Công ty BĐS Đông Á nợ Công ty chứng khoán KVS: Chây ỳ hay bất chấp pháp luật?
Pháp luật - Bạn đọc 26/12/2019 14:29
Ngày 20/12/2011, Tổng Công ty Bất động sản Đông Á (Công ty Đông Á) có địa chỉ tại phường Đông Hương, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, do ông Cao Tiến Đoan làm Tổng Giám đốc, vay của Công ty chứng khoán KENANGA Việt Nam (Công ty chứng khoán KVS) số tiền 25 tỷ đồng theo Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01/HDTUVDT/KVS-DA/2011, cam kết trả sau 10 tháng kể từ ngày giải ngân. Sau nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty Đông Á thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, nhưng Công ty Đông Á và ông Cao Tiến Đoan không thực hiện. Tháng 5/2015, Công ty chứng khoán KVS gửi đơn khởi kiện ra TAND TP.Thanh Hóa. Tại phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, đều tuyên Hợp đồng số 01/HDTUVDT/KVS-DA/2011 bị vô hiệu do vi phạm điều cấm (dù không chỉ rõ ra được vi phạm điều cấm gì theo quy định của pháp luật), giúp cho Công ty Đông Á thắng kiện, "nghiễm nhiên" chiếm dụng số vốn hàng chục tỷ đồng của Công ty chứng khoán KVS trong nhiều năm, mà chỉ phải trả số tiền gốc. Căn cứ theo các quy định và văn bản pháp luật trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp, chứng khoán, thuế, kế toán cho thấy thực tiễn xã hội đã diễn ra hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng hay ngân hàng và hoạt động này là hợp pháp, được công nhận. Do đó, việc phán quyết hoạt động cho vay tiền giữa Công ty chứng khoán KVS và Công ty Đông Á vô hiệu là vô căn cứ, thiếu tính pháp lý và thực tiễn.
Chánh án TAND Cấp cao tại Hà nội ra Quyết định số 09/2017/KN-KDTM đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm |
Không đồng ý với phán quyết vô căn cứ của tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm và cho rằng những quyết định này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho những kẻ vay tiền rồi sau đó quỵt nợ, Công ty chứng khoán KVS tiếp tục làm văn bản kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. Có lẽ hiếm thấy một vụ kiện dân sự, thương mại thông thường nào mà TAND Cấp cao lại phải ra nhiều quyết định như vậy. Ngày 28/4/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà nội ra Quyết định số 09/2017/KN-KDTM đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Nhưng đến ngày 23/11/2017, Chánh án TAND Cấp cao lại có Quyết định số 04/2017/QĐRKN-DTM rút toàn bộ Quyết định kháng nghị số 09/2017/KN-KDTM. Ngạc nhiên là Quyết định số 09/2017/KN-KDTM và số 04/2017/QĐRKN-DTM đều là của Chánh án TAND Cấp cao tại Hà nội. Liệu có sự tác động nào đó khiến cơ quan tư pháp cấp cao đưa ra 2 quyết định “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như vậy”?!
Không nản lòng, Công ty chứng khoán KVS lại tiếp tục làm đơn yêu cầu thủ tục Giám đốc thẩm lần 2. Sau khi xem xét hồ sơ, kiểm tra tài liệu, chứng cứ và nhận định, ngày 27/7/2018, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 06/QĐKNGĐT-VC1-KDTM đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử Giám đốc thẩm theo hướng: Hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án Thanh Hóa do bản án này “không chính xác, không đầy đủ, thiếu khách quan, đã vi phạm nghiêm trọng điểm a, Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của Công ty chứng khoán KVS”.
Căn cứ vào kháng nghị trên của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội, ngày 21/1/2019 Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã họp và ra Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT, trong đó nêu rõ kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội là có cơ sở. Đồng thời, tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa Thanh Hóa, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Thanh Hóa xét xử lại.
Quyết định trên của TAND Cấp cao tại Hà Nội được dư luận, những người quan tâm đến vụ việc đánh giá cao, thật sự “tâm phục khẩu phục” và có thể được xem như một “án lệ” cho việc xét xử sau này.
Phán quyết của TAND Cấp cao là vậy, song đã gần 1 năm trôi qua, vì lý do nào đó mà đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử lại dù theo quy định tại Điều 349 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì Quyết định có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng Giám đốc thẩm ra quyết định. Theo Công ty chứng khoán KVS, họ đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị tới TAND Tối cao cùng một số cơ quan hành pháp khác như Viện KSND Tối cao, Uỷ ban pháp luật Quốc hội, các cơ quan ban Đảng, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, TAND tỉnh và TP. Thanh Hóa, nhưng không nhận được bất cứ hồi âm nào từ các cơ quan chức năng này. Vụ án lại một lần nữa bị "bỏ lửng", chưa biết đến khi nào mới đi đến hồi kết do sự tắc trách của các cơ quan chức năng hay còn có sự toan tính nào đằng sau việc trì hoãn quyết định của Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội.
“Chúng tôi không vì thế mà nản, vay phải trả là lẽ đương nhiên. Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ việc này đến cùng cho đến khi nào công lý, lẽ phải thuộc về chúng tôi. Chúng tôi hiểu, khả năng sẽ có những tiêu cực, chạy án đằng sau vụ việc này, nhưng thực tế cho thấy, chúng tôi không làm gì trái pháp luật, sớm hay muộn vụ việc sẽ phải được đưa ra xét xử lại theo quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm”, người đại diện của Công ty chứng khoán KVS thẳng thắn chia sẻ quan điểm trên.
Báo điện tử Ngày mới (Báo Người cao tuổi) tiếp tục thông tin về vụ việc tới độc giả.