Chí làm giầu của ông Đỗ Xuân Tảo
Tuổi cao gương sáng 02/03/2023 10:01
Xởi lởi và nhanh nhẹn, ông Đỗ Xuân Tảo hướng dẫn tường tận mô hình V-A-C của gia đình ông bà trên diện tích khoảng 9.000m2. Vườn (V) xen cài hàng chục loại cây ăn quả xanh um, mát mắt như mít, na, bưởi, ổi, nhãn, táo, mía… Các loại quả vừa bán, vừa đãi khách, rả rích thu tiền theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Ao (A) khoảng một mẫu nuôi cá trôi, mè, trắm… 6 tháng thu hoạch một lần, thu tiền mớ. Chuồng (C) chủ yếu là nuôi gối vụ trên 1.000 đôi chim bồ câu Pháp để bán chim giống và hàng tuần xuất bán hàng trăm đôi chim thịt. Cùng đó còn nuôi vài chục đầu lợn và hàng ngàn con gà thương phẩm… Lao động chủ yếu là ông bà cùng vợ chồng con trai.
Kĩ thuật nuôi chim bồ câu Pháp được ông Tảo đặc biệt chú trọng từ cách chọn mua chim giống; nhiệt độ theo mùa trong chuồng nuôi; cách cho ăn, cho uống; cách chữa bệnh cho chim; hệ thống máy ấp trứng… Do vậy, ít xảy ra “sự cố” làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sinh sản của chim; được khách trong và ngoài tỉnh mua thường xuyên hài lòng, tin tưởng. Nguồn phân chim vừa để bón cây, vừa là nguồn thức ăn cho cá…
Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội NCT xã Thanh Trù (phía trái) thăm chuồng nuôi chim bồ câu Pháp của ông Đỗ Xuân Tảo. |
Với mô hình V-A-C này, mỗi tháng trừ mọi chi phí, gia đình ông Tảo thực lãi được trên dưới 20 triệu đồng.
Ông Tảo cho biết, mô hình V-A-C này, gia đình ông làm từ đầu năm 2015 đến nay. Năm 2018, ông được chọn là CCB làm kinh tế hiệu quả của tỉnh Vĩnh Phúc tham dự Hội nghị CCB làm kinh tế giỏi 14 tỉnh phía Bắc. Ông khẳng định: “Có được kết quả như ngày hôm nay là cả chặng đường gian truân, quyết tâm tìm cách làm giàu của bản thân cùng vợ con. Đó là nghị lực, sức bền của người lính mà ông rèn dũa từ những tháng ngày trong quân ngũ.
Ra quân ông trở về địa phương trong hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố là thương binh nặng chống Pháp, mẹ già yếu, đồng ruộng bạc màu, Nhân dân thôn quê đói khổ… đã thôi thúc cựu binh Đỗ Xuân Tảo phải vươn lên, tìm cách thoát nghèo. Vậy là, như con thoi, hàng loạt cách làm ăn của ông được trình làng, như: Vay vốn để mua máy xát gạo; sắm xe bò kéo để vận tải hàng hóa thuê; đấu thầu 3.600m2 ao hồ và thuê thêm 1.6002 đất nữa để sản xuất gạch đất nung; mua ô tô tải 5 tấn để kinh doanh than dùng đốt lò gạch…
Hưởng ứng chủ trương của TP Vĩnh Yên xóa bỏ nghề sản xuất gạch ngói nung thủ công vì quá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống dân sinh trong xã, nên cuối năm 2014, gia đình ông Tảo bỏ hẳn nghề nung gạch ngói thủ công và chuyển sang mô hình V-A-C. Để mô hình đạt hiệu quả, ông dành nhiều thời gian đi “tầm sư học đạo” ở trong và cả ngoài tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Long, Cần Thơ…
Sinh năm 1958, ông Tảo luôn là “gương sáng” trong cách nghĩ, cách làm; cách giáo dục, hướng dẫn, động viên vợ con đồng lòng, năng động để làm giàu bằng bàn tay, khối óc và nghị lực của chính mình. Ông cùng gia đình luôn đóng góp xây dựng quê hương; giúp đỡ, tri ân đồng đội; tham gia các phong trào nghĩa tình; ủng hộ kinh phí các hoạt động văn nghệ, thể thao của NCT…
Ông Tảo vừa là CCB, vừa là hội viên NCT của xã Thanh Trù “làm kinh tế giỏi, thi đua giúp nhau xóa đói giảm nghèo” cấp tỉnh.