Cưỡng chế thu hồi đất đai, thực trạng và kiến nghị
Pháp luật - Bạn đọc 08/02/2023 09:19
Luật Đất đai năm 2013 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, gồm 3 bước:
Bước 1: Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
Bước 2: Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Bước 3: Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển dịch tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Luật Đất đai năm 2013 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. |
Trước đây, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về thành phần tham gia cưỡng chế nên các địa phương thường phải vận dụng các quy định về cưỡng chế xử phạt hành chính để vận dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, cách áp dụng này không có cơ sở pháp lí hoàn chỉnh, vì vậy phát sinh một số bất cập. Để khắc phục tình trạng đó, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định cụ thể thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất bao gồm: (1) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là Trưởng ban; (2) Các thành viên gồm đại diện các Phòng chuyên môn cấp huyện như Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra, Tư pháp, Kinh tế - Hạ tầng… Cùng với đại diện một số ban, ngành, đoàn thể, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.
Một trong những điều kiện để tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất là:“Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục”.
Có thể thấy, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013 không đòi hỏi phải “rà soát” đủ các điều kiện về trình tự, thủ tục như văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003. Do vậy, trách nhiệm của người ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất hiện nay chỉ tập trung vào khâu tổ chức vận động, thuyết phục, ra quyết định cưỡng chế và thực hiện quyết định cưỡng chế theo đúng quy định. Mặt khác, trong quản lí Nhà nước phải kết hợp giữa thuyết phục và cưỡng chế theo phương châm “lấy thuyết phục là chính”. Cùng với việc nâng cao mức sống của Nhân dân, cần nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa dẫn đến việc thu hẹp môi trường áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Cưỡng chế Nhà nước cũng vì vậy được thay thế dần bằng những biện pháp tác động xã hội. Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 quy định công tác vận động, thuyết phục là một trong những điều kiện để tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn về công tác vận động, thuyết phục người có đất bị thu hồi. Thực tiễn áp dụng công tác vận động, thuyết phục người có đất bị thu hồi gặp không ít những khó khăn trong việc xử lí tình huống xảy ra trong quá trình vận động, thuyết phục. Không ít địa phương xem trọng công tác cưỡng chế thu hồi đất hơn là công tác vận động, thuyết phục để người có đất bị thu hồi tự nguyện giao đất. Do đó, nhiều quyết định cưỡng chế ban hành không cần thiết, thậm chí có trường hợp gây phát sinh phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.
Để công tác vận động, thuyết phục có hiệu quả, trước khi quyết định cưỡng chế, đối với từng trường hợp cụ thể, chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cần ghi nhận ý kiến của người dân về trường hợp cần cưỡng chế, xem xét những ý kiến đóng góp đó để quyết định nên hay không nên tiến hành cưỡng chế. Khi thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở thì việc quyết định cưỡng chế sẽ không còn là ý chí chủ quan của Nhà nước mà vụ cưỡng chế sẽ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đặt ra, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng chính đáng của đa số người dân. Hơn nữa, điều này còn tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, từ đó tạo ra dư luận tích cực, khuyến khích, động viên người dân tự nguyện giao đất.
Một trong những điểm cần tính toán và thận trọng là việc quyết định thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế. Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc thứ hai trong cưỡng chế là:“Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính”. Tuy nhiên, trong lĩnh vực cưỡng chế thu hồi đất, chưa có văn bản hướng dẫn về việc không tiến hành cưỡng chế vào các ngày nghỉ lễ, Tết, các dịp tổ chức sự kiện trọng đại của đất nước hoặc quan trọng ở địa phương. Do vậy, cần phải có văn bản hướng dẫn về vấn đề này cũng như tránh tiến hành cưỡng chế vào thời điểm nói trên và thời điểm gia đình người bị cưỡng chế tổ chức hữu sự, hỉ sự. Cưỡng chế trong thời điểm này dễ làm ảnh hưởng đến uy tín, tâm lí của người bị cưỡng chế, từ đó dễ dẫn đến khả năng chống đối quyết liệt.
Trong quá trình tiến hành cưỡng chế, cần bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát trực tiếp của người dân và cơ quan báo chí. Để hạn chế tình trạng lạm quyền của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì biện pháp giám sát trực tiếp của công dân và phản ánh của báo chí là rất quan trọng. Luật Đất đai năm 2013 không trực tiếp quy định về quyền phỏng vấn, ghi âm, quay phim, chụp ảnh trong cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất. Nhưng đây là quyền của nhà báo để hoạt động tác nghiệp; quyền giám sát của công dân đối với việc thực thi công vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Một vấn đề cần lưu ý là việc xử lí tài sản cho người có đất bị thu hồi sau cưỡng chế. Xét cho cùng, người bị cưỡng chế chỉ vì lợi ích mà họ không chấp hành quyết định thu hồi đất.
Chính vì thế, với tính chất nhân đạo của Nhà nước ta thì cho dù họ có là người vi phạm hay không vi phạm cũng đều phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của họ. Hiện nay, pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định UBND cấp xã chịu trách nhiệm bảo quản tài sản sau cưỡng chế và chi phí bảo quản do người bị cưỡng chế chịu. Tuy nhiên, tất cả các văn bản pháp luật không quy định thời hạn gửi giữ tài sản là bao lâu. Thực tế cho thấy, sau thời gian gửi và không sử dụng, tài sản bị hư hỏng, giảm hoặc mất công năng sử dụng. Theo thời gian, có những trường hợp chi phí gửi có giá trị lớn hơn giá trị thật của tài sản. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn gây khó khăn cho UBND cấp xã.
Thực tiễn cho thấy, số vụ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chiếm tỉ lệ không lớn so với tổng số quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, mỗi vụ cưỡng chế luôn tiềm ẩn nguy cơ chống đối cao vì đây là đặc điểm phổ biến của vụ việc cưỡng chế, hành vi chống đối diễn ra rất đa dạng và đều có sự chuẩn bị từ trước, thậm chí là chuẩn bị rất chu đáo. Chính vì vậy, trong suốt quá trình cưỡng chế từ khâu chuẩn bị đến khi tiến hành và giải quyết các vấn đề pháp lí phát sinh sau cưỡng chế, cần phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quá trình cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất trong trường hợp đặc biệt, quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đất đai năm 2013 không quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Về lâu dài, cần có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về nội dung thu hồi đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Theo đó, Nhà nước cần bổ sung, sửa đổi những quy định về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất như: (1) quy định cụ thể hơn về nội dung và cách thức thực hiện công tác vận động, thuyết phục người có đất bị thu hồi; (2) bổ sung quy định định thời điểm tiến hành cưỡng chế; (3) quy định thời hạn xử lí tài sản trong quá trình tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; (4) quy định về cụ thể về quyền phỏng vấn, ghi âm, quay phim, chụp ảnh trong cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.