Cụ Tiến chỉ có tiến chứ không dừng!
NCT làm kinh tế giỏi 22/02/2023 10:14
Trang trại tổng hợp
Tôi không nghĩ vợ chồng cụ người tuổi tám mươi, người bảy mươi sáu bởi họ khá trẻ và khỏe! Khi tiếp xúc, chuyện trò, được ông đưa đi thăm trang trại, nghe kể quá trình bỏ công sức cần cù chỉnh trang, xóa dần đồi trọc để có hơn 5 ha đất mở trang trại như hôm nay thì thật sự kính phục! Cụ cười rang rảng: “Phía sau của tôi có bóng dáng của bà Phúc!”. Bà Phúc là tên vợ cụ.
Cụ Trần Tiến |
Trang trại của cụ dành cho chăn nuôi và trồng hoa màu, còn lại trồng cây công nghiệp. Cụ phát triển dần sản xuất, mở rộng chăn nuôi theo mô hình VAC, được UBND huyện Núi Thành công nhận là trang trại kinh doanh tổng hợp. Tôi được biết thêm, cụ từng tham gia công tác trong HTX nông nghiệp tại địa phương 20 năm, trong đó có 15 năm làm chủ nhiệm! Gần đây cụ chuyển đổi, trồng các loại cây ăn quả, cây cảnh… có giá trị kinh tế cao như dừa xiêm (50 cây), mít (250 cây), mai hương nhân giống từ Huế (3.500 cây, nay đã 5 năm tuổi)... Riêng mai hương bình quân mỗi cây 1 triệu đồng thôi thì số cây trên đã có giá hơn 3 tỉ đồng. Doanh thu hằng năm từ vườn ươm cây giống cau (100.000 cây), quế (120.000 cây) hơn 700 triệu đồng. Cạnh đó, cụ còn tổ chức lao động tại chỗ gồm một số bà con dân tộc thiểu số Ca Dong ở xã Trà Bui, huyện miền núi Bắc Trà My, trồng và bảo vệ 300 ha rừng cho Nhà nước. Bình quân mỗi năm thu được 350 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Ngoài ra còn quy hoạch 2 ha trồng cây sinh thái hỗn hợp trong trang trại với các loại cây gõ, dổi, ươi, huỳnh đàn, sưa (mỗi loại 300 cây).
Kinh nghiệm chăn nuôi
Với đàn heo rừng lai 15 con nái, heo giống, heo thịt 240 con, ước doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm; hơn 2.000m2 ao cá các loại, chỉ dành để dùng cho gia đình và công nhân lao động tại chỗ và thời vụ cũng như bà con trồng rừng chứ không bán. Nuôi heo rừng lai suốt nhiều năm, cụ tích lũy kinh nghiệm: “Nuôi heo rừng không thể như nuôi heo nhà. Thức ăn của nó phải tươi sống mới có thịt ngon; phải có nước sạch thường xuyên từ uống cho đến giội... Sinh sản được 1 tháng phải thả ra. Mỗi con nái phải có ô chuồng diện tích 4m2. Sau khi phối nhốt lại 1 tháng, trước khi sinh khoảng 10 ngày nhốt lại chăm sóc rồi thả…”.
Mới đây cụ đầu tư nuôi trùn quế, ốc bươu đen. Thức ăn của ốc bươu đen là bèo hoa dâu, rau thân mềm (giá ốc đen thương phẩm 100 nghìn đồng/kg), thả 50.000 con, trên diện tích 300m2, nuôi đã được bốn tháng; trùn quế nuôi trên diện tích 1.000m2. Cứ 1 tấn trùn sinh khối (giá 11 triệu đồng), trong đó gồm có 20% trùn, 20% trứng trong trùn còn lại 60% là phân, đã nuôi được 5 tháng. “Ban đầu cho máy đánh phân đến nhuyễn cho trùn ăn. Chỉ áp dụng 3 tháng thôi, sau đó mua phân chuồng hoai mục đổ thẳng cho nó ăn! “Tôi học theo trên mạng, có cải tiến như cho trùn ăn trực tiếp, tiết kiệm được nhân công, điện đóm”, cụ kể. Hiệu quả rất rõ, phân chuồng bán được 400 nghìn đồng/tấn, sau khi trùn ăn thải ra phân bán 5 triệu đồng/tấn!
Chưa hết, cụ còn dành hơn 600m2 đất trang trại cho thuê lắp điện mặt trời. Khéo tận dụng có mái che lấy bóng mát, phía dưới nuôi ốc, nuôi trùn quế! Một công đôi chuyện. Cứ nhẹ nhàng khai thác lợi thế... giữa trời vậy thôi! Tuổi cao, chọn việc nhẹ nhàng như cụ bây giờ trong trang trại là chỉ đạo 5 lao động thường xuyên cho ốc bươu đen, trùn quế ăn, chăm sóc cây, bón phân, làm cỏ và khoảng 20 lao động thời vụ khi ươm cây...
Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của cụ Tiến sẽ mở rộng trại heo rừng lai để mỗi năm có thể xuất chuồng từ 400 đến 500 con; duy trì gieo ươm một số cây giống hiệu quả kinh tế cao; mở rộng diện tích nuôi trùn quế từ 1.000m2 lên gấp ba lần; diện tích nuôi ốc bươu đen từ 300m2 lên gấp năm lần, nuôi ốc sinh sản lấy trứng tự ấp để phát triển nhằm giảm chi phí mua con giống. Và nhất là sẽ phát triển khu vườn sinh thái nhằm bảo tồn các loại gỗ quý hiếm, nhân rộng các loại thảo dược…
Cụ Tiến chân tình: “Kinh doanh về con giống, cây giống quay vòng đồng vốn nhanh, rủi ro thấp nhưng lại có lợi nhuận cao. Quan trọng nhất là giữ vững ý chí, nuôi dưỡng niềm đam mê công việc, chịu khó nắm bắt thị trường thì kết quả tốt đẹp sẽ đến”. Đúng là cụ Tiến chỉ có tiến chứ có chịu dừng đâu!