. Cho nên Quốc hội khoá XIV mới nhìn nhận được vấn đề này và đã lưu ý. Nếu tách nhiệm vụ của bộ ngành này giao cho bộ ngành khác làm, sẽ phát sinh thủ tục, quan hệ, chi phí, tiêu cực – tham nhũng và có thể dẫn đến cửa quyền, cát cứ.
Ảnh: Hoàng Giang – Anh Vũ |
- Phóng viên: Ông có cho rằng, việc tách làm 2 luật rất dễ kéo theo tranh chấp quyền lực?
- TS Lưu Bình Nhưỡng: Thứ nhất, nếu tách làm 2 luật, người dân sẽ không hình dung được, có quá nhiều luật, người dân không thể theo kịp, xã hội lại phải “set up” lại từ quan niệm đến thực thi, đảo lộn hết những nguyên lí, nên người dân không đồng tình. Thứ hai, có một số người lí luận theo kiểu cực đoan, người ta cho rằng nên đưa luật này về cho công an quản lí. Tôi cho rằng đó là sai căn bản, người ta quản lí theo luật, chứ không phải theo lực lượng.
- Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Công an từng giải trình trước Quốc hội khóa XIV rằng, không có tranh giành quyền hay lợi ích nhóm gì ở đây, mà tất cả đều là vì dân. Ông thấy ý kiến này như thế nào?
- TS Lưu Bình Nhưỡng: Nói tách luật là vì dân, nhưng dân không đồng tình, sao cứ phải cố tách?
Ảnh: Hoàng Giang – Anh Vũ |
- Phóng viên: Một vấn đề nữa, việc chuyển chức năng đào tạo, quản lí, cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công an thực hiện điều đó sẽ như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Điều này có ảnh hưởng gì đến 3 thành tố lập pháp - hành pháp - tư pháp không, thưa ông?
- TS Lưu Bình Nhưỡng: Lĩnh vực sát hạch, đào tạo, bồi dưỡng và cấp bằng lái xe, chính là lĩnh vực quản lí nhà nước về giao thông vận tải, chứ không phải lĩnh vực của Bộ Công an. Lực lượng công an còn bao việc phải làm, nên không thể đi sát hạch cấp bằng đại học, bằng phi công, hay bằng lái xe tăng cho lính tăng thiết giáp… Sát hạch, cấp bằng lái xe bản chất vốn là lĩnh vực quản lí nhà nước về giao thông vận tải. Bộ Công an có thể xin cấp phép mở những trường dạy, sát hạch lái xe cho lực lượng, nhưng tất cả đều phải thuộc sự quản lí của Bộ Giao thông Vận tải. Điều này là sự bảo đảm tính độc lập tương đối và hiệu quả của 3 thành tố lập pháp - hành pháp - tư pháp.
Điều quan trọng là Đại biểu Quốc hội khóa XV phải hết sức thận trọng vấn đề này, khi đưa ra bàn thảo và quyết định.
- Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hà Nội: Phấn đấu năm 2030, 100% người cao tuổi có thẻ BHYT |