Có dấu hiệu Tòa án xét xử trái pháp luật!
Đơn thư bạn đọc 11/08/2021 15:14
Nhà, đất tại 35 Trần Bình Trọng, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trước khi xảy ra tranh chấp |
Nội dung vụ án
Vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật; tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà đất và đòi bồi thường thiệt hại về tài sản”, đối với nhà, đất tại 35 Trần Bình Trọng, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Hạnh Đan và bị đơn là bà Tăng Thị Đông, ở 35 Trần Bình Trọng, phường 5, TP Đà Lạt
Chị Nguyễn Thị Hạnh Đan (nguyên đơn) trình bày: Chị Đan có bố là cụ Nguyễn Văn Sửu, sinh năm 1937 (tên gọi khác Nguyễn Thái Cương, mất năm 2003). Cụ Sửu có các người vợ là cụ Dương Thị Thanh Đức, sinh 1935, con chung là chị Nguyễn Thị Mai Khanh; bà Tăng Thị Lợi sinh 1942, con chung là chị Nguyễn Thụy Hạnh Đan, sinh 1973; và bà Tăng Thị Đông, sinh 1954, con chung là Nguyễn Tăng Uyên Thy, sinh năm 1992. Cụ Sửu còn có người con tên là Dassé Jean Luois nhưng đã bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Ngày 12/11/1991, cụ Sửu lập di chúc tại Phòng Công chứng số 1 TP Hồ Chí Minh với nội dung: Chia nhà, đất số 35, đường Trần Bình Trọng, phường 5, TP Đà Lạt thành 5 phần, cho em ruột là cụ Nguyễn Văn Mão sinh 1939, các con là Khanh, Đan và anh Dassé Jean Luois, phần còn lại làm từ thiện.
Di chúc của ông Nguyễn Văn Sửu lập ngày 12/11/1991 |
Nguồn gốc nhà, đất số 35 đường Trần Bình Trọng là tài sản riêng của cụ Sửu từ năm 1972. Sau 1975, cụ Sửu phải rời địa phương một thời gian nên nhà, đất này được Nhà nước quản lý. Năm 1989, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định trao trả lại cho cụ Sửu. Nhà, đất của cụ Sửu đã có trước khi kết hôn với bà Đông năm 1992. Năm 2003, cụ Sửu chết, những người được thừa kế theo di chúc yêu cầu bà Đông trao trả tài sản, nhưng bà Đông không đồng ý.
Ông Mão ủy quyền cho chị Đan, chị Khanh kiện bà Đông ra Tòa. Ngày 23 và 24/5/2016, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà đất và đòi bồi thường thiệt hại” ra xét xử.
Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2016/DS-ST ngày 23 và 24/5/2016 của TAND tinh Lâm Đồng, tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc kiện “Tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật; tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà đất và đòi bồi thường thiệt hại về tài sản” với bị đơn bà Tăng Thị Đông; tuyên bố di chúc của cụ Nguyễn Văn Sửu (Nguyễn Thái Cương) ngày 26/11/1991, tại Phòng Công chứng số 1, TP Hồ Chí Minh là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật; xác định nhà và quyền sử dụng đất tổng diện tích đất ở đô thị là 1.578,23m2 thuộc thửa 31, tờ bản đồ số 23, tại số 35 Trần Bình Trọng, phường 5, thành phố Đà Lạt trị giá 13.371.767.328 đồng là tài sản chung của ông Cương, bà Đông, bà Lợi, bà Đức trong đó phần di sản của ông Sửu là 50% trị giá: 6.685.883.660 đồng; phần của bà Tăng Thị Đông là 20% trị giá 2.674.353.464 đồng; phần của bà Dương Thị Thanh Đức là 15% trị giá 2.005.765.098 đồng; phần của bà Tăng Thị Lợi là 15% trị giá 2.005.765.098 đồng.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 358/2018/DS-PT ngày 23/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, về việc kiện “Tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật; tranh chấp liên quan quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà đất và đòi bồi thường thiệt hại về tài sản” đối với nhà, đất tại 35 Trần Bình Trọng, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc kiện tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật; tuyên bố di chúc của cụ Nguyễn Văn Sửu (Nguyễn Thái Cương) ngày 26/11/1991, tại Phòng Công chứng số 1, TP Hồ Chí Minh là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật; xác định căn nhà và quyền sử dụng đất tổng diện tích đất ở đô thị là 1.578,23 m2 thuộc thửa 31, tờ bản đồ số 23, tại số 35 Trần Bình Trọng, phường 5 thành phố Đà Lạt trị giá 13.371.767.238 đồng là tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Sửu và bà Tăng Thị Đông.
Có dấu hiệu Tòa án xét xử trái pháp luật!
Hồ sơ vụ án có nhiều tình tiết cần lưu ý trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên. Tại bản án sơ thẩm thể hiện: Mặc dù xét xử ngày 23 và 24/5/2016, nhưng Hội đồng xét xử căn cứ Chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ tư vấn Hồng Đức ngày 3/5/2013, thì giá đất ở là 8.089.324 đồng/m2, trên đất có công trình xây dựng là nhà biệt thự diện tích 238,28m2 chất lượng còn lại 40% trị giá 520.403.520 đồng; nhà cấp 4b diện tích 96,40m2 trị giá 59.213.700 đồng; cổng chính 5,25m2 chất lượng còn lại 60% trị giá 2.164.260 đồng; tường rào 44m chất lượng còn lại 70% trị giá 23.172.028 đồng. Như vậy, giá trị quyền sử dụng đất là 1.578,23m2 X 8.089.324 đồng/m2 = 12.766.813.820 đồng; giá trị công trình xây dựng là 604.953.508 đồng. Tổng cộng trị giá di sản tính theo giá thị trường là: 13.371.767.328 đồng (Trang 13, dòng 12 trên xuống, của bản án).
Tổng cộng trị giá di sản tính theo giá thị trường là 13.371.767.328 đồng (Trang 13, dòng 12 trên xuống, của bản án sơ thẩm năm 2016) |
Ở cuối trang 16, bản án phúc thẩm, có nội dung: “Do đó, khi xem xét giải quyết trước tiên phải xác định trong khối tài sản là căn nhà và đất số 35 Trần Bình Trọng thì phần sở hữu, sử dụng của bà Tăng Thị Đông là 50%, phần còn lại 50% được xem xét, giải quyết thừa kế. Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ tư vấn Hồng Đức ngày 3/5/2013 thì giá trị di sản tính theo giá thị trường là 13.371.767.328 đồng (các đương sự đều thống nhất giá trên). Như vậy, phiên tòa mở ngày 23/11/2018, nhưng Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vẫn căn cứ Chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ tư vấn Hồng Đức ngày 3/5/2013.
Tổng cộng trị giá di sản tính theo giá thị trường là 13.371.767.328 đồng (Ở cuối trang 16, của bản án bản án phúc thẩm năm 2018). |
Rõ ràng, cả hai cấp Tòa sơ thẩm (xét xử năm 2016) và phúc thẩm (xét xử năm 20018) đã cùng sử dụng chứng thư thẩm định giá ngày 3/5/2013 để xét xử. Việc làm này của Hội đồng xét xử hai cấp tòa án, đã thể hiện dấu hiệu làm trái quy định tại Khoản 7 Thông tư số 28/2015/TT- BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính, quy định về hiệu lực thẩm định giá: “7. Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan; báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá được lập theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 - Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá; xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá: Thời điểm có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá là ngày, tháng, năm ban hành chứng thư thẩm định giá; xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá. Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế – kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực”.
Rõ ràng, quy định tại Khoản 7 Thông tư số 28/2015/TT- BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính đã không được Tòa án áp dụng trong xét xử vụ án trên; là dấu hiệu thể hiện tòa án xét xử trái pháp luật; là cơ sở để nguyên đơn xin được giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 358/2018/DS-PT ngày 23/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, về việc kiện “Tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật; tranh chấp liên quan quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà đất và đòi bồi thường thiệt hại về tài sản” đối với nhà, đất tại 35 Trần Bình Trọng, phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Yêu cầu khẩn cấp được giải quyết giám đốc thẩm
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hạnh Đan đại diện phía nguyên đơn bức xúc: “Bản án dân sự phúc thẩm số 358/2018/DS-PT ngày 23/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh không được sự đồng tình của các nguyên đơn và chúng tôi phẫn nộ vô cùng. Phán quyết của Tòa án đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Chúng tôi. Chúng tôi mất một lô đất 461m2 và chỉ còn nhận số tiền hơn 5 tỷ đồng theo như tòa sơ thẩm đã tuyên, tại sao vô lý như vậy được, quá oan ức cho chúng tôi, không hiểu Thẩm phán căn cứ vào đâu mà phán quyết như vậy? Đây là tài sản riêng của bố tôi và trước khi lấy bà Đông, bố tôi đã có di chúc, ...”.
Một vấn đề khác khiến chúng tôi bức xúc là cả hai cấp tòa án đã sử dụng kết quả định giá nhà, đất từ năm 2013 để phân chia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nhận di sản được quy đổi thành tiền. Chúng tôi không hề đồng ý với kết quả định giá năm 2013 dùng để tuyên xử cuối năm 2018. Tòa nói rằng: ”chúng tôi đã đồng ý” là không đúng sự thật! Và nếu giả sử như có việc “chúng tôi đồng ý”, thì Thẩm phán cũng không thể đồng thuận với chúng tôi, bởi pháp luật có quy định: Kết quả định giá từ năm 2013, không thể đem áp dụng cho việc xét xử vào năm 2016 và năm 2018 được ! Hơn nữa, Thẩm phán của tòa án đều biết rõ pháp luật có quy định về hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá chỉ tối đa là 6 tháng, nhưng đã cố tình làm trái quy định này, bằng việc sử dụng định giá nhà, đất từ 5 năm trước để ra bản án gây thiệt hại cho chúng tôi. Chúng tôi được biết: Bà Đông đã bán căn nhà trên với giá 57 tỷ cho bà Hoàng Thị Thủy Tiên. Chệnh lệch giữa tiền chúng tôi nhận 5 tỷ đồng và 57 tỷ đồng bán trên giấy tờ đã ký tại Phòng Công chứng Vạn Tín – BTX – Đà Lạt là con số quá lớn; và một phần căn nhà nay đã bị đập phá và bán cho người khác. Chúng tôi kêu cứu các Cơ quan chức năng hãy cứu giúp chúng tôi, hãy xem xét, giải quyết để trả lại những gì mà chúng tôi được nhận theo quy định pháp luật, và xem xét những sai phạm của những người đại diện pháp luật.
Một phần căn nhà đã bị đập phá và bán cho người khác |
Tôi xin nói rõ thêm: Nhà, đất số 35, đường Trần Bình Trọng, phường 5, TP Đà Lạt là tài sản riêng của bố chúng tôi có trước khi kết hôn với bà Tăng Thị Đông và trong di chúc bố tôi để lại không có tên của bà Tăng Thị Đông.
Theo Bản án số 02/2016/DS-ST ngày 23 và 24/5/2016 của TAND tỉnh Lâm Đồng, bên được thừa hưởng theo di chúc được nhận 1 lô đất 461,79 m2 và 5.476.093.000đồng (theo định giá nhà, đất năm 2013).
Nhưng theo Bản án số 358/2018/DS-TP ngày 23/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, quyền lợi của những người thừa kế theo di chúc của bố chúng tôi đã bị xâm phạm nghiêm trọng, do Thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên sử dụng định giá năm 2013, nhưng xét xử năm 2018. Kết quả là chúng tôi không còn mét đất nào, chỉ được trả số tiền 5.200.131.736đồng.
Tôi đã bổ sung hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của TAND Tối cao và nhiều lần gởi đơn kêu cứu, đề nghị được sớm xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án số 358/2018/DS-TP ngày 23/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, vì sắp hết thời hạn giám đốc thẩm, nhưng đến nay vẫn không thấy kết quả giải quyết (?!) Hãy cứu chúng tôi, chúng tôi cần sự giúp đỡ, nhà của bố chúng tôi đã bị bán qua nhiều chủ và đang bị tháo dỡ”.
Đơn, thư của một số công dân (trong đó có chị Nguyễn Thị Hạnh Đan) gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, được Văn phòng Chính phủ chuyển đến TAND Tối cao xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. |